Vui buồn lẫn lộn khi nhận rau
Ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.HCM) có bà Huỳnh Thị Thanh Phượng (48 tuổi) cùng tình nguyện viên sẽ nhận rau từ tiểu thương và phát tặng cho các bếp ăn thiện nguyện. 11 giờ, chợ vãn người, bà Phượng tranh thủ ăn vội bữa trưa. Một bé gái đến chỗ bà nói nhỏ: "Mẹ nói có ít rau muốn tặng cô Phượng". Bà gửi lời cảm ơn và nhờ một thành viên trong nhóm tình nguyện đến lấy giúp. Điểm tập kết rau của bà Phượng đã có nhiều loại rau củ khác như: cà tím, bầu, rau ngót… Một vài người khó khăn đến xin ít rau, bà vui vẻ để họ đến lấy.
Hôm nay, toàn bộ rau củ sẽ được chuyển đến Thiền viện Thường Chiếu (Bà Rịa-Vũng Tàu). Tiền xe chở xuống có nhà hảo tâm hỗ trợ. Bà Phượng thuê trọ cách đó không xa, mỗi ngày đến chợ từ sớm để tiểu thương muốn cho loại rau củ nào sẽ gọi cho bà. "Có lúc tiểu thương sẽ tự chở tới, có lúc họ gọi tôi đến kéo rau về. Đợt này tôi bị đau cột sống không kéo được nên đang nhờ mấy bạn tình nguyện kéo giúp. Số lượng rau bữa ít, bữa nhiều. Hôm nào ít, rau sẽ được tặng đến các chùa quanh thành phố", bà Phượng chia sẻ.
Bà Phượng trải lòng, bản thân nhận nhiều rau sẽ vừa vui, vừa buồn. "Vui là vì các cơ sở từ thiện, bếp ăn có thêm rau củ. Buồn là các tiểu thương không bán được, họ sẽ bị lỗ vốn", bà bộc bạch.
Cách đây 20 năm, bà đến chợ mưu sinh bằng việc nhặt ve chai. Thời gian đầu, thấy mọi người vứt rau khi bị ế hoặc có những bó rau bị dập do di chuyển, bà xin về nhặt lại những mớ còn ăn được. Dần dần, các tiểu thương biết mặt, quen việc bà làm nên cứ cho thêm. Giờ thì cả chợ đầu mối ai cũng biết công việc thầm lặng của bà, ủng hộ nhiều rau củ.
Những bịch rau củ quả đã được chất lên xe chở đi khắp nơi. Bà Phượng tranh thủ dọn dẹp chỗ mượn nhờ tập kết để trả chỗ cho họ buôn bán. Bà để riêng các thùng giấy sang một bên. Đó cũng là cách kiếm tiền trang trải cuộc sống qua ngày. Bà chỉ cần đủ tiền có những bữa cơm đơn giản, đóng tiền nhà trọ hằng tháng. Bà Phượng sống một mình trong căn trọ nhỏ với giá 1,1 triệu đồng/tháng. Có những tháng không đủ tiền đóng, bà nói chủ nhà xin khất tạm. Họ cũng biết bà làm việc thiện ở chợ nên thông cảm, hỗ trợ mỗi lúc thiếu thốn.
"Nhẹ nhõm và thoải mái !"
Đó là cảm xúc của bà Phượng khi nhìn thấy những bịch rau củ đến các bếp từ thiện, để bữa ăn người nghèo có thêm rau củ. Mỗi tháng điểm tập kết này thu được khoảng vài tấn rau củ.
"Người nghèo có những suất cơm ngon là tôi vui rồi. Trên bàn cơm ít cũng phải có chút rau củ mới ngon. Mới đầu, người ta tưởng tôi mang rau đi bán, nhiều tai tiếng lắm những tưởng không tiếp tục làm được việc này nữa. Tuy nhiên, các cha ở nhà thờ, các sư thầy ở chùa động viên tinh thần để người nghèo có thêm bữa ăn ngon nên tôi tiếp tục, bẵng cũng 20 năm", bà chia sẻ.
Bà Phượng mất mẹ từ nhỏ, sống tự lập, kiếm tiền bằng việc làm mướn đủ thứ việc. Sau này, bà nhìn việc kiếm tiền theo cách nhẹ nhàng vì bản thân không nhiều nhu cầu. "Tôi nghĩ rằng làm việc thiện nói thì dễ nhưng làm không dễ. Thứ nhất phải có lòng kiên nhẫn, thứ hai phải có tâm, thứ ba phải có sức chịu đựng", bà nói.
Ông Lê Danh Lục (49 tuổi, ở TP.Thủ Đức) gom rau giúp bà Phượng nói: "Tôi theo đạo Công giáo. Hồi dịch tôi biết đến bà Phượng tặng rau ở các nhà dòng nên giờ qua giúp được cái gì sẽ giúp".
Anh Bùi Xuân Tiến (35 tuổi, tiểu thương) nói: "Ở chợ này, mọi người đa số gom rau ế cho bác Phượng. Tôi bán ở chợ cũng hơn chục năm, mỗi lần có rau cũng đưa cho bác ấy. Bác làm vậy không lấy công, lấy lãi gì, làm việc thiện thầm lặng, rất tốt".
Bình luận (0)