2 năm chưa thông qua quy chế nhà lưu trú

30/08/2005 23:56 GMT+7

Hôm qua 30.8, ngày thứ hai Đoàn Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khảo sát về việc thực hiện chính sách đối với người ngoại tỉnh trên địa bàn TP.HCM. Nhiều bức xúc từ thực tiễn đã "trào" ra...

Buổi sáng, đoàn khảo sát làm việc với Ban Quản lý các khu chế xuất (KCX) - khu công nghiệp (KCN) TP.HCM (HEPZA) tại văn phòng KCX Linh Trung, Q.Thủ Đức.

Theo báo cáo của HEPZA, tổng số lao động tại các KCX-KCN thành phố hiện khoảng trên 180 ngàn người, trong đó 70% là lao động ngoại tỉnh, lương bình quân đầu người mỗi tháng từ 650.000 đồng (doanh nghiệp ngoài quốc doanh) đến 950.000 đồng (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Vì vậy, vấn đề bức xúc nhất đối với người lao động ở đây là nơi ở, đi lại... "Các tuyến xe đưa rước công nhân đã được HEPZA, Sở Giao thông - Công chính cùng phối hợp thực hiện trong nhiều năm nay, hoạt động được một thời gian lại bỏ vì thiếu sự trợ giá của thành phố..." - bà Đoàn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Lao động HEPZA, nói về chính sách hỗ trợ đi lại cho công nhân các KCX-KCN. Bà Hà nói tiếp: "HEPZA được giao nhiệm vụ xây dựng quy chế nhà lưu trú. Chúng tôi đã xây dựng xong nhưng gần 2 năm qua vẫn chưa được thông qua do còn có ý kiến khác nhau từ các sở, ngành liên quan... Trong khi đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để phát triển, quản lý nhà lưu trú cho công nhân".

 Không chỉ thiếu cụ thể, ông Trần Thanh Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Khai thác hạ tầng KCX Linh Trung còn khẳng định "chính sách bất hợp lý". "Nhà ở, đại bộ phận công nhân thuê bên ngoài. Nói thật, đó là chỗ ngủ thôi chứ gọi gì là chỗ ở. Nhưng doanh nghiệp xây nhà cho công nhân lưu trú thì họ lại phải đóng thuế VAT. Ngay suất ăn cho công nhân trong khu lưu trú 3.500 - 4.000 đồng/suất cũng vẫn phải đóng thuế 10%. Thế thì làm sao khuyến khích? Chút các anh xuống doanh nghiệp, họ nói cho nghe" - ông Hồng bức xúc. Quả đúng như ông Hồng nói, khi làm việc với Công ty TNHH Nissei Electric VN - một trong 2 doanh nghiệp ở KCX Linh Trung tự đầu tư xây nhà lưu trú cho công nhân - ông Tổng giám đốc Atsuo Ogusu cho biết công ty đã đầu tư 2 triệu USD xây nhà lưu trú hơn 2.000 chỗ, trang bị điện thoại, máy giặt... cho công nhân ở không thu tiền, nhưng đang khổ về thuế: "Theo quy định, khi đầu tư vào KCX, nhà đầu tư được miễn thuế nhập khẩu vật tư xây dựng nhà xưởng. Nhưng vật tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân thì vẫn bị đánh thuế. Tiền điện, nước, suất ăn cho công nhân cũng bị đánh thuế. Toàn bộ các chi phí trong khu lưu trú công ty đều gánh, nhưng không được tính vào chi phí sản xuất hợp lý".

Chủ tịch Công đoàn Hepza Lê Trung Nghĩa lại băn khoăn về các hoạt động văn hóa, giải trí cho người lao động nhập cư còn quá ít. "Người lao động ở TP.HCM xong giờ làm việc họ còn có gia đình. Còn công nhân ngoài tỉnh thì có gì?" - ông Nghĩa trăn trở. Từ thực trạng các đại biểu nêu, Vụ trưởng Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên đặt ra vấn đề yêu cầu giải quyết: "Lao động nữ thì nhiều, chiếm đến trên 70%. Bây giờ họ đang còn trẻ, dốc sức lao động, tăng ca... nhưng nhà không có, nơi vui chơi giải trí thiếu. Khoảng mươi năm nữa, sức lao động cạn, trở về quê, không chồng con... rồi sẽ ra sao? Đây là một vấn đề xã hội rất lớn".

Đức Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.