2 bộ quản lý một lưu vực sông, một nhiệm vụ ngân sách tốn 2 lần tiền

09/11/2022 18:05 GMT+7

Một lưu vực sông nhưng cả Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT cùng quản lý và Chính phủ đang phải chi 2 lần ngân sách cho một nhiệm vụ quy hoạch lưu vực sông.

Đó là thực tế bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý nhà nước về nguồn nước được GS - TS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, thông tin tại hội thảo Nâng cao hiệu quả thực hiện Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Thủy lợi Việt Nam tổ chức ngày 9.11, tại Hà Nội.

Cùng quy hoạch sông Đồng Nai nhưng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam ký hợp đồng đồng thời với Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT

Ngọc Dương - Lê Lâm

Theo GS - TS Đào Xuân Học, trong tổ chức quản lý nhà nước về tài nguyên nước hiện nay phân tán, chồng chéo, trùng lặp, kém hiệu quả, nhất là giữa Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT.

Cụ thể, Bộ TN-MT đang quản lý tài nguyên nước. Còn Bộ NN-PTNT thực hiện công tác thủy lợi với đội ngũ cán bộ ngành nước từ T.Ư đến địa phương kế thừa từ Bộ Thủy lợi trước đây. Đội ngũ này đang làm công tác quản lý, bảo vệ, phát triển, điều hòa và phân phối tài nguyên nước và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, thông qua điều hành các công cụ quản lý nguồn nước.

Các hệ thống thủy lợi miền Bắc, miền Trung đều nằm trong đê, tất cả các hộ dùng nước (công nghiệp, sinh hoạt, du lịch, dịch vụ…) đều lấy từ các hệ thống thủy lợi mà ngành thủy lợi đang quản lý.

Cụ thể, với sông Nhuệ, sông Đáy đã có Ban quản lý hệ thống thủy lợi sông Nhuệ, sông Đáy nhưng lại có thêm Ủy ban Quản lý lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy. Các lưu vực sông khác cũng tương tự, đều có 2 đơn vị quản lý trực thuộc 2 bộ khác nhau.

GS - TS Đào Xuân Học chỉ rõ, sự chồng chéo trong công tác quy hoạch phát triển và bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực sông hiện nay thể hiện ở chỗ, các quy hoạch sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên cùng một lưu vực nhưng có 2 bộ chỉ đạo thực hiện. Công việc giữa các bộ chỉ khác biệt về tên gọi, không có sự khác biệt về nội dung. Vì số liệu đầu vào và yêu cầu đầu ra như nhau, chỉ khác nhau trong sử dụng cụm từ “sử dụng tổng hợp nguồn nước” và “sử dụng tổng hợp tài nguyên nước”.

GS - TS Đào Xuân Học nêu dẫn chứng: “Cùng quy hoạch lưu vực sông Ba nhưng Trung tâm Thủy văn môi trường, Trường đại học Thủy lợi ký hợp đồng quy hoạch tổng hợp nguồn nước với Bộ NN-PTNT và ký hợp đồng quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước với Bộ TN-TM. Tương tự như sông Đồng Nai, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam ký hợp đồng quy hoạch tổng hợp nguồn nước với Bộ NN-PTNT và ký hợp đồng quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước với Bộ TN-MT”.

Theo đó, ông Học khẳng định, cùng một nhiệm vụ quy hoạch sông nhưng Chính phủ đang phải đầu tư 2 lần ngân sách. Điều này cũng làm suy giảm trầm trọng về uy tín của ngành nước Việt Nam trên diễn đàn quốc tế, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của ngành nước bởi việc tuyên truyền không rõ ràng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.