20 năm bước tiến Việt - Mỹ - Kỳ 5: Viên gạch Fulbright

10/07/2015 05:28 GMT+7

Phát triển song song với quá trình bình thường hóa quan hệ VN - Mỹ, Chương trình kinh tế Fulbright chuẩn bị chuyển mình thành đại học, đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ song phương.

Phát triển song song với quá trình bình thường hóa quan hệ VN - Mỹ, Chương trình kinh tế Fulbright chuẩn bị chuyển mình thành đại học, đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ song phương.

Nếu cờ đỏ sao vàng đã phấp phới tại Đại học Harvard vào năm 1992, đánh dấu sự trở lại Mỹ lần đầu tiên của thế hệ sinh viên mới từ VN, trong đó có các ông Phạm Bình Minh (Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao), Cao Đức Phát (Bộ trưởng NN-PTNT), thì Chương trình kinh tế Fulbright (FETP) cũng bắt đầu manh nha tại VN từ lúc đó.
Khơi thông quan hệ qua giáo dục
Đến năm 1994, chương trình chính thức ra đời với người đóng vai trò đầu tàu là ông Thomas Vallely, cựu chiến binh Mỹ tại VN, cũng là bạn thân của những người có nhiều duyên nợ với VN như Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel.
Khác với một số nguồn tin cho rằng FETP là một dạng “phần thưởng” của chính phủ Mỹ cho phía VN nhân dịp dỡ bỏ cấm vận kinh tế và tiến tới bình thường hóa quan hệ, chương trình thật ra giữ vai trò khởi đầu và giúp khơi thông các mối quan hệ, theo Giám đốc đào tạo Huỳnh Thế Du.
Lúc đó, trong bối cảnh VN - Mỹ vẫn còn đứng trên vị trí “cựu thù” của nhau và đang mò mẫm xây dựng nền tảng đầu tiên nhằm tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao, trao đổi văn hóa và giáo dục được đánh giá là cách tiếp cận nhẹ nhàng và dễ dàng nhất để đặt những viên gạch đầu tiên. Nói một cách chính xác, FETP là một sự kết nối, nơi đào tạo hết sức bài bản về kinh tế thị trường, cung cấp những thông tin có giá trị giúp từng bước xây dựng nội lực cho nền kinh tế VN.
Khác với học bổng Fulbright áp dụng cho toàn cầu, FETP là chương trình đào tạo độc nhất vô nhị mà chính phủ Mỹ dành riêng cho VN. Theo ông Du, FETP đầu tiên được giảng dạy bởi các giáo sư, học giả người Mỹ và người nước ngoài, thuần túy về kinh tế thị trường.
Toàn bộ giáo trình giảng dạy, cả sách giáo khoa, đều không dính dáng đến VN, dạy về kinh tế học ứng dụng. Đến đầu năm 2000, trường chuyển sang kinh tế học ứng dụng và chính sách công. Lúc đó, một số vấn đề chính sách công có liên quan đến VN bắt đầu được đưa vào nghiên cứu, giảng dạy, và đội ngũ cán bộ giảng dạy người VN bắt đầu tăng lên.
Đến năm 2008, FETP tiến thêm một bước nữa trong nấc thang đào tạo, đánh dấu bằng sự ra đời của chương trình thạc sĩ về chính sách công, dựa trên nền tảng kinh tế học ứng dụng, nhưng chuyên về chính sách, tập trung chủ yếu vào các vấn đề của VN. Mỗi khóa tuyển khoảng 60 học viên, chủ yếu là cán bộ quản lý nhà nước nhưng cũng nhận các cán bộ quản lý doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Đến nay, trải qua 20 khóa, FETP đã đào tạo gần 1.200 người và thành phần tham gia đều là những người giữ các vị trí quan trọng trong lĩnh vực công lẫn tư.
Địa phương hóa tri thức toàn cầu
Trải qua 20 năm của quá trình được gọi là địa phương hóa tri thức toàn cầu, chương trình dần chuyển mình từ “thuần” Mỹ đến VN hóa nội dung dựa trên khung chương trình của Đại học Harvard. GS-TS Du cho hay đến bây giờ cấu trúc của FETP đã tương đối hài hòa, cân bằng giữa các nhân tố bên ngoài với VN. Đã đến lúc FETP được nâng cấp thành đại học, viết tắt là FUV.
Về chương trình, ông Du cho biết khả năng cao là sẽ bắt đầu từ chương trình thạc sĩ. Đầu tiên là chương trình thạc sĩ chính sách công sẽ đóng vai trò nòng cốt, trước khi xây dựng thêm chương trình thạc sĩ về luật quốc tế, tài chính hoặc chương trình đào tạo về kỹ thuật.
Hướng của Đại học Fulbright là phát triển thành đại học nghiên cứu tổng hợp, đa ngành, bao gồm các lĩnh vực khoa học - công nghệ, y học, toán. Những ngành có tác dụng nhiều cho xã hội nhưng thu nhập không cao cho cá nhân sẽ có học bổng; còn quản trị kinh doanh, luật phải trả tiền.
Trong tương lai, ông Du vẽ ra viễn cảnh FUV trở thành một trung tâm nghiên cứu của vùng, thu hút sinh viên từ khắp nơi trên thế giới. Để làm được điều này, ông cho rằng quan trọng là cần phải tạo ra lợi thế khác biệt, xây dựng một ngành, lĩnh vực thật sự uy tín mang mác FUV.
Giám đốc đào tạo Huỳnh Thế Du cho biết một trong những yếu tố hay trong Chương trình Fulbright chính là địa phương hóa tri thức toàn cầu, nhưng cố gắng tạo ra một nhân tố toàn cầu ở địa phương.
Trong giai đoạn đầu, thành phần giảng dạy chủ yếu là các giáo sư nước ngoài, nhưng bây giờ hoàn toàn ngược lại, những nhà nghiên cứu của VN chiếm vị trí chủ chốt.
Với năng lực không thua kém bạn bè quốc tế, các chuyên gia VN có lợi thế là người bản địa, hiểu sâu sắc tình hình VN nên hứa hẹn cho ra đời những nghiên cứu chất lượng hơn. Điều này thể hiện rất rõ qua các nghiên cứu của Fulbright.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.