Cụ thể, mới đây, Báo Thanh Niên nhận được đơn xin bảo hộ công dân từ chủ một tàu cá tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo đơn này, khoảng 6 giờ 45 phút ngày 18.3.2021, tàu cá số hiệu BV4419TS của anh Trần Hùng Dũng đang bán cá cho tàu BL93333TS (do ông Liên Văn Lợi đứng tên) thì bị tàu mang số hiệu OPV8001 của Indonesia khống chế và lai dắt về Indonesia.
Mặc dù tàu kiểm ngư KN266 của Việt Nam có mặt lúc đó đã đuổi theo để đàm phán, can thiệp, nhưng tàu của Indonesia vẫn kiên quyết đưa 2 tàu của Việt Nam với 43 thuyền viên đi.
Theo đơn, tàu này đánh lưới tại tọa độ 06°46’30N 109°34’30E đã được Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ký giấy phép đánh bắt, thuộc chủ quyền Việt Nam, không hề xâm phạm hải phận Indonesia.
Sau khi nhận được thông tin này, Thanh Niên đã đề nghị Người phát ngôn cho biết thông tin xác minh vụ việc này và các biện pháp bảo hộ công dân đã được tiến hành.
Trả lời câu hỏi này tại buổi họp báo, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, Bộ Ngoại giao cũng nhận được thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, vào ngày 18.3, 2 tàu cá mang số hiệu BV4419TS, với khoảng 20 ngư dân; và BL93333TS, với khoảng 12 ngư dân, đã bị phía Indonesia bắt giữ khi đang đánh cá tại khu vực đường phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia.
Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam cũng đã tuyên truyền, đề nghị phía Indonesia trao trả tàu cá (tuy nhiên, phía Indonesia không hợp tác, như đơn của ngư dân đã nêu).
Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia liên hệ với cơ quan chức năng sở tại, yêu cầu xác minh thông tin, làm rõ vụ việc. Bộ Ngoại giao cũng yêu cầu Đại sứ quán sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.
Ở trong nước, Bộ Ngoại giao đã liên hệ, trao đổi với các cơ quan cũng như các địa phương liên quan thu thập thêm thông tin để có cơ sở trao đổi với phía Indonesia, trên nguyên tắc đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của ngư dân Việt Nam.
Bà Hằng cho biết sẽ tiếp tục thông tin cho báo chí khi có diễn biến mới.
Bình luận (0)