Phim dành cho thiếu nhi không phải hiếm nhưng không nhiều những sản phẩm vừa bắt mắt, hài hước, vừa lồng ghép yếu tố nhân văn dễ hiểu và mang tính giáo dục. Nhân dịp quốc tế thiếu nhi 1.6, mới độc giả cùng điểm lại những bộ phim hay nhất mà các em nhỏ nên được xem.
1. Snow White and the Seven Dwarfs - Bạch tuyết và bảy chú lùn (1937)
|
Bạch Tuyết và bảy chú lùn là bộ phim hoạt hình dài đầu tiên do Walt Disney sản xuất, mở ra kỷ nguyên mới cho sự phát triển của phim hoạt hình mà chúng ta đang chứng kiến ngày nay. Dựa trên truyện cổ tích do anh em nhà Grimm xuất bản đầu thế kỷ 19, phim là câu chuyện kể về nàng công chúa bị hoàng hậu ganh ghét vì sắc đẹp hơn người. Trải qua nhiều sóng gió, nàng có cuộc sống vui vẻ với 7 chú lùn đáng yêu và gặp được hoàng tử của đời mình. Đây là bộ phim hoạt hình kinh điển nhất định phải xem trước khi trưởng thành.
2. E.T The Extral-Terrestial - Cậu bé ngoài hành tinh (1982)
|
Đây là câu chuyện cảm động ca ngợi tình bạn đặc biệt giữa sinh vật ngoài hành tinh E.T và cậu nhóc Elliot 10 tuổi cùng em gái Gertie 5 tuổi, anh trai Micheal 15 tuổi. Vì người bạn đặc biệt này mà những cô cậu nhóc không quản ngại khó khăn, cấm đoán của người lớn để đưa được E.T lên phi thuyền trở về nhà an toàn.
Với năm giải Oscar và gần 800 triệu USD tiền doanh thu, bộ phim là minh chứng hùng hồn nhất cho một tác phẩm về đề tài thiếu nhi vẫn đảm bảo mặt thương mại và nghệ thuật. Năm 1994, Hội đồng điện ảnh quốc gia đã chọn E.T trở thành một trong những bộ phim cần được bảo tồn của Mỹ.
3. My Neighbor is Totoro - Hàng xóm tôi là Totoro (1988)
|
Không phải ngẫu nhiên mà Ghibli chọn hình ảnh Totoro làm biểu tượng cho hãng. Với nội dung nhẹ nhàng và đậm chất hồn nhiên trong sáng, vị thần rừng đáng yêu Totoro đã trở thành một hình tượng cho phong cách làm phim hoạt hình sáng tạo, đáng yêu và đầy nhân văn. Bộ phim có sức lan tỏa mãnh liệt và gắn liền với kí ức tuổi thơ của nhiều khán giả trên toàn thế giới.
Không quá xa vời và phô trương kĩ xảo như những phim hoạt hình khác của phương Tây, mọi chi tiết trong Hàng xóm tôi là Totoro đều nhẹ nhàng, đơn giản nhưng sâu sắc, đậm chất nhân văn đúng chất kín đáo, thâm trầm của người Á Đông nói chung và người Nhật nói riêng. Bộ phim từng là tác phẩm gây tiếng vang nhất trong dòng phim hoạt hình của đất nước mặt trời mọc lúc bấy giờ.
4. Home Alone - Ở nhà một mình (1990)
|
Tác phẩm được dàn dựng từ 26 năm trước này là một trong những bộ phim dành cho thiếu nhi nổi tiếng nhất Hollywood với doanh thu kỉ lục gần 500 triệu USD và giúp đưa tên tuổi diễn viên nhí Macaulay Culkin trở thành một hiện tượng toàn thế giới lúc bấy giờ.
Khán giả không những hồi hộp theo những trò nghịch tai quái của cậu bé 10 tuổi Kevin McCalliste mà còn cười “nghiêng ngả” với những cuộc “tra tấn” mà cậu nhóc lém lỉnh dành cho hai tên trộm có phần ngờ nghệch. Cùng với tiếng cười trong trẻo, bộ phim mang tới cho người xem một câu chuyện ý nghĩa về tình gia đình trong một dịp vô cùng đặc biệt - Lễ Giáng sinh.
5. Baby’s day out - Siêu quậy (1994)
|
Những ai đã xem Siêu quậy chắc hẳn không thể quên được hình ảnh cậu bé Bink vô cùng đáng yêu và tinh nghịch. Vốn là con của một gia đình triệu phú, ngay từ khi mới lọt lòng cậu bé đã là mục tiêu của những kẻ bắt cóc tống tiền. Tuy nhiên, sau khi cải trang thành những thợ chụp ảnh và mang được Bink đi thì từ đây, những giây phút kinh hoàng của cuộc đời 3 kẻ xấu lại bắt đầu với những trò đùa của cậu bé “miệng còn hôi sữa” này.
6. The Lion King - Vua sư tử (1994)
|
Dù đã ra đời hơn 20 năm nhưng tác phẩm hoạt hình kinh điển được vẽ tay của Walt Disney vẫn có sức lôi cuốn với trẻ em ở bất kỳ thế hệ nào. Chú sư tử nhí Simba cùng những người bạn Timon và Pumbaa vẫn cuốn hút bao thế hệ khán giả, không chỉ lũ trẻ mà còn cả với người lớn. Phim đoạt một giải Quả cầu vàng, hai giải Oscar và là bộ phim hoạt hình vẽ tay ăn khách nhất mọi thời đại. Với hình ảnh rực rỡ, âm nhạc lãng mạn cùng một nội dung ẩn chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Vua sư tử vẫn là một biểu tượng hoạt hình khó có thể lật đổ của Disney.
7. Toy Story - Câu chuyện đồ chơi (1995, 1999, 2010)
|
Kể từ năm 1995, khi hãng Pixar lần đầu trình làng tác phẩm gây ấn tượng này, kỷ nguyên của phim hoạt hình đã bước sang một trang mới với các siêu phẩm được sản xuất dưới định dạng 3D. Bộ phim là câu chuyện nói về thế giới đồ chơi của cậu bé Andy, khi vắng bóng chủ nhân, đám đồ chơi có thể cử động và thể hiện cảm xúc hệt như con người.
Với Câu chuyện đồ chơi 3, Pixar đã nhận được năm đề cử Oscar, trong đó có hạng mục Phim hay nhất và giành tượng vàng cho danh hiệu Phim hoạt hình hay nhất. Bộ phim vẫn giữ nguyên yếu tố đã làm nên thành công của những tập phim trước đồng thời có một cái kết ý nghĩa và trọn vẹn để kết thúc loạt phim. Đây cũng là phim hoạt hình đầu tiên trong lịch sử đạt tới cột mốc doanh thu một tỷ USD.
8. The Parent Trap - Bẫy phụ huynh (1998)
|
Bẫy phụ huynh là câu chuyện hài hước, nhẹ nhàng về cặp sinh đôi Hallie và Annie bị chia rẽ lúc nhỏ. Cả hai bất ngờ phát hiện mình có chị em song sinh và quyết định hoán đổi vị trí cho nhau với ước mong được gặp bố mẹ lần đầu tiên trong đời. Không may cha của hai cô bé, tuyên bố sẽ cưới một phụ nữ xinh đẹp nhưng là dân "đào mỏ" chuyên nghiệp. Để giúp bố mẹ đoàn tụ, Hallie và Annie đã quyết định nhảy vào cuộc chiến giành lại gia đình với bà mẹ kế tương lai ác độc
Dù phải đảm nhiệm hai nhân vật có tính cách hoàn toàn trái ngược nhau nhưng Lindsay Lohan vẫn hoàn thành tốt vai trò của mình khi chỉ mới 13 tuổi, giúp bộ phim hoàn toàn thoát khỏi cái bóng của phiên bản Bẫy phụ huynh được thực hiện lần đầu vào năm 1961.
9. Spirited Away - Vùng đất linh hồn (2001)
|
Vùng đất linh hồn theo chân cô bé Chihiro bị mắc kẹt trong thế giới ma thuật và phải làm việc cho phù thủy Yubaba để cứu cha mẹ mình trở lại hình dạng loài người sau khi bị một năng lực siêu nhiên biến thành những chú heo. Đây được xem là bộ phim thành công nhất của đại diễn Hayao Miyazaki khi trở thành tác phẩm điện ảnh thành công nhất của Nhật Bản khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế, chiếm giữ trái tim của người yêu phim hoạt hình trên toàn thế giới và đưa tên tuổi hãng Ghibli ngang bằng với các hãng lớn khác.
Với nhiều tầng lớp ý nghĩa khác nhau và trí tưởng phong phú của nhà làm phim, Vùng đất linh hồn đoạt giải Oscar cho hạng mục phim hoạt hình xuất sắc nhất và giải Gấu Vàng tại Liên hoan phim Berlin năm 2002 và nằm trong top 10 của danh sách 50 phim bạn nên xem khi ở tuổi 14 của Viện phim Anh quốc (BFI).
10. Harry Potter (2001-2011)
|
Loạt phim được thực hiện trong suốt 10 năm đã giúp các diễn viên nhí trong phim như Daniel Radcliffe, Emma Watson hay Rupert Grint trở thành những ngôi sao điện ảnh nổi danh nhất thời điểm hiện tại. Đây cũng là loạt phim đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử với con số lên tới 7,7 tỉ USD. Có thể nói một thế hệ thanh thiếu niên của cả thế giới đã ăn, ngủ và hồi hộp chờ đón 8 phần phim của Harry Potter ra rạp để dõi theo chuyến hành trình của cậu bé phù thủy Harry Potter và những người bạn của mình từ lúc còn là những cô cậu học sinh tinh nghịch của trường phù thủy Hogwarts đến khi mang trong mình sứ mệnh chống lại tên Chúa tể hắc ám Voldemort
11. Finding Nemo - Đi tìm Nemo (2003)
|
Với phần tiếp theo có tựa Finding Dory (Đi tìm Dory) dự kiến ra mắt vào năm sau, Pixar một lần nữa lại khơi gợi kí ức của khán giả về một thế giới rực rỡ dưới đáy đại dương trong Đi tìm Nemo với nhân vật trung tâm là chú cá hề Marlin. Sau khi cậu con trai tinh nghịch Nemo bị bắt và trở thành cá cảnh trong bể cá của một nha sĩ, Marlin đã cùng cô cá đãng trí Dory vượt qua muôn vàn khó khăn để tìm lại cậu con trai yêu quý của mình.
Khán giả dễ dàng cảm nhận được tình cảm gia đình, bạn bè cảm động được lồng ghép trong từng thước phim với những thước phim vui tươi và màu sắc. Phim đứng thứ 10 trong danh sách các bộ phim hoạt hình vĩ đại nhất từng được thực hiện do Viện phim Mỹ bình chọn.
12. Wall-E - Robot biết yêu (2008)
|
Khi mới ra mắt, Robot biết yêu được đánh giá là một dự án khá táo bạo. Với những nhân vật chính hầu như không thể nói chuyện, bộ phim chẳng cần lời thoại “đao to búa lớn” nhưng vẫn mang trong mình một thông điệp đầy tính thời sự về việc bảo về môi trường. Bộ phim là lời châm biếm một xã hội đang ra sức tàn phá thế giới sống của mình, kéo theo đó là những hệ lụy nặng nề từ những hành động vô ý thức. Tuy mang nội dung có phần sâu sắc, nhưng thế giới trong Robot biết yêu lại vô cùng ấm áp và nhộn nhịp, với thiết kế đáng yêu và biểu cảm đầy màu sắc của chú robot nhặt rác Wall-E cùng với tình yêu cảm động của chú dành cho cô robot hiện đại Eve - người được cử xuống Trái Đất để tìm mầm sống.
13. CJ7 - Siêu khuyển thần thông (2008)
|
Đã rất lâu rồi “vua hài nhảm” Châu Tinh Trì mới đem đến cho người xem một bộ phim tuy vẫn lấy yếu tố hài hước làm chủ đạo nhưng trong đó là cả một câu chuyện với ý nghĩa to lớn về tình gia đình. Với tác phẩm này, Châu Tinh Trì khai thác một khía cạnh cuộc sống và ước mơ của những người ở tầng lớp dưới khi một ông bố nghèo khổ phải “gà trống nuôi con” nhưng vẫn muốn cho cậu con trai mình một tương lai xán lạn bằng việc học tập. Không có những màn võ thuật đẹp mắt, cũng không mang phong cách hài nhảm thường thấy, Siêu khuyển thần thông đã dễ dàng lấy nước mắt của hàng triệu khán giả bằng câu chuyện cảm động, ly kỳ của hai cha con trong phim cùng chú chó đồ chơi có năng lực siêu phàm mang tên Trường Giang số 7.
14. Up - Vút bay (2009)
|
Vút bay là một câu chuyện đầy tính nhân văn kể vềmột ông lão goá vợ tên Carl Fredricksen và một cậu bé hướng đạo sinh tên là Russell. Họ bay đến Nam Mỹ, nơi có thác thiên đường trong một căn nhà được kéo lên không trung bằng bong bóng và đây là cách mà ông thực hiện ước mơ cho người vợ quá cố.
Không chỉ thành công về mặt doanh số khi thu về tới 731 triệu USD mà Vút bay còn chứng tỏ được đẳng cấp của phim hoạt hình không hề thua kém những phim người đóng khi nhận tới 5 đề cử Oscar, trong đó có hạng mục quan nhất là Phim xuất sắc nhất và giành tượng vàng cho hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất.
15. How to train your dragon - Bí kíp luyện rồng (2010, 2014)
|
Mặc dù đều là những “đại gia” trên thị trường phim điện ảnh nhưng có vẻ DreamWorks Animation có đôi phần lép vế trước Pixar và Disney. Tuy nhiên, đó chỉ là trước khi có sự ra đời của Bí kíp luyện rồng. Vào năm 2010, Bí kíp luyện rồng được công chiếu và tạo nên tiếng vang lớn khi những giá trị của bộ phim mang lại ngoài những hiệu ứng kĩ xảo đẹp mắt còn là cậu chuyện khơi gợi bản năng yêu thương động vật của trẻ em với tình bạn tuyệt đẹp của chú bé người Viking tên Hiccup và chú rồng mà cậu đặt biệt danh là Răng Sún.
Và không như những bộ phim trước đó của DreamWorks khi chỉ tuyển trọn những ngôi sao nổi tiếng để lồng tiếng các nhân vật của mình, Bí kíp luyện rồng đã đi sâu làm nổi bật nội dung của phim và đi đến một thắng lợi tuyệt đối.
16. Frozen - Nữ hoàng băng giá (2013)
|
Lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích Bà chúa tuyết của nhà văn người Đan Mạch Hans Christian Andersen, bộ phim kể câu chuyện về một nàng công chúa dũng cảm lên đường tìm chị gái, một nữ hoàng đang phải sống cô đơn một mình giữa nơi lạnh lẽo.
Nhiều nhà phê bình cho rằng đây là bộ phim hoạt hình nhạc kịch hay nhất của Disney từ kỷ nguyên phục hưng của hãng. Vì vậy, cũng không ngạc nhiên khi phim thành công ngoạn mục về thương mại khi thu về trên 1,2 tỉ USD doanh thu phòng vé toàn cầu, trở thành phim hoạt hình có doanh thu cao nhất hiện nay. Bên cạnh đó, bộ phim cũng được đánh giá cao ở mặt nghệ thuật khi giành được hai giải Oscar ở hạng mục Phim hoạt hình hay nhất và Ca khúc trong phim hay nhất (Let It Go), một giải Quả cầu vàng cho Phim hoạt hình hay nhất, giải BAFTA cùng hạng mục và nhiều giải thưởng danh giá khác.
17. Maleficent - Tiên hắc ám (2014)
|
Tiên hắc ám lại tiếp tục là một sản phẩm nữa minh chứng cho sự sáng tạo vô cùng của nhà Disney. Được cải biên từ chuyện cổ tích Công chúa ngủ trong rừng từng được Walt Disney dựng thành phim hoạt hình rất thành công, nhân vật trung tâm không còn là công chúa Aurora mà là bà “tiên hắc ám” Maleficent do Angelina Jolie thủ vai với nhiều tình tiết mới lạ so với phiên bản gốc. Phim lý giải nguyên nhân dẫn đến hành động buông lời nguyền độc ác từ khi công chúa Aurora mới lọt lòng khiến giúp người xem có một cái nhìn mới về nhân vật phản diện kinh điển trong truyện cổ tích này.
18. Big Hero 6 - Biệt Đội Big Hero 6 (2014)
|
Big Hero 6 là một câu chuyện dành cho mọi lứa tuổi và tất cả mọi người đều có thể cười thả ga khi thưởng thức. Nội dung phim hội đủ yếu tố tâm lý, hành động, phiêu lưu, khoa học và cả giới tính. Không cần một triết lý quá cao siêu, Big Hero 6 mang đến cảm giác vui vẻ cho trẻ em, hài hước cho người lớn và thỏa mãn cho những khán giả lớn tuổi và khó tính nhất.
Bộ phim ghi điểm bởi tình tiết tinh tế và hết sức nhẹ nhàng khi nói về hành trình trưởng thành của cậu bé Hiro cùng với người hùng robot Baymax và những cái ôm êm ái của nhâm vật tròn trịa này. Ngoài nội dung và tạo hình nhân vật xuất sắc, Big Hero 6 ghi điểm bởi âm nhạc sôi động và lời bài hát rất phù hợp với kịch bản
19. Inside Out - Những mảnh ghép cảm xúc (2015)
|
Là dự án được được hãng Pixar và Disney ấp ủ trong nhiều năm, ngay khi ra mắt tác phẩm đã không hề làm người hâm mộ thất vọng. Bộ phim nói về cô bé 11 tuổi Riley với những cảm xúc lẫn lộn khi phải chuyển đến sống tại một nơi xa lạ. Cô bị chi phối bởi năm cảm xúc gồm Vui Vẻ, Buồn bã, Sợ sệt, Chảnh chọe và Giận dữ. Những cảm xúc này lưu giữ các ký ức hàng ngày cho Riley và giúp cô bé trưởng thành.
Những nhà phê bình phim đánh giá đây là đỉnh cao của trí tuệ con người được thể hiện qua phim hoạt hình. Một câu chuyện về những cảm xúc trong bộ não con người không phải là điều mà ai cũng có thể sáng tạo ra được. Không nằm ngoài dự đoán, Những mảnh ghép cảm xúc chính là Phim hoạt hình xuất sắc nhất tại Oscar lần thứ 88.
20. The Jungle Book - Cậu bé rừng xanh (2016)
|
Câu bé rừng xanh là bản phim người đóng kết hợp công nghệ vi tính của hãng Walt Disney làm lại hoạt hình kinh điển Cậu bé rừng xanh được ra mắt từ năm 1967, chuyển thể tiểu thuyết gốc cùng tên của nhà văn người Ấn Độ Rudyard Kipling. Cốt truyện kể về chuyến phiêu lưu của Mowgli - một cậu bé mồ côi được đàn chó sói nuôi dưỡng trong rừng già Ấn Độ. Sau một biến cố, em phải rời bỏ mái nhà và bước vào một hành trình khám phá với sự dẫn dắt của báo đen Bagheera và gấu Baloo. Bộ phim được làm hoàn toàn bằng 100% kĩ xảo và chỉ với sự diễn xuất duy nhất của nhân vật người thật là cậu bé Neel Sethi trong vai Mowgli.
Đúng như đạo diễn Jon Favreau từng tuyên bố khi bắt tay vào dự án: "Chúng tôi giữ nguyên những yếu tố thần bí của nguyên tác, thổi chúng vào mọi khía cạnh của bộ phim một cách mạnh dạn hơn. Nhưng chúng tôi vẫn kế thừa những gì được yêu quý từ bản hoạt hình năm 1967 và tất nhiên là cả những chi tiết mang đậm phong cách Disney". Cậu bé rừng xanh là tác phẩm hội tụ đầy đủ yếu tố cho một bộ phim khiến bất cứ một đứa trẻ nào cũng phải say mê.
Bình luận (0)