20 năm mẹ cùng con trai bán vé số ngóc ngách Sài Gòn: 'Thiếu nó, tôi không sống nổi!'

18/05/2020 13:36 GMT+7

Bà Vòng Nàm Tiếu (quê ở Nha Trang, Khánh Hòa) vào Sài Gòn mưu sinh cùng con trai đã hơn 20 năm nay. Nghề bán vé số dạo vốn đã vất vả, trong đợt dịch Covid-19 vừa rồi phải tạm dừng hơn 2 tuần, giờ bán lại nhưng cũng khiến mẹ con bà rơi vào cảnh khó khăn.

Theo chân mẹ 20 năm qua từng góc chợ

Mỗi người đến nhận gạo miễn phí tại các cây "ATM gạo" trong mùa dịch này đều là một câu chuyện mưu sinh khốn khó.
Bà Vòng Nàm Tiếu (51 tuổi) đang sống cùng con trai là Vòng Nhật Tuấn trong một căn trọ nhỏ tại Q.Thủ Đức, TP.HCM cũng đến nhận gạo trang trải qua ngày khó khăn.
Vì hôn nhân tan vỡ, gia đình túng thiếu, bà Tiếu rời bỏ quê hương vào Sài Gòn cùng con trai khi Nhật Tuấn mới 1 tuổi. Đến Sài Gòn, họ không có người thân, không tiền bạc nên bà Tiếu phải làm nghề bán vé số nuôi con hơn 20 năm nay.
Bà Tiếu tâm sự: “Trước đây tôi đi bán vé số lang thang khắp các chợ, các quán hàng, mỗi ngày kiếm được 100.000 - 200.000 đồng. Đôi khi người ta có cho thêm ít tiền thì mẹ con tôi cất lại để trả tiền nhà. May mắn, bà chủ nhà của tôi rất tốt, biết hoàn cảnh mẹ con neo đơn, Tuấn lại không được khỏe nên đã giảm tiền thuê nhà phần nào”.

Vòng Nhật Tuấn tuy đã 22 tuổi nhưng không nói, không khóc, không làm việc được

Trần Kim Anh

Bà Vòng Nàm Tiếu nghe tin Nhà thiếu nhi quận Thủ Đức có phát gạo đã đi bộ mấy cây số để cho con trai được bữa ăn no

Trần Kim Anh

Vòng Nhật Tuấn theo mẹ đi bán vé số khắp nơi từ khi còn rất nhỏ

Trần Kim Anh

Mỗi ngày, "ATM gạo" tại Nhà thiếu nhi quận Thủ Đức có hàng ngàn người khó khăn đến nhận gạo miễn phí

Trần Kim Anh

Vòng Nhật Tuấn, con trai bà Tiếu từ nhỏ sinh ra đã không giống những đứa trẻ bình thường. Tuấn không biết khóc, không biết nói và thỉnh thoảng la hét rồi lên cơn sốt cao, co giật. Tuy đã 22 tuổi nhưng Nhật Tuấn chỉ cao 1m4, không nói, không làm được việc gì nhưng 20 năm nay cậu đã cùng mẹ lang thang mọi ngóc ngách Sài Gòn kiếm từng bát cơm hạt gạo.
“Khi Tuấn nhỏ, tôi đi bán vé số thì cõng con theo sau lưng, giờ lớn rồi Tuấn tự đi theo sau mẹ được, cứ như cái đuôi của mẹ đã 20 năm rồi, giờ mà không có Tuấn chắc tôi cũng không sống nổi. Cả hai mẹ con tôi đều không được đi học, không biết chữ nhưng may mắn trời thương tôi vẫn lang thang khắp nơi kiếm đủ cơm ăn mỗi ngày”, bà Tiếu chia sẻ.
“Tay chân Tuấn dần teo lại, nó yếu lắm nên không cầm nắm được gì. Tôi cũng không dám đưa vé số cho nó bán vì Tuấn sẽ xé ra phá thôi. Dù Tuấn không nói được nhưng mình nói mấy câu đơn giản thì Tuấn hiểu và làm theo như là: “Tuấn muốn đi đâu để mẹ dẫn con đi; nằm xuống ngủ với mẹ nhé; đi ăn cơm thôi...”, bà Tiếu tâm tình.
Vì sợ con lên cơn la hét, quậy phá bất ngờ nên bà Tiếu luôn phải để ý con, thường xuyên dỗ dành để con chơi ngoan, nếu không Tuấn sẽ cắn lưỡi.
Mỗi lần chứng kiến con trai mình đau đớn nhưng không làm được gì vì nghèo đói và không có người quen để cầu cứu, bà Tiếu chỉ biết khóc một mình rồi sau đó lại tự vực dậy vượt qua để tiếp tục mưu sinh.

Căn nhà trống vắng, không dư một đồng

Căn phòng trọ của bà Tiếu và con trai nằm sâu trong một con hẻm cụt ở quận Thủ Đức (TP.HCM). Không quạt, không gối, không chăn, không màn mùng, không tủ quần áo… Hai mẹ con bà Tiếu sống trong thành phố nhộn nhịp nhưng cảm giác như mù mịt ở vùng núi xa xôi.

Đôi chân thô ráp của người mẹ đã đi khắp Sài Gòn mưu sinh nuôi con

Ảnh: Trần Kim Anh

Nhờ những mạnh thường quân ủng hộ gạo, mì gói mà mẹ con bà Tiếu không cần phải lo đói trong những ngày dịch này

Trần Kim Anh

Mẹ con bà Tiếu trong căn phòng trọ chật hẹp ở quận Thủ Đức

Trần Kim Anh

Đồ dùng trong căn nhà hầu như không có gì ngoài vài bộ quần áo và chiếc nệm đã cũ

Trần Kim Anh

Bà Tiếu tâm sự với Thanh Niên: “Đồ đạc mẹ con tôi đâu có gì, chỉ có một cái túi để mấy bộ đồ, một tấm nệm mỏng để nằm ngủ và cái túi của tôi đựng vé số đi bán nhưng giờ hết bán rồi. Giờ tôi có muốn đổi nghề cũng không được vì chuyện quan trọng hơn kiếm tiền là con trai tôi phải sống đã. Chỉ có đi bán vé số thì tôi mới mang con theo để chăm sóc, giữ gìn được. Mấy tuần nay không đi bán vé số tôi đành dẫn Tuấn cùng ra chợ, ai thuê gì làm nấy. Chỉ bỏ đồ vào túi cho khách hay bốc vác kiếm mấy chục ngàn tôi cũng ráng làm”.
Khi bà Tiếu và con trai đến nhận gạo miễn phí tại Nhà thiếu nhi quận Thủ Đức, không ít người xúc động khi thấy cảnh người mẹ xếp hàng đợi nhận gạo nhưng nóng lòng nhìn ra trông con trai, sợ con trai chạy trốn rồi lạc mất mẹ.
“Hôm nay tôi đi bộ lên Nhà thiếu nhi quận Thủ Đức nhận gạo lần đầu. Tôi nhận được 4 ký mà vì thấy Tuấn tội nghiệp nên có một chú cho Tuấn thêm một túi gạo nữa nhưng nó có biết nhận đâu, chỉ bỏ chạy vì sợ thôi. Tôi đứng đợi nhận gạo mà bụng như đốt lửa, nhờ một cô trông con giúp nhưng tôi vẫn lo lắm”, bà Tiếu nói.
Chịu khổ hơn nửa đời người, bà Tiếu không trách móc ai, với bà bây giờ chỉ có một mong ước nhỏ là mau qua dịch bệnh để hai mẹ con bà lại đi từng góc chợ, con phố để bán vé số kiếm cơm ăn mỗi ngày.
Bà Tiếu bộc bạch: “Tôi khổ quen rồi giờ chẳng ngại nữa, tôi chỉ làm và sống vì con trai thôi. Dù sao cũng phải khỏe để lo cho con chứ mình bệnh rồi nằm xuống thì không ai có thể lo Tuấn được. Còn ý định tiến thêm bước nữa thì tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến, chắc chẳng ai dám lấy mình mà mình cũng đâu dám lấy ai đâu”.
Biết mẹ con bà Tiếu hoàn cảnh khó khăn nhưng tính tình hiền lành, chịu khó, bà Nguyễn Hoàng Mộng Thủy (50 tuổi, ngụ Q. Thủ Đức) là chủ trọ nơi bà Tiếu thuê nhà đã cho mẹ con bà Tiếu những bữa ăn miễn phí suốt thời gian qua.
Bà Thủy chia sẻ: "Mẹ con bà Tiếu trước dịch thường bán vé số gần đây, thấy dịch nguy hiểm mà hai mẹ con không có chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ tắm nên tôi dẫn họ về ở trong căn phòng trọ cho thuê lấy giá rẻ. Trong xóm trọ tôi chỉ giúp 2 mẹ con bà Tiếu vì thấy họ khổ quá nhưng lại rất chăm chỉ, đêm nào cũng làm đến 23 giờ mới về tới nhà. Tôi nấu cho 2 mẹ con ăn cả bữa trưa và bữa tối kể từ khi họ về đây thuê nhà. Khi về đây họ không có gì mang theo nên tôi đã cho nồi, bếp, bát... nhưng vì sợ Tuấn nghịch nguy hiểm nên giúp cho trót, tôi nấu sẵn để họ ăn luôn".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.