Ngày 25.8, trao đổi với PV Thanh Niên, chị Nguyễn Thị Thiếc, chủ cơ sở sứa Cửa Việt, kể mà như khóc: “Tôi bán 3 tháng mà chỉ bằng lúc xưa bán trong...1 ngày. Kinh khủng không?”.
Chị Thiếc từng được vinh danh là một điển hình làm kinh tế giỏi ở Quảng Trị.
Để cố thay đổi tình hình, chị Thiếc đã cố giảm giá bán mặt hàng sứa, bán hàng trước lấy tiền sau, nhưng việc buôn bán của chị mấy tháng qua vẫn... không đủ trả tiền điện.
“Trước, tôi bao toàn bộ thị trường sứa từ Quảng Bình vào đến Thừa Thiên - Huế nhưng chừ.... Chứ hàng gửi đi, bạn hàng không bán được, bảo gửi trả về. Tôi bảo, thôi mấy anh chị gửi luôn vào bãi rác chứ gửi về đây làm chi cho tốn tiền cước”, chị Thiếc kể.
|
Từ việc cơ sở có 10 lao động, nay cơ sở của chị Thiếc chỉ còn lại mình chị. Cơ sở của chị còn tồn khoảng 20 tấn sứa đang được ngâm trong dung dịch nước muối.
Chị Thiếc cho hay: “Số sứa này tôi nhập vào từ cuối tháng 3. Năm tháng qua rồi mà tôi không bán được nên giờ nó nổi bọt bèo, phân hủy và bốc mùi hôi rất ghê. Không thể sử dụng được nữa”.
Xác định như vậy nên cách đây 1 tuần, chị Thiếc đã viết đơn lên các cấp chính quyền, trình bày sự việc, mong sự giúp đỡ để tiêu hủy số sứa này. Chị Thiếc vẫn đang chờ hồi âm.
Quảng Trị tiêu hủy 60 tấn hải sản đông lạnh
Ngày 25.8, UBND tỉnh Quảng Trị cho hay đã phê duyệt phương án tiêu hủy 60 tấn hải sản đông lạnh trên địa bàn. Trong số này có 20 tấn hải sản nghi nhiễm phenol của bà Lê Thị Thuộc (TT.Cửa Tùng, H.Vĩnh Linh - Thanh Niên đã thông tin về vụ việc) và 40 tấn hải sản tại các kho đông lạnh khác ở H.Triệu Phong và H.Gio Linh. Đây là số hải sản này được thu mua trong thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển do công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra. Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Trị đang lập kế hoạch, lựa chọn địa điểm để tiêu hủy bằng cách đào hố chôn lấp, có sử dụng bạt lót đáy, rắc vôi bột và hóa chất chloraminB, với chi phí gần 100 triệu đồng.
|
Bình luận (0)