200.000 công chức không phải đi học chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, tiết kiệm nghìn tỉ

18/06/2021 17:17 GMT+7

"Một người làm ở vị trí không cần đến trình độ tiếng Anh B2, nhưng lại vẫn bắt họ đi học, thì rõ ràng dẫn đến hệ quả là mua văn bằng, chứng chỉ; văn bằng, chứng chỉ giả ...", đại diện Bộ Nội vụ cho biết.

"Giảm hệ quả cho đội ngũ công chức, viên chức khi bắt buộc phải làm những điều không cần thiết"

Chiều 18.6, tại buổi họp báo thường kỳ, Bộ Nội vụ đã cung cấp thêm thông tin về việc bỏ yêu cầu bắt buộc đối với chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Theo đó, đại diện Bộ này cho rằng, có thể tiết kiệm được hàng nghìn tỉ đồng từ việc bỏ quy định bắt buộc thiếu hợp lý này. 
Cụ thể, trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức, cho biết hôm 11.6, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 02, trong đó không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tuyển dụng cũng như thi nâng ngạch với đội ngũ công chức hành chính.
"Qua phản hồi của dư luận, đặc biệt là đội ngũ công chức ngành hành chính, thì việc làm này nhận được sự hưởng ứng, tán đồng của đại bộ phận", ông Long nói.
Theo ông Long, Việt Nam đang thực hiện chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp, thì đồng thời cũng phải cắt giảm "những thủ tục hành chính, những quy định rườm rà" đối với đội ngũ công chức, viên chức để "giảm áp lực về văn bằng, chứng chỉ, học hành không cần thiết".
Việt Nam đang đi theo hướng quản lý theo vị trí việc làm, có nghĩa là vị trí việc làm nào cần thiết tương ứng với trình độ nào thì mới phải đáp ứng ở trình độ như vậy, sẽ giảm được rất nhiều hệ quả của văn bằng, chứng chỉ, theo ông Long.
"Ví dụ, một người làm ở vị trí không cần đến trình độ tiếng Anh B2 hoặc B1 bậc 3, 4 nhưng lại vẫn bắt họ đi học, thì rõ ràng dẫn đến hệ quả là mua văn bằng, chứng chỉ; văn bằng, chứng chỉ giả; trong khi theo quy định mới là sử dụng văn bằng chứng chỉ giả là bị đuổi việc", ông Long nêu rõ và cho rằng: "Đây là giảm hệ quả cho đội ngũ cán bộ, công chức khi bắt buộc phải làm những việc không cần thiết".

Tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng

Về lợi ích kinh tế, ông Long cho biết, Bộ "chưa tính toán một cách chi li", nhưng có thể ước tính. Ví dụ, một văn bằng, chứng chỉ thông thường đi học mất từ từ 2,5 - 3 triệu đồng hoặc hơn. Công chức hành chính của Việt Nam hiện có khoảng 300.000 người, trong đó khoảng 200.000 người sẽ phải đi hoàn thiện các văn bằng, chứng chỉ trong thời gian còn lại.
Như vậy, việc cắt giảm văn bằng, chứng chỉ có thể tiết kiệm cả nghìn tỉ đồng, chưa kể đến chi phí thời gian và chi phí xã hội, những vấn đề phức tạp trong quá trình phải đi học.
Liên quan đến việc vì sao đến giờ mới chỉ có công chức hành chính được "cởi bỏ" yêu cầu chứng chỉ, ông Long lý giải, do "quy định phân cấp trong luật và trong nghị định từ xưa đến nay, đội ngũ công chức hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ; đội ngũ công chức chuyên ngành khác và đặc biệt là đội ngũ viên chức thì thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ chuyên ngành".
Do đó, viên chức và công chức chuyên ngành vẫn phải đợi các bộ cắt bỏ quy định trong các thông tư.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Nội vụ đã báo cáo, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng đã có chỉ đạo các bộ khẩn trương rà soát các thông tư quy định tiêu chuẩn về văn bằng, chứng chỉ, đặc biệt là đối với chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì đề nghị cắt giảm, đối với những chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì cũng phải tích hợp lại theo hướng thu gọn nhất.
Vậy khi đã được cắt bỏ quy định bắt buộc về văn bằng, chứng chỉ thì công chức, viên chức có nên học nữa hay không và những người đang tiếp tục học thì như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, ông Long cho rằng: "Chúng ta hoàn toàn không cấm đi học. Để đăng ký dự thi nâng ngạch thì chứng chỉ ngoại ngữ và tin học không phải là điều bắt buộc. Nhưng nếu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đi học để nâng cao chất lượng, nâng cao trình độ tay nghề là rất tốt".
"Hiện nay, các công chức ở bộ, ngành T.Ư mà không sử dụng được máy vi tính thì không làm được việc, đương nhiên các đồng chí phải hoàn thiện, đó là nhu cầu tự thân", ông Long nói thêm. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.