Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sán lá gan nhỏ. Theo hướng dẫn, người nhiễm sán lá gan nhỏ khi ăn các thức ăn từ cá chưa được nấu chín có ấu trùng sán lá gan nhỏ còn hoạt động như gỏi cá, lẩu cá, cá muối, cá ngâm giấm, cá khô, cá hun khói...
Chu kỳ phát triển của ấu trùng sán lá gan nhỏ |
Tư liệu Bộ Y tế |
VN hiện ghi nhận 2 loài sán lá gan nhỏ là Clonorchis sinensis và Opisthorchis viverrini, phân bố ở ít nhất 32 tỉnh thành. Clonorchis sinensis lưu hành ở các tỉnh miền Bắc, Opisthorchis viverrini lưu hành ở khu vực các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Đáng chú ý, mọi đối tượng đều có thể bị nhiễm sán lá gan nhỏ. Không có miễn dịch lâu dài và có thể dễ dàng tái nhiễm. Người và động vật như chó, mèo, lợn nhiễm sán lá gan nhỏ khi ăn phải cá có ấu trùng sán còn hoạt động.
Để phòng bệnh: Không ăn gỏi cá và các loại thực phẩm chế biến từ cá chưa nấu chín. Không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế xuống các nguồn nước. Định kỳ tẩy sán cho chó, mèo, lợn (ngừa lây nhiễm sang người).
Thể nhẹ (giai đoạn đầu), đa số không có triệu chứng điển hình, đôi khi có rối loạn tiêu hóa. Thể trung bình (giai đoạn toàn phát), người bệnh xuất hiện các triệu chứng: mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, giảm cân; đau bụng (thường đau ở vùng thượng vị, hạ sườn phải hoặc cả hai), đau tăng khi lao động nặng, đi lại, có thể có cơn đau gan điển hình, đau bụng có thể kèm theo tiêu chảy; rối loạn tiêu hóa (phân sống, đầy bụng, khó tiêu, ậm ạch); vàng da, nước tiểu vàng, xuất hiện từng đợt, một số trường hợp có sạm da. Khám gan to dưới bờ sườn, ấn mềm, lúc này có thể có điểm đau túi mật.
Thể nặng (giai đoạn cuối), bệnh nhân ăn kém, gầy yếu, sụt cân, giảm sức lao động. Phần lớn người bị bệnh sán lá gan có xơ gan ở nhiều mức độ khác nhau do sán kích thích tăng sinh tổ chức xơ lan tỏa, đường mật dày lên, kém đàn hồi, có thể bị tắc. Những trường hợp không điều trị có thể dẫn đến xơ gan, cổ trướng và bệnh có liên quan đến ung thư biểu mô đường mật gây tử vong.
Bình luận (0)