20 năm làm bóng đá ‘lên bờ xuống ruộng’ của bầu Đức

11/02/2021 09:45 GMT+7

Tính đến nay bầu Đức đã xây dựng Hoàng Anh Gia Lai (HA.GL) là câu lạc bộ bóng đá tư nhân có thâm niên lâu nhất là 20 năm. Mỗi bước chuyển mình ở đội bóng này dù ‘lên bờ xuống ruộng’đều mang lại hiệu ứng tích cực, truyền nguồn cảm hứng cho nền bóng đá Việt Nam .

Từ Kiatisak…

CLB Bóng đá HA.GL ra đời từ năm 2001 gắn với vai trò của ông Đoàn Nguyên Đức- Giám đốc Công ty Hoàng Anh Pleiku (nay là Tập đoàn HA.GL) khi ông không tiếc tiếc của thời đó đầu tư mạnh vào đội bóng, xây dựng thành một thế lực đáng kinh ngạc trên bản đồ bóng đá Việt Nam, Khi cái tên HA.GL xuất hiện đó cũng là lúc bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp, mở cửa đón làn sóng các ngoại binh đến thi đấu, đồng thời thu hút không ít doanh nhân tham gia làm bóng đá. Liên quan đến sự kiện này, ông Nguyễn Tấn Anh- Giám đốc Điều hành, kiêm Trưởng đoàn Bóng đá HA.GL kể lại: Điều lệ giải hạng nhất 2001-2002 qui định, 3 đội xếp đầu bảng tổng sắp của giải đấu này sẽ được giành quyền thăng hạng, còn đội đứng thứ 4 đá trận play off với đội hạng 9 của V.League để tranh vé vớt. Sau nhiều năm chinh chiến ở giải hạng nhất, với sự vào cuộc của bầu Đức thì đây là cơ hội ngàn năm có một để Gia Lai cạnh tranh một suất lên chơi ở giải đấu cao nhất của bóng đá nước nhà.
Để biến ước mơ lâu nay của người dân Gia Lai trở thành hiện thực, đầu năm 2002, bầu Đức kích hoạt “bom tấn” bằng cách đưa về sân Pleiku danh thủ số 1 Đông Nam Á người Thái Lan lúc bấy giờ là Kiatisak. Thương vụ này không chỉ gây sốc cho bóng đá Việt Nam mà còn khiến cho bóng đá khu vực Đông Nam Á một phen choáng váng. Với sự xuất hiện Kiatisak cùng dàn hảo thủ Việt Nam và Thái Lan trong đội hình đã giúp HA.GL giành quyền thăng hạng V.League ngay trong năm đó, để rồi 2 năm tiếp theo lập cú đúp đoạt ngôi vô địch V.League và Siêu Cúp năm 2003, 2004…
Từ thương vụ đình đám “Zico Thái” và những gặt hái thành công trên sân cỏ của HA.GL đã góp phần truyền nguồn cảm hứng cho V.League, tiếp thêm động lực với những đội bóng doanh nghiệp như Gạch Đồng Tâm- Long An, B.Bình Dương, Hà Nội ACB, Hòa Phát Hà Nội, Hà Nội T&T…

Kiatisak (trái) và bầu Đức (phải)

CLB HAGL cung cấp

Đến Pháo thủ Arsenal

Sau khi thành công với cách làm “đi tắt đón đầu”, dùng nhiều tiền để chiêu mộ hàng loạt cầu thủ giỏi trong và ngoài nước về giúp HA.GL gặt hái thành tích kể trên, đến năm 2007, bầu Đức thực hiện cú “bẻ lái” ngoạn mục, sang thủ đô London của Vương quốc Anh để bắt tay hợp tác với Giáo sư Arsene Wenger và Pháo thủ Arsenal thành lập Học viện Bóng đá HA.GL- Arsenal JMG (nay là HA.GL JMG).
Lúc bấy giờ, HA.GL- Arsenal JMG là học viện bóng đá đầu tiên ở Việt Nam. Có được sự đầu tư bài bản, căn cơ, táo bạo, quyết liệt từ bầu Đức và Tập đoàn HA.GL đã giúp cho thầy trò HLV Guillaume Graechen ở Học viện HA.GL- Arsenal JMG gây được tiếng vang lớn ở Giải U.19 Quốc tế, U.19 Đông Nam Á, 2 lần vượt qua đại diện đến từ Thái Lan, Hàn Quốc để đoạt Cúp vô địch Giải U.21 Quốc tế Báo Thanh Niên năm 2014, 2015…

Bầu Đức và Giáo sư Wenger của Arsenal

CLB cung cấp

Chính sự ra đời của Học viện Bóng đá HA.GL- Arsenal JMG đã tạo ra cú hích, giúp cho bóng đá Việt Nam xuất hiện thêm nhiều lò đào tạo trẻ nổi tiếng khác trong cả nước như Viettel, Hà Nội, PVF, Nutifood JMG, Học viện Juventus… Từ những lò đào tạo này đã cho ra những tuyển thủ nổi tiếng đang khuynh đảo bóng đá Đông Nam Á hiện nay. Có thể kể ra những cái tên xuất sắc như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy, Hùng Dũng, Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Hậu…

Lò đào tạo trẻ của HAGL

Minh Vỹ

Và “phù thủy” Park Hang-seo

Để mang lại thành công trong bóng đá, bên cạnh những vấn đề ngoài chuyên môn thì cần phải có thầy giỏi đi kèm với trò giỏi. Nếu chỉ được một trong hai yếu tố trên thì khả năng thành công là không cao. Thấu hiểu điều đó, sau khi chuyên gia người Nhật Bản Miura Toshiya từ chức HLV trưởng đội tuyển Việt Nam vì được cho là không phù hợp với lối chơi, triết lý bóng đá Việt Nam. Và để cứu vãn tình cảnh “thanh xuân như một ly trà” của lứa cầu thủ tài năng trưởng thành từ Học viện HA.GL JMG, ông bầu của đội bóng Phố núi đã mạnh dạn tuyên bố sẽ tài trợ trả lương cho HLV trưởng đội tuyển Việt Nam cũng như đội U.22 cho đến khi nào vô địch SEA Games mới thôi.
Để hiện thực hóa giấc mơ lần đầu tiên bóng đá Việt Nam vô địch một kỳ SEA Games, bầu Đức đề cử HLV Nguyễn Hữu Thắng nắm giữ cương vị thuyển trưởng dẫn dắt Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… tranh tài tại SEA Games 29 (2017). Đáng tiếc, tại giải đấu đó U.22 Việt Nam sớm dừng bước ở vòng bảng sau khi thảm bại 0-3 trước kình địch Thái Lan khiến ông thầy quê Hà Tĩnh xin rút lui. Giữ đúng lời hứa của mình, không lâu sau đó bầu Đức lặn lội sang tận Hàn Quốc để mời, dùng tiền túi của mình trả lương cho cặp đôi từng làm trợ lý cho HLV Guus Hiddink giúp đội tuyển Hàn Quốc giành hạng 4 chung cuộc tại World Cup 2002, sang làm việc tại Việt Nam. Trong đó, ông bầu chịu chơi, chịu chi này dành tặng “phù thủy” Park Hang-seo cho đội tuyển Việt Nam, còn đồng hương Chung Hae- seong về dẫn dắt HA.GL.

Bầu Đức và HLV Park Hang-seo

Minh Vỹ

Không lâu sau khi nhận được “quà tặng” từ bầu Đức và Tập đoàn HA.GL, dưới thời HLV Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam bội thu với hàng loạt chiến tích: á quân Giải U.23 châu Á (2018), hạng tư Asiad 2018, vô địch SEA Games 2019, vô địch AFF Cup 2018…

Không phải lúc nào cũng hoa hồng

Làm bóng đá kiểu hơi ‘ngông’ của bầu Đức đôi lúc cũng bị những phản ứng ngược, chẳng hạn như thời điểm ông đặt hết niềm tin vào ông thầy dạy trẻ tốt Guilliame Graechen khi tuyên bố chỉ cần đội bóng giỏi không cần HLV nhiều kinh nghiệm chinh chiến giỏi cũng có thể đá tốt. Nhưng thực tế sự khắc nghiệt của V-League và bóng đá chuyên nghiệp đòi hỏi đội bóng phải có HLV tài ba chứ không thể chỉ là ‘ông giáo thiếu bản lĩnh trận mạc’. Đó cũng là giai đoạn ở cấp độ U thi HAGL đá cực hay nhưng lên V-League thi lại ‘bơi’ một cách khó khăn khi bị tuột lại phía sau với nhiều thất bại chỉ vì lối đá đẹp nhưng lại thiếu hiệu quả.
Hoặc khi bầu Đức gặp khó vể tài chính dẫn đến đầu tư không như ý muốn khiến lực lượng HAGL trồi sụt rồi ông tuyên bố ‘chỉ đá cho vui’ khiến cho mục tiêu của đội bóng phố Núi cũng bị lung lay. Nhiều CĐV cũng lên tiếng chỉ trích đòi HAGL phải cải tổ lại cách làm. Giai đoạn đó bầu Đức tuy không phản ứng nhưng phải gồng vì có ai hiểu được nội tình bên trong với những chiến lược ngắn hạn hay dài hạn của ông để giữ vững tinh thần và sự ổn định cho đội bóng phố núi mà thời điểm đó ông còn nói vui “dù có lên bờ xuống ruộng, tôi vẫn kiên định và không bỏ HAGL”.
Ngay cả việc bầu Đức đưa bộ ba Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường ra nước ngoài thi đấu dù thành tích không tốt cũng gánh vài dư luận không tốt. Nhưng ‘ có đi mới thành đường’, nếu không có những chuyến đi học hỏi, trau dồi , tích lũy kinh nghiệm này thì hình ảnh cầu thủ Việt bao giờ mới gây ấn tượng với thế giới, giá trị của bóng đá Việt Nam bao giở mới được nâng lên.

CĐV HAGL trên sân Pleiku

Có thể nói 20 năm là khoảng thời gian dài cho một ông bầu và doanh nghiệp làm bóng đá. Nói về chặng đường đã qua, bầu Đức công bố ông đã bỏ ra một số tiền khổng lồ lên tới 2.000 tỉ đồng để làm bóng đá (trung bình mỗi năm 100 tỉ đồng). Và để đánh dấu cột mốc quan trọng này, ông bầu của đội bóng Phố núi tiếp tục khiến bóng đá Việt Nam dậy sóng khi quyết định đưa huyền thoại Kiatisak về tái hợp với HA.GL ở mùa giải 2021, 2022.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.