Vì sao nước sạch bị lo ngại về chất lượng?
Qua những thông tin người dân cung cấp, chúng tôi đã đi dọc sông Châu Giang để tìm hiểu về nguồn nước đầu vào của Nhà máy nước sạch Đồng Du, Nhà máy nước sạch Hưng Công.
Theo quan sát, nhiều khúc sông Châu Giang chứa đầy rác thải, bốc mùi hôi thối. Nghiêm trọng hơn, có những dòng nước thải từ trang trại chảy thẳng ra sông. Thậm chí, có những dòng nước thải ở cách nhà máy nước sạch chỉ khoảng 100 m. Đó là Nhà máy nước sạch Hưng Công, nơi cung cấp nước sạch cho người dân 4 xã Hưng Công, Bối Cầu, An Nội, Ngọc Lũ của H.Bình Lục.
Hàng vạn hộ dân Hà Nam và nghịch lý không sử dụng nước sạch để ăn uống
Bà Lê Thị Tình (58 tuổi, người dân xã Hưng Công) cho biết, nước tại sông Châu Giang vài năm trở lại đây ô nhiễm nghiêm trọng bởi người dân vứt rác, lợn chết, xả thải ra. Sau đó, nước lại được Nhà máy nước sạch Hưng Công hút vào, xử lý rồi cung cấp cho người dân. Chính vì vậy, gia đình bà Tình không dám sử dụng nước sạch để ăn uống.
Ngồi cạnh bà Tình, bà Phạm Thị Mười nói thêm, nước sông quê bà bây giờ chẳng chỗ nào sạch. Nhưng nếu không dùng nước sạch của nhà máy thì cũng không có nước nào để dùng, nước mưa thì chỉ có hạn, vậy nên đành phải "sống chung với lũ chứ biết làm sao".
Theo báo cáo của Công ty TNHH xây dựng Mỹ Đà, đơn vị vận hành Nhà máy nước sạch Đồng Du và Nhà máy nước sạch Hưng Công, kết quả thử nghiệm 2 lần mẫu nước mặt sông Châu Giang, trong đó, lần 1 vào ngày 24.6, do Trung tâm Kiểm nghiệm TSL Hà Nội thực hiện, cho thấy hàm lượng Nitrit trong mẫu nước mặt sông Châu Giang là 1,35 mg/l (QCVN 08/2023/BTNMT: 0,05 mg/l), vượt ngưỡng cho phép 27 lần. Kết quả thử nghiệm ngày 1.6 là 0,91 mg/l, vượt ngưỡng cho phép 16 lần.
Nước sông bơm vào bể lắng tại Nhà máy nước sạch Hưng Công bị đục, có váng
ĐÌNH HUY
Sau khi có kết quả xét nghiệm, Công ty TNHH xây dựng Mỹ Đà đã khuyến cáo người dân không sử dụng nước trực tiếp để ăn, uống.
Công ty này nhận định, nguồn nước mặt sông Châu Giang bị ô nhiễm và có chỉ số hàm lượng Nitrit cao là do đập Quang Trung - Vĩnh Trụ ngừng hoạt động. Ngoài ra, nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước mặt còn do vị trí hạ lưu sông Châu Giang, cạnh đó, người dân tự ý xả nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi, xác thực vật... xuống lòng sông. Đặc biệt, các trang trại chăn nuôi xả trực tiếp ra sông cùng việc các hộ dân vây lưới đóng thành bè, có những vị trí vây lưới ngang sông để nuôi cá.
Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà đề nghị UBND các huyện Bình Lục và Lý Nhân tuyên truyền UBND các xã, các hộ dân sinh sống dọc theo tuyến sông Châu Giang không được xả thải bừa bãi rác thải sinh hoạt, nước thải sinh hoạt chăn nuôi... Bơm nước mặt nên hồ lắng của hệ thống Nhà máy nước sạch Đồng Du vào thời điểm nước ngoài sông Châu Giang dâng cao hoặc khi thời tiết mưa nhiều, mưa lớn. Đặc biệt, công ty này đề xuất được tự bỏ vốn đầu tư, nâng cấp công nghệ xử lý nước phù hợp khi được cấp có thẩm quyền cho phép.
3 sở, 2 huyện kiểm tra nhà máy nước sạch
Ngày 4.7, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Hà Nam gồm đại diện 3 sở và 2 huyện gồm Sở NN-PTNT, Sở Y tế, Sở TN-MT, UBND H.Lý Nhân, UBND H.Bình Lục và đại diện 5 xã Tràng An, An Mỹ, Đồng Du, Bình Nghĩa, Đồn Xá làm việc với Nhà máy nước sạch Đồng Du.
Tại đây, đoàn kiểm tra đã khảo sát hiện trạng nguồn nước đầu vào của Nhà máy nước sạch Đồng Du, chất lượng nước đầu ra, quy trình vận hành của nhà máy, công tác quản lý, kiểm soát chất lượng nước đầu vào và đầu ra của nhà máy, công tác quản lý duy trì hoạt động của nhà máy, mạng lưới cấp nước sạch và tuyến ống dịch vụ.
Đoàn kiểm tra yêu cầu Công ty TNHH xây dựng Mỹ Đà rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quy trình vận hành khai thác theo dây chuyền công nghệ của nhà máy và việc sử dụng hóa chất theo các quy chuẩn tiêu chuẩn hiện hành để xử lý nước đảm bảo yêu cầu.
Trước mắt, cần có biện pháp khẩn trương xử lý giảm thiểu hàm lượng Nitrit và các hoạt chất khác đảm bảo các chỉ tiêu hóa lý theo quy chuẩn chất lượng nước đầu ra. Tăng cường tích trữ nguồn nước thô khi mực nước sông Châu Giang dâng cao hoặc mưa nhiều, mưa lớn. Đồng thời, cần khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng nước, tiết kiệm nước vào thời điểm nguồn nước thô có chất lượng xấu, nhà máy buộc phải giảm công suất sản xuất.
Xây dựng kế hoạch bổ sung dây truyền, công nghệ hỗ trợ tăng cường cho việc xử lý chất lượng nước trước thực trạng các chỉ tiêu nước thô vượt ngưỡng cho phép.
Ngoài ra, đoàn liên ngành cũng lấy mẫu nước để xét nghiệm theo quy định. Dự kiến, kết quả xét nghiệm sẽ có vào ngày 10.7.
Ai chịu trách nhiệm?
Liên quan đến vấn đề nguồn nước mặt sông Châu Giang bị ô nhiễm nhưng nhà máy vẫn phải sử dụng, trao đổi với Thanh Niên, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Hà Nam cho biết, trước đây, khi đặt nhà máy nước sạch, cơ quan chức năng đã có kiểm tra đầy đủ và không phát hiện bất thường.
Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa quá nhanh nên nguồn nước sông Châu Giang nói riêng và nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam bị ô nhiễm. Chính vị này cũng không dám dùng nước sạch cho mục đích ăn uống mà phải sử dụng nước mưa.
Theo ông, về nguyên tắc, chất lượng nước đầu vào tại nhà máy nước sạch là trách nhiệm của Sở TN-MT, chất nước đầu ra thuộc trách nhiệm của Sở Y tế. Trong khi đó, đơn vị sản xuất, cung cấp nước sạch phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng nguồn nước cung cấp cho khác sử dụng. Khi có bất cứ sự thay đổi nào, doanh nghiệp sẽ phải có sự điều chỉnh, can thiệp xử lý bằng hóa chất để đảm bảo nguồn nước luôn giữ được độ ổn định về chất lượng.
Về ô nhiễm sông Châu Giang, vị đại diện cho rằng, nguyên nhân chính gây ô nhiễm là vì bản chất sông này là một kênh tiêu, dẫn nước về trạm bơm Hữu Nghị. Kênh tiêu thì nhiệm vụ chính phải chuyển nước từ đây qua trạm bơm đến sông Hồng nên tất cả những con kênh lớn nhỏ bị ô nhiễm đều dẫn vào sông Châu Giang.
"Quanh khu vực Nhà máy nước sạch Đồng Du có rất nhiều nguồn xả thải. Chợ, khu dân cư, nhà vệ sinh cá nhân… chỉ riêng nước thải sinh hoạt đã là vấn đề rồi chứ chưa nói đến nguồn thải từ chăn nuôi. Nguy hiểm hơn nữa là các loại thuốc diệt cỏ dùng trong nông nghiệp cũng ra hết các kênh tiêu rồi từ đó hòa vào sông. Để ngăn chặn điều này cần phải làm đồng bộ mà trách nhiệm chính thuộc về UBND các xã", đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Hà Nam nói.
Chia sẻ về giải pháp để giảm tình trạng ô nhiễm, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Hà Nam cho hay, hiện nay chỉ có giải pháp đưa nước sông Hồng vào pha loãng nước sông Châu Giang.
Bình luận (0)