Sự kiện khai trương phòng khám toàn diện về dự phòng và điều trị HIV tại Trung tâm Y tế (TTYT) Phú Quốc đã diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Susan Burns và đại diện các cơ quan của Mỹ tham dự chương trình Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp về AIDS của Tổng thống Mỹ (PEPFAR).
Phòng khám toàn diện HIV trên đảo Phú Quốc
Thông tin cho các đại diện của Cục Phòng chống HIV/AIDS thuộc Bộ Y tế, đoàn Tổng lãnh sự quán Mỹ, PEPFAR, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), bác sĩ Võ Thành Dũng, Phó Giám đốc TTYT Phú Quốc, đề cập đến một số kết quả của hoạt động Đáp ứng y tế công cộng về HIV/AIDS mà trung tâm đã triển khai với sự hỗ trợ của PEPFAR.
Theo bác sĩ Dũng, kể từ tháng 1, trung tâm bắt đầu cung cấp dịch vụ điều trị thuốc kháng virus (ARV) nhanh đối với HIV. Đây là dịch vụ cho phép xét nghiệm sàng lọc HIV, tư vấn điều trị và cấp thuốc ARV trong ngày.
Việc TTYT Phú Quốc có thể cung cấp dịch vụ này cho phép khách hàng (tức người tiếp nhận điều trị HIV) tiết kiệm thời gian và công sức đi lại so với thời điểm còn cần phải đón tàu từ Phú Quốc vào đất liền tìm cơ sở điều trị. Bác sĩ Dũng cho hay nếu thời gian trước đó có thể cần đến 2 tuần, hiện khách hàng chỉ mất khoảng 4 giờ để tiếp cận dịch vụ và nhận thuốc ARV.
Và đến ngày 17.11, với sự hỗ trợ của phía Mỹ và Cục Phòng chống HIV/AIDS, TTYT Phú Quốc đã xây dựng, chỉnh trang và hoàn thiện được 1 phòng khám toàn diện.
Bác sĩ Chung Tấn Thịnh, Phó giám đốc Sở Y tế Kiên Giang, cho biết thông qua các hoạt động hỗ trợ PEPFAR cho các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe, người có HIV ở Phú Quốc được tiếp cận điều trị thuốc ARV sớm, điều trị ngay sau khi khẳng định HIV giúp giảm lệ mất dấu, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân, kết quả điều trị tốt hơn do bệnh nhân được điều trị sớm.
Thông qua hỗ trợ kỹ thuật của PEPFAR, Sở Y tế Kiên Giang đã triển khai hoạt động này ở các địa bàn quận/ huyện khác trên toàn tỉnh.
"Không chỉ dừng lại ở điều trị trong ngày, việc hỗ trợ thiết lập phòng khám toàn diện, chúng tôi cho rằng mô hình đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe đa dạng có liên quan và là nhu cầu cần thiết khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV cụ thể ở đây là các bạn trẻ MSM (quan hệ tình dục đồng tính nam)", bác sĩ Thịnh cho biết.
20 năm PEPFAR
Bên cạnh ý nghĩa kỷ niệm tháng hành động quốc gia của Việt Nam về phòng chống HIV/AIDS và 35 năm Ngày thế giới phòng chống AIDS, chuyến thăm của Tổng lãnh sự Burns cũng đánh dấu sự hợp tác mạnh mẽ giữa Mỹ và Việt Nam trong nỗ lực ứng phó HIV và đánh dấu kỷ niệm 20 năm PEPFAR.
Chỉ một năm sau khi chính phủ Mỹ khởi động PEPFAR vào năm 2003, Việt Nam đã trở thành trở thành nước thứ 15 trên thế giới, đồng thời là nước đầu tiên và duy nhất ở châu Á nhận được tài trợ tập trung của chương trình.
Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất cho hoạt động phòng chống HIV của Việt Nam, với nguồn tài trợ bổ sung từ Quỹ Toàn cầu và các đối tác khác. Các nguồn lực của PEPFAR và Quỹ Toàn cầu đã cùng nhau hỗ trợ trực tiếp 90% chi phí mua ARV ở Việt Nam.
Điều trị ARV sớm không những mang đến cơ hội sống sót mà còn giúp người sống chung với HIV duy trì cuộc sống bình thường và tiếp tục đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội.
Trả lời Thanh Niên, Tổng lãnh sự Burns cho biết tính đến nay, tổng vốn đầu tư PEPFAR tại Việt Nam đã đạt 900 triệu USD trong 20 năm.
Hiện mức ngân sách hàng năm là 37 triệu USD.
Với việc điều trị HIV trong ngày, bà Burns khẳng định Việt Nam là quốc gia đi đầu trên toàn cầu trong việc áp dụng sáng tạo phương pháp đáp ứng chùm y tế công cộng. Đây là biện pháp ứng phó hiệu quả nguy cơ lây lan HIV gia tăng bằng cách can thiệp đúng nơi, đúng quần thể đích.
"Việt Nam là mô hình phòng chống HIV hiệu quả và được thế giới dõi theo", bà Burns nhấn mạnh.
Khi đến bệnh viện Vinmec và tham gia sự kiện cộng đồng do doanh nghiệp xã hội The Sun tổ chức, phái đoàn Mỹ và đại diện Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác với lĩnh vực y tế tư nhân, cũng như thể hiện việc trao quyền và huy động những quần thể ảnh hưởng đóng góp vào các hoạt động phòng chống HIV.
Tại buổi trao đổi với đại diện Sở Y tế Kiên Giang và Cục Phòng chống HIV/AIDS, bà Burns hy vọng Việt Nam sẽ sớm đưa vào thiết lập khung pháp lý về hợp đồng xã hội với các đơn vị cung cấp dịch vụ cộng đồng, hiện trong quá trình thí điểm và dự kiến đánh giá vào năm 2025.
Thông qua cơ chế hợp đồng xã hội, các doanh nghiệp xã hội và các tổ chức dựa vào cộng đồng được kỳ vọng có thể tiếp cận các lựa chọn tài chính bền vững, phù hợp với chủ đề của UNAIDS năm nay cho Ngày thế giới phòng chống AIDS vào ngày 1.12 là "Để cộng đồng dẫn dắt".
Bình luận (0)