20 năm khóc ròng vì cái... hố xí giữa đường không ai giải quyết

13/08/2016 10:02 GMT+7

Sự việc hy hữu trên xảy ra tại P.Hương Long (TP.Huế, Thừa Thiên- Huế) và đương sự đã mang đơn khiếu nại lên tỉnh, xuống phường suốt gần 20 năm qua nhưng đến nay vẫn không ai giải quyết.

Suốt gần 20 năm nay, gia đình của ông Tôn Thất Long và bà Tôn Nữ Hoàng Nga, ông Tôn Thất Nam (trú tại Tổ 16, khu vực 4, P.Hương Long, TP.Huế) đã liên tục làm đơn khiếu nại lên các cấp về việc Trường tiểu học Hương Long (cũ) tự ý xây nhà vệ sinh ngay trên lối đi của gia đình ông, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được các cơ quan chức năng giải quyết thấu tình đạt lý.

Trích lục có đường đi

Theo nội dung khiếu nại, nguyên ông nội của ông Long là Tôn Thất Bích, được thừa hưởng đất của tổ tiên để lại gồm một ngôi nhà tạo lạc trên lô đất có ký hiệu A273, thuộc Tổ 16, khu vực 4, P.Hương Long.

Đến năm 1936, ông Bích đã mua thêm lô đất liền kề A277 của ông Mai Văn Chế bán; đến năm 1944, ông Bích tiếp tục mua thêm lô đất A278 cũng do ông Chế bán. Theo trích lục kèm theo thì hai lô đất của ông Mai Văn Chế bán có thể hiện đường đi ra đường tỉnh lộ 12B (nay là đường Nguyễn Phúc Nguyên).

Đường đi đã có trong lịch sử và cũng thể hiện qua giấy tờ trích lục đất đai nhưng đã bị chiếm dụng xây dựng nhà vệ sinh ảnh BNL

Các lô đất này tiếp giáp với lô đất của Đình làng Xuân Hòa, hướng ra mặt tiền đường Nguyễn Phúc Nguyên, trước đây Trường Tiểu học Hương Long 1 sử dụng làm cơ sở dạy học. Trong quá trình sử dụng đất, giữa Trường tiểu học Hương Long và gia đình ông Long đã xảy ra tranh chấp. Năm 1995, bà Nguyễn Thị Duyệt (mẹ ông Long) đã có đơn khiếu nại việc Trường Tiểu học Hương long lấn chiếm đất của gia đình bà.

Trong khi đất đang tranh chấp chưa được giải quyết thì ngày 20.11.1997, Trường tiểu học Hương Long đã xây công trình nhà vệ sinh ngay trên đường đi của hai lô đất mà bố ông Long mua lại nói trên. Thời điểm này, khi phát hiện việc xây nhà vệ sinh trên lối đi, gia đình ông Long đã có đơn trình lên UBND TP.Huế và Phó chủ tịch UBND TP.Huế lúc bấy giờ là ông Nguyễn Cương đã có ý kiến chỉ đạo với UBND xã Hương Long: “Trong lúc chưa có ý kiến giải quyết của UBND tỉnh, UBND xã đề nghị nhà trường tạm hoãn việc xây dựng, để tránh xảy ra tranh chấp”.

Thế nhưng, UBND xã Hương Long (nay là P.Hương Long) và Trưởng Tiểu học Hương Long vẫn phớt lờ chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.Huế, vẫn tiếp tục xây dựng hoàn thành công trình nhà vệ sinh ngay trên đường đi nói trên.

Đường cũ không dùng nên “chiếm” luôn

Sau sự việc xây dựng nhà vệ sinh trên đường đi, gia đình ông Long liên tục khiếu nại. Đến ngày 4.8.1997, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã ban hành quyết định số 1885/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của gia đình ông Tôn Thất Long.

Tại quyết định này, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã viện dẫn lý do rằng: “Từ năm 1940, chủ sở hữu hai lô đất A277 và A278 là ông Mai Văn Chế không còn sử dụng hai lô đất này nữa vì đã bán cho ông Tôn Thất Bích. Sau khi mua hai lô đất như nói trên, gia đình ông Bích đã nhập 3 thửa đất trên thành một thửa và sử dụng lối đi riêng ra đường công cộng. Như vậy, quyền sử dụng lối đi của hai lô đất trên đã chấm dứt từ năm 1940”.

Với lý do như trên, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã bác đơn khiếu nại của gia đình ông Long và cho rằng đất làm lối đi dó đã thuộc giao thông công cộng, đã xóa bỏ từ năm 1940, hiện do Trường Tiểu học Hương long quản lý sử, dụng vì mục đích chung của địa phương. 

Thực tế, con đường đi ra đường Nguyễn Phúc Nguyên đó vẫn được gia đình ông Long cùng các hộ trong xóm sử dụng cho đến khi trường xây nhà vệ sinh. Tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh và đại diện làng Xuân Hòa, ngày 2.8.2013, các vị tộc trưởng của làng đều xác nhận lịch sử con đường đã có từ lâu, kéo từ đường nhựa Nguyễn Phúc Nguyên vào thằng đến đường Lê Quang Quyền (cạnh miếu Ngũ Hành). Do đó đề nghị UBND tỉnh và các ngành xem xét, giải quyết.

Đáng nói là đến năm 2011, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế có quyết định xếp hạng đình làng Xuân Hòa là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, theo đó Trường tiểu học Hương Long cũng đã di chuyển đến cơ sở mới. Hiện tại công trình nhà vệ sinh đã không còn sử dụng nên vô cùng nhếch nhác, bẩn thỉu.

Trả lời khiếu nại của gia đình ông Long, ngày 19.8.2013, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế tại công văn (số 4128/ UBND-KNTC) vẫn cho rằng sau khi ông Bích mua thêm 2 lô đất của ông Mai Văn Chế, để ráp lại thành một lô, lối đi của hai lô đất đã không tồn tại. Còn phần đường đi cũ của hai lô đất do không sử dụng nên đã nhập vào thửa đất của đình làng Xuân Hòa, hiện đã thuộc về đất di tích, nên không thể trả lại.

Đất có đường đi, tự nhiên vô cớ bị chiếm mất, nên dù UBND tỉnh đã trả lời, nhưng gia đình ông Long vẫn liên tục có đơn kêu cứu gửi UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, UBND TP.Huế...tham dự và trình bày nguyện vọng tại các cuộc tiếp dân của lãnh đạo UBND tỉnh, UBND TP.Huế, các đoàn đại biểu Quốc hội....

Thế nhưng, gần 20 năm qua, gia đình này liên tục gõ cửa các cơ quan công quyền với những kiến nghị của mình nhưng đơn thư vẫn được chuyển qua chuyển lại mà vẫn chưa được các ngành chức năng của tỉnh Thừa Thiên- Huế giải một cách dứt khoát thấu tình, đạt lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.