Chiều 12.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án Phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Báo cáo của Bộ TT-TT cho biết đã xuất hiện nhiều điểm sáng, mô hình hay như việc xây dựng nhận thức số, đào tạo nhân lực số tại Đà Nẵng, xây dựng hạ tầng số tại Quảng Ninh; thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến với chiến dịch 92 ngày đêm tại Bình Phước...
Đáng chú ý, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với Bộ TT-TT nghiên cứu và triển khai thử nghiệm "trợ lý ảo" đóng vai trò như một thư ký riêng, am hiểu pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ của tòa án, làm việc 24/7. Trợ lý ảo này luôn bên cạnh thẩm phán, giao tiếp với thẩm phán bằng ngôn ngữ tự nhiên thông qua điện thoại di động, máy tính cá nhân.
Việc sử dụng "trợ lý ảo" đã giúp tiết kiệm nhiều thời gian tra cứu, tìm kiếm, nghiên cứu, xử lý, ra quyết định đối với các vụ án được đúng bản chất sự việc, đúng pháp luật. Đến tháng 6.2023, Tòa án nhân dân tối cao đã cung cấp hơn 11.600 tài khoản cho thẩm phán và cán bộ, công chức của toà án sử dụng trợ lý ảo…
Là một trong những địa phương đi đầu về chỉ số cơ sở hạ tầng, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, tỷ lệ hộ gia đình có kết nối cáp quang đạt 89,13% (trung bình cả nước đạt 75,39%). 100% xã, phường, thị trấn được triển khai internet băng rộng.
Hạ tầng số đồng bộ, hiện đại đã góp phần quyết định chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xử lý thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động của nền hành chính. Mục tiêu năm 2023, 100% TTHC của tỉnh Quảng Ninh đều được rút ngắn từ 30 - 70% thời gian giải quyết so với quy định của cơ quan T.Ư; hơn 60% hồ sơ được giải quyết trước hạn.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án (Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh và Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh) của Công ty Foxconn Singapore PTE LTD tại KCN Sông Khoai (Quảng Yên), với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD.
Cả 2 dự án đều được cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong 12 giờ làm việc, kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh (rút ngắn thời gian giải quyết 14 ngày làm việc so với quy định).
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, đặc thù quy mô hệ thống của thành phố lớn và đã triển khai từ lâu, nhiều dịch vụ và dữ liệu lớn. Vì vậy, công tác triển khai thay thế nền tảng được thành phố thực hiện cẩn trọng dựa trên giải pháp quy hoạch các dịch vụ, dữ liệu hệ thống cũ về một nơi thống nhất, cung cấp trước ngày 29.10.2022.
Theo ông Mãi, kinh nghiệm của TP.HCM là triển khai nhanh, quyết liệt, tổng thể, đồng bộ và kỷ luật trong tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch và phương án đã đề ra. Thành phố sẽ sớm đạt được mục tiêu đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng dịch vụ xác thực định danh điện tử, căn cước công dân...
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, 25/25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06 và 10/28 dịch vụ công tại Quyết định số 422/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Trong đó, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ, cơ quan tái cấu trúc quy trình 2 nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông "Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi" và "Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng" và tổ chức thực hiện thí điểm tại Hà Nội, Hà Nam.
Bộ KH-ĐT và Đà Nẵng dẫn đầu về chuyển đổi số năm 2022
Tại hội nghị, Bộ TT-TT đã công bố chỉ số và bảng xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022 của các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.
Theo đó, Đà Nẵng, TP.HCM và Quảng Ninh lần lượt dẫn đầu ở khối các địa phương, trong khi Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và Bộ TN-MT chiếm vị trí dẫn đầu ở khối các bộ, cơ quan có dịch vụ công.
Trên phạm vi cả nước, đến nay, có 4.422/6.423 TTHC (chiếm 68,8%) đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến, với tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tăng, trong đó, các bộ, ngành có 82% hồ sơ trực tuyến (tăng 1,5 lần so với năm 2022), địa phương có 61,36% hồ sơ trực tuyến (tăng 1,7 lần so với năm 2022); có 2,5 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến thành công, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Các bộ, địa phương đã tập trung thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả TTHC theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp thông tin, giấy tờ 1 lần. Theo đó, việc cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử ở bộ, ngành đạt 22,8% (tăng 11% so với năm 2022), ở các địa phương là 32% (tăng 20% so với năm 2022); 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công như: bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy…
Chất lượng giải quyết TTHC đã được cải thiện so với năm 2022, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hoặc sớm hạn của bộ, ngành tăng 10% so với năm 2022, địa phương tăng 8% so với năm 2022.
Bình luận (0)