2 triệu thanh niên không có việc làm và không đi học do Covid-19

16/04/2021 11:37 GMT+7

Theo Tổng cục Thống kê, quý 1/2021, dù số người thất nghiệp giảm nhưng tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo tăng lên so với cùng kỳ năm trước.

Sáng nay, 16.4, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo về tình hình lao động việc làm quý 1/2021. Tại cuộc họp báo, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), đã báo cáo về tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý 1/2021.
Đây là báo cáo đầu tiên của Việt Nam được áp dụng khung khái niệm mới đã được các quốc gia thống nhất sử dụng từ năm 2013, được gọi là tiêu chuẩn ICLS 19. Vì thế, những người làm việc với mục đích tự cung, tự cấp trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản sẽ không được xác định là lao động có việc làm như tiêu chuẩn trước đây.

Thanh niên chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch Covid-19

Theo ông Phạm Hoài Nam, trong quý 1/2021, thị trường lao động Việt Nam đã hứng chịu những tác động xấu do đợt bùng phát lần thứ 3 của dịch Covid-19, cả nước có 9,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch này.
Những ảnh hưởng tiêu cực đó gồm mất việc, tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh, giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm thu nhập.
Tỷ lệ thất nghiệp có giảm, nhưng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức và thiếu việc làm đều tăng. Đăc biệt, thanh niên là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch Covid-19.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1/2021 là gần 1,1 triệu người, giảm 137.000 người so với quý trước và tăng 12.100 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1/2021 là 2,42%, giảm 0,21 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,08 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, riêng với thanh niên, tỷ lệ không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo (viết tắt là tỷ lệ NEET) lại tăng. Tỷ lệ này là 16,3%, tương đương gần 2 triệu thanh niên, tăng 0,9 điểm phần trăm (tương đương 51.600 người) so với cùng kỳ năm trước. “Như vậy, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc tìm kiếm việc làm cũng như học tập của thanh niên, làm tỷ lệ NEET tăng lên”, ông Phạm Hoài Nam nói.
Ông Nam cũng cho biết, hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng. Việc tận dụng nhóm lao động này trở nên hạn chế hơn trong bối cảnh dịch Covid-19.
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam trước khi có dịch Covid-19 (năm 2019) chiếm khoảng 4%. Tỷ lệ này bắt đầu tăng lên, quý 1/2020 là 4,8%; quý 2/2020 là 6%. Khi các hoạt động kinh tế - xã hội dần khôi phục vào cuối năm 2020, tỷ lệ này giảm xuống còn 4,4% vào quý 4/2020 và tăng lên thành 4,9% vào quý 1/2021.
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý 1/2021 của khu vực thành thị cao hơn nông thôn (5% so với 4,9%), của nam cao hơn nữ (5,2% so với 4,6%). Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người dưới 35 tuổi (53,2%).
“Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc nghiên cứu các chính sách để tận dụng nhóm lao động này càng trở nên cần thiết”, ông Nam khuyến nghị.

Thu nhập người lao động tăng

Điểm sáng trong báo cáo của ông Nam là thu nhập bình quân tháng của người lao động đạt 6,3 triệu đồng, tăng 339.000 đồng so với quý trước và tăng 106.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn 1,4 lần so với nữ (tương ứng 7,3 triệu đồng so với 5,2 triệu đồng). Thu nhập bình quân lao động khu vực thành thị (7,9 triệu đồng) cao hơn 1,5 lần lao động nông thôn (5,4 triệu đồng).
Ông Nam nhận xét: “Bất chấp sự bùng phát của đại dịch Covid-19, thu nhập bình quân của người lao động vẫn tăng ở cả 3 khu vực kinh tế. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong khu vực nông, lâm, thủy sản là 3,6 triệu đồng, tăng 181.000 đồng so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng có thu nhập bình quân là 7,2 triệu đồng, tăng 112.000 đồng; khu vực dịch vụ là 7,5 triệu đồng, tăng 55.000 đồng”.
Theo ông Nam, vẫn có một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, khiến thu nhập của lao động trong những ngành đó sụt giảm. Đó là các ngành nghệ thuật, vui chơi giải trí, giảm 5,2% (tương đương 359.000 đồng); vận tải kho bãi giảm 2,7% (234.000 đồng).
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương tăng so với quý trước 556.000 đồng (đạt 7,2 triệu đồng). Với diện này, lao động nam có thu nhập bình quân cao gấp 1,2 lao động nữ (7,6 triệu đồng so với 6,6 triệu đồng).
Theo ông Phạm Hoài Nam, nước ta vẫn còn 3,5 triệu lao động sản xuất nông nghiệp với mục đích chủ yếu để bản thân và gia đình sử dụng, gọi là lao động tự sản tự tiêu. Lao động tự sản tự tiêu không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, hơn một nửa trong số họ đang trong độ tuổi lao động.
Đây là nguồn tiềm năng vô cùng phong phú có thể tận dụng để phát triển. Nhà nước cần triển khai những chính sách dành riêng để thu hút đối tượng này tham gia thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội nói chung, đồng thời giúp cải thiện đời sống của người lao động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.