Một góc H.Kon Rẫy hôm nay |
ẢNH: Thành Trung |
Tên gọi Kon Rẫy xuất phát từ địa danh Kon Braih theo tiếng Xơ Đăng có nghĩa là “làng cát”. Vốn là một làng cổ của người Xơ Đăng nằm trên địa phận xã Đắk Ruồng, H.Kon Rẫy ngày nay.
Đây cũng là huyện mới thành lập sau khi tách khỏi H.Kon Plông (Kon Tum) từ năm 2002. Trong những ngày đầu chia tách, “làng cát” đối mặt với hàng loạt khó khăn, tồn tại như: điểm xuất phát của nền kinh tế thấp, cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn còn hạn chế, tỷ lệ đói nghèo còn cao (chiếm tỷ lệ 70% tổng số dân); địa hình đồi núi; nguồn lao động chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số nên việc phát triển kinh tế trở thành bài toán khó giải.
Thế nhưng sau 20 năm kiến thiết, xây dựng, bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, hưởng ứng của nhân dân, “làng cát” đã trỗi dậy, đổi thay. Kinh tế của huyện ngày càng phát triển, tổng giá trị sản xuất đạt 1.542,8 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 2,5 triệu đồng năm 2002 lên 32,1 triệu đồng năm 2021. Công nghiệp - xây dựng có bước phát triển. Trên địa bàn huyện đã có 6 công trình thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 37,6 MW, đóng góp bình quân hằng năm cho ngân sách huyện khoảng 11,8 tỉ đồng. Các công trình nước sinh hoạt, thủy lợi được nâng cấp, đảm bảo phục vụ 100% nhu cầu của người dân.
Trong 20 năm qua, huyện cũng đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Hệ thống giao thông được quan tâm đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa, tạo điều kiện cho “làng cát” giao lưu thuận lợi với các địa phương lân cận. Thương mại dịch vụ tiếp tục phát triển… Đặc biệt, H.Kon Rẫy đã chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế.
Theo ông Võ Văn Lương, Chủ tịch UBND H.Kon Rẫy, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát huy tối đa nội lực, lợi thế gắn với huy động mạnh mẽ các nguồn lực từ bên ngoài; tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến; đầu tư phát triển đô thị và tăng cường cải cách hành chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đời sống của nhân dân.
Bình luận (0)