2.000 đồng mua được gì ở Sài Gòn?: Bịch đậu phộng handmade của 'người đặc biệt'

09/06/2019 09:31 GMT+7

Suốt 20 năm qua, ông Lâm miệt mài rang đậu phộng bán với giá khó tin 2.000 đồng/gói mà bao bì tự... in, không đụng hàng. Người đàn ông 'không được bình thường' đang ấp ủ giấc mộng lớn ấy có một thân thế "cực khủng".

2.000 đồng mua được gì ở Sài Gòn?, một người bạn hỏi tôi như thế. Tôi bật cười, 2.000 đồng chẳng mua được gì, gửi xe còn không đủ. Bạn không trả lời, chỉ ra dấu bảo tôi lên xe đi…  Chúng tôi chạy rất lâu trên các con đường lớn nhỏ ở quận 8 và cuối cùng dừng lại trước một căn nhà nhỏ, cũ kỹ và hơi tối. Bạn bảo ở đây có một người đàn ông bán đậu phộng giá chỉ 2.000 đồng/gói, bán suốt 20 năm nay.

Hàng chục năm nay sống không điện, không nước sạch

Đó là ông Trương Lâm (65 tuổi), một người Việt gốc Hoa. Hàng xóm nói về ông như một người đàn ông “không được bình thường” bởi “hàng chục năm nay ổng sống không điện, không nước sạch”. Thế nhưng, suốt thời gian đó ông đều cần mẫn rang đậu, cẩn thận vẽ từng tờ bao bì với cái tên đậu phộng Thuận Phát để bán, ấp ủ ước mơ một ngày thương hiệu đậu của ông phát triển khắp cả nước.
Bao bì bịch đậu phộng 2.000 đồng của ông Lâm
Ông ghi đầy đủ thành phần và nguyên liệu sản xuất bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Hoa
Đứng giữa căn nhà lụp xụp, được treo kín những tấm bản đồ thành phố vẽ bằng tay và những “bản kế
Ông cần mẫn rang đậu, cẩn thận vẽ từng tờ bao bì với cái tên đậu phộng Thuận Phát để bán, ấp ủ ước mơ một ngày thương hiệu đậu của ông phát triển khắp cả nước
hoạch 30 năm” của mình, ông Lâm chậm rãi nói: “Đậu phộng tôi tự rang rồi bỏ vô bao để bán. Bao bì này tôi cũng tự vẽ hết đó, mình phải viết cả tiếng Hoa lẫn tiếng Việt để đặng khách hàng dễ tìm mà mua”.
Theo lời ông Lâm, mỗi tuần ông chỉ bán đậu vào 2 ngày, có khi 2 tuần mới bán 1 lần để “quảng bá thương hiệu” vì không vẽ bao bì kịp. Tôi thắc mắc sao không photo ra cho nhanh, ông chỉ cười: “Rang đậu phộng không mất thời gian bằng vẽ bao bì, nhưng tôi muốn tự tay làm hết vì đó là tâm huyết, là cả cuộc đời tôi gửi gắm vào đó. Với ngày xưa thì vẽ cực, chứ giờ tôi có cục gỗ để in thì cũng tiện hơn rồi”.
Tấm biển hiệu do ông tự tay vẽ được treo trên cao, hơi khuất nên phải nhìn kỹ lắm mới thấy TUẤN ANH
Ông kể, có một lần đạp xe ngang qua khu chợ Lớn (quận 5), thấy người ta chất gỗ đầy trước nhà nên ông đến hỏi mua một cục gỗ nhỏ. “Cục gỗ đó người ta cho nhưng tôi không lấy, tôi ngại xin xỏ khi mà bản thân tôi có thể tự mua được. Tôi về lấy lưỡi lam với con dao nhỏ ra khắc tên thương hiệu và vẽ lên cục gỗ, phải khắc ngược thì khi in xuống giấy người ta mới đọc được”, ông nhớ lại.
Khắp gian nhà đều được phủ kín bởi những tấm bản đồ thành phố do ông tự tay vẽ TUẤN ANH
Ở cái tuổi này ông Lâm cũng không làm được công việc gì nặng nhọc để nuôi bản thân nữa. Cứ làm xong được 10 - 15 bịch đậu phộng thì ông bắt đầu đi bán trên con “chiến mã” là chiếc xe đạp cọc cạch. Ông đạp đi khắp mọi ngóc ngách của thành phố, ngắm nhìn sự đổi thay của dòng đời và ấp ủ giấc mộng lớn của đời mình.
Ở cái tuổi xế chiều, ông vẫn miệt mài với công việc và mơ về ngày thành công TUẤN ANH
Cuộc trò chuyện phải tạm ngưng vì trời tự nhiên đổ mưa, ông Lâm nói chúng tôi chờ một chút rồi lật đật đi lấy đồ để hứng nước mưa. Vừa làm ông vừa giải thích: “Nước mưa này tôi hứng rồi để dành trong mấy bao nilon để sử dụng dần, nước dùng để tắm, giặt, nấu ăn, còn dùng để lau nhà được nữa. Mấy chục năm nay không có tiền đóng tiền điện nên tôi cũng chỉ dùng đèn pin, vậy cho tiết kiệm mà tiện lợi nữa”.

Gói đậu phộng 2.000 đồng để vực dậy thương hiệu Thuận Phát

Nhìn cuộc sống của ông hiện tại, mấy ai biết được trước đây ông từng là ông chủ của một hãng xà bông cục nổi tiếng khắp miền Nam, từng có một gia đình hạnh phúc với vợ hiền, con ngoan. Ấy vậy mà…
Cục gỗ được ông Lâm mua với giá 1.000 đồng và tự khắc hình bao bì lên trên để tiện cho việc vẽ bao bì hằng ngày TUẤN ANH
Nhắc về chuyện quá khứ, giọng ông Lâm trầm hẳn: “Ngày đó làm ăn phát đạt lắm, rồi cũng lỗi tại tôi lỡ ham mê cá độ đua ngựa mà ra nông nỗi. Ban đầu tôi nghĩ chơi thử một lần rồi thôi, nhưng ai ngờ một lần rồi có hai lần, ba lần, rồi cứ vậy mà cuối cùng tôi mất hết. Mất cả xưởng xà bông, mất gia đình, vợ con…”.
Ký ức của ông hệt như một vết thương âm ỉ không lành, ông nói như đang tự nhủ với chính mình: “Lúc bà ấy dẫn 2 đứa nhỏ đi, tôi buồn lắm. Tôi chạy sang nhà ba mẹ vợ chỉ mong được gặp vợ con 1 lần thôi, tôi biết tôi sai và muốn được sửa sai. Nhưng mà mọi người nói vợ con tôi không ở đây, họ đuổi tôi về…”.
Không tìm được vợ con, ông Lâm sống cô đơn trong căn nhà cũ mà vốn dĩ trước đây ngập tràn tiếng cười hạnh phúc. Bởi ông luôn mong mỏi có một ngày vợ con ông sẽ quay về, ông nói chắc nịch: “Tôi phải gây dựng lại từ đầu, làm lại thương hiệu Thuận Phát này. Thuận Phát là vợ chồng tôi nghĩ ra, là thương hiệu dành cho người lao động nghèo. Tôi muốn làm lại từ đầu bằng những bịch đậu phộng 2.000 đồng này. Mình phải thành công thì vợ con mới quay về bên mình được”.
Ông Lâm mất khoảng 30 phút để hoàn thành một tờ bao bì TUẤN ANH
Căn nhà nhỏ chứa đựng bao hồi ức vui buồn của người đàn ông "không được bình thường" này TUẤN ANH
Nói đoạn, ông quay sang lấy ly múc nước trong cái hộp nhựa nhỏ rồi mời chúng tôi uống, tiện thể mở chiếc máy cát sét cũ rích chạy bằng pin trên bàn. Những âm thanh rè rè vang lên, ông Lâm ngồi trầm ngâm, đưa mắt nhìn bâng quơ ra khoảng không trước nhà. Chẳng biết ông đang tập trung lắng nghe hay bận suy nghĩ điều gì…
Nhưng nhìn gương mặt khắc khổ cùng đôi bàn tay nhăn nheo của ông, tôi ước rằng ông mãi có thể giữ được giấc mơ của mình để sống tiếp những tháng ngày về sau một cách trọn vẹn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.