Mặc dù trong năm nay, Hollywood phải đối mặt với sự “đói khát” kịch bản sáng tạo ở nhiều dòng phim nhưng các “ông lớn” của ngành công nghiệp giải trí Mỹ như Walt Disney, Universal, 20th Century Fox, Warner Bros hay Sony vẫn sống khỏe nhờ lượng doanh thu khủng từ các rạp chiếu toàn cầu, trong đó có Trung Quốc. Tổng doanh thu của các công ty giải trí Mỹ năm nay, theo thống kê trên trang Box Office Mojo, là trên 10,5 tỉ USD, đứng thứ 6 từ trên xuống theo tổng doanh thu qua các năm. Năm 2016 đứng nhất với tổng doanh thu trên 11,3 tỉ USD. Mười năm trở lại đây, dòng phim khoa học viễn tưởng giữ vị trí tiên phong với những tác phẩm có doanh thu cao nhất năm.
Trong năm 2018, tương lai của dòng phim này rất khả quan khi các hãng phim tiếp tục "nhá hàng” các dự án lớn. Nếu nhìn trên tầm vĩ mô, thấy rõ một điều rằng cũng sẽ không có gì mới qua các dự án phim đang chờ ngày ra lò này. Thế nhưng, nếu nhìn kỹ hơn vào các tiểu tiết, chúng ta sẽ thấy những điểm sáng tạo đầy hứa hẹn.
tin liên quan
Loạt phim khoa học viễn tưởng khuấy đảo rạp chiếu 2017Đa dạng trong đề tài, cách thức thể hiện
Đa phần những dự án phim năm nay thuộc đủ mọi thành phần từ chuyển thể (adaptations), phần tiếp theo (sequel), làm lại (remake), thậm chí còn có trào lưu hợp tuyển (anthology). Các nhà sáng tạo thỏa sức tung hê ngòi bút qua kịch bản để mê hoặc người xem trên màn ảnh, qua đó, các nhà sản xuất hốt bạc từ những gì mà mình đổ tiền vào.
Thuộc phim chuyển thể, ta có phim chuyển thể từ tác phẩm văn học gồm Annihilation của đạo diễn, nhà văn Alex Garland (khởi chiếu 23.2), A Wrinkle In Time của đạo diễn Ava DuVernay (khởi chiếu 9.3), Ready Player One của Steven Spielberg (khởi chiếu 30.3), The Darkest Minds của Jennifer Yuh Nelson (khởi chiếu 14.9), Mortal Engines của Christian Rivers (khởi chiếu 14.12); chuyển thể từ trò chơi điện tử có Tomb Raider của đạo diễn Roar Uthaug (khởi chiếu 16.3), Rampage của đạo diễn Brad Peyton (khởi chiếu 20.4); chuyển thể từ truyện tranh (manga) có Alita: Battle Angel của đạo diễn Robert Rodriguez (khởi chiếu 20.7); chuyển thể từ tác phẩm văn học lẫn manga có Captive State của Rupert Wyatt (khởi chiếu 17.8).
|
Điểm nổi bật trong những tác phẩm chuyển thể trên là chúng được “bảo chứng” chất lượng bởi nhiều đạo diễn được đánh giá cao tại Hollywood. Đặc biệt, sự trở lại của huyền thoại Steven Spielberg trên cương vị đạo diễn qua tác phẩm Ready Player One là một đơn cử tiêu biểu. Bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Ernest Cline, theo chân một một game thủ khám phá ra những bí mật trong thế giới ảo mang tên OASIS. Tại Hội nghị Comic-Con được tổ chức hồi tháng 7 vừa rồi ở San Diego (California, Mỹ), trailer của tác phẩm được công bố và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người hâm mộ.
Các tác phẩm là phần tiếp theo của những thương hiệu phim nổi tiếng cũng được mong chờ không kém. Maze Runner: The Death Cure của đạo diễn Wes Ball (khởi chiếu 26.1), vừa là phim chuyển thể, vừa là phần cuối cùng của bộ ba (trilogy) Maze Runner. Phim tiếp tục theo chân nhóm bạn Thomas (Dylan O'Brien) thực hiện cuộc đào thoát khỏi mê cung dưới sự kiểm soát của những người kiểm soát là WCKD. Phần cuối cùng này hứa hẹn sẽ mang đến cái kết trọn vẹn hơn cho cả loạt phim.
Sau thành công vang dội của Jurassic World năm 2015 khi mang về cho nhà Universal hơn 1,6 tỉ USD doanh thu phòng vé toàn cầu, hãng này tiếp tục "bơm tiền" sản xuất phần tiếp theo là Jurassic World: Fallen Kingdom, đạo diễn bởi J.A. Bayona (khởi chiếu 22.6). Dựa trên cái nền sẵn có, phim kể về sự suy tàn của thời kì khủng long bởi thảm họa tự nhiên và những nỗ lực của con người nhằm cứu lấy giống loài ấy. Tham gia dự án bom tấn này là dàn sao quen thuộc như Chris Pratt, Bryce Dallas Howard, Jeff Goldblum...
|
Không thể phủ nhận một điều rằng, bên cạnh việc tiếp tục sáng tạo còn có việc “rẽ nhánh”, tạo một hướng đi mới cho một vài thương hiệu phim. Những thương hiệu phim bắt đầu trở nên phức tạp hơn bởi các phần phim nối tiếp. Tình tiết, chân dung nhân vật hay các yếu tố bên lề chồng chéo lên nhau trong các bộ phim, tạo nên một hệ thống nhân vật, cốt truyện cực kì phong phú. X-Men: The New Mutants của thương hiệu X-Men (Fox) hay Solo: A Star Wars Story (gọi tắt là Solo) của thương hiệu Star Wars (Walt Disney) là những trường hợp tiêu biểu. Một điều dễ thấy rằng, Fox đã chọn hướng đi tăm tối hơn cho dòng phim siêu anh hùng, còn Walt Disney thì duy trì sự tươi sáng trong tầm nhìn cũng như cách kể chuyện.
Logan (đạo diễn James Mangold) của hãng Fox là “buổi hoàng hôn” của thế hệ dị nhân, khép lại một trang hào hùng của những người đột biến sau 17 năm oanh tạc trên màn ảnh rộng. Thay vì mở ra chương mới tươi sáng hơn, đạo diễn Josh Boone đã bắt tay vào thực hiện một trilogy siêu anh hùng kinh dị mà mở đầu là The New Mutants. Phim lấy bối cảnh sau Logan, khi thế hệ cũ đã qua đi, một nhóm 5 đứa trẻ thế hệ mới được phát hiện năng lực của mình và bị nhốt riêng trong phòng kín. Tại đó, chúng bắt đầu bộc lộ những siêu năng lực đáng sợ của bản thân trong tuyệt vọng và đau đớn.Hiện đang “oanh tạc” ngoài các rạp chiếu, Star Wars 8 của đạo diễn Rian Johnson được dự đoán sẽ mang về trên tỉ USD lợi nhuận, mặc dù tại thị trường Mỹ doanh thu của nó không cao bằng “người anh em” Star Wars 7 ra mắt hai năm trước. Trong khi đó, các nhà sản xuất đã bắt tay vào thực hiện phần ngoại truyện thứ hai, tạo thành một hợp tuyển (anthology) cho thương hiệu phim này: Solo: A Star Wars Story, sau phần đầu là Rogue One: A Star Wars Story (2016). Phần ngoại truyện này được đạo diễn bởi Ron Howard, dàn diễn viên tham gia cũng mới nốt: Alden Ehrenreich, Emilia Clarke, Woody Harrelson… Bối cảnh của Solo là vùng viễn Tây nước Mỹ, nội dung kể về thời niên thiếu của nhân vật Han Solo. Mốc thời gian và tầm nhìn lùi rất xa về quá khứ, xảy ra trước phần phim gốc năm 1977 của đạo diễn gạo cội George Lucas.
tin liên quan
Siêu anh hùng, siêu ác nhân tràn ngập Comic Con 2017Tiếp tục là cuộc đua của kỹ xảo
Ta thấy một điều rằng, năm vừa qua kỹ xảo đã tôn tạo cho điện ảnh một bộ mặt vô cùng hào nhoáng. Nhưng với số lượng áp đảo các phim chuẩn bị ra mắt, năm 2018 sẽ là năm của những cuộc chạy đua giữa các hãng phim về kỹ xảo.
Không thể không nhắc đến Ready Player One của đạo diễn Steven Spielberg khi đoàn làm phim ra sức phục dựng những đại cảnh hành động vô cùng mãn nhãn trong tác phẩm. Việc dàn dựng này đòi hỏi một nỗ lực kỳ công, sử dụng một số lượng lớn khung hình (shot) đã qua xử lí hiệu ứng VFX. Qua đoạn trailer dài hơn 2 phút mà hãng Warner Bros đăng tải, nhân vật chính là Wade Watts (Tye Sheridan đóng) di chuyển qua lại giữa hai thế giới thực và ảo được dàn dựng phần lớn bằng kỹ xảo.
Trong số 10 phim có kỹ xảo xuất sắc nhất năm 2017 mà tờ Hollywood Reporter công bố, hãng Marvel đi đầu trong việc đầu tư vào kỹ xảo. Phim Thor: Ragnarok có hơn 2.700 khung hình đã qua xử lí kỹ xảo. Năm nay, Marvel có hai dự án lớn: Avengers: Infinity War (khởi chiếu 4.5) và Black Panther (khởi chiếu 16.2). Avengers: Infinity War có lẽ là phần “dài hơi tốn sức” nhất trong cả sê-ri phim này khi tác phẩm gần như dung hợp tất cả các nhân vật siêu anh hùng có trong vũ trụ Marvel chống lại sự độc tài của Thanos - kẻ hủy diệt. Thậm chí, nhân vật Black Panther, Spider-Man mới “chào sân” trong phim Captain America: Civil War (2016), hãng cũng đã phát triển ra các phần phim riêng lẻ cho hai nhân vật này. Trong phần mới nhất của Avengers, hai nhân vật này một lần nữa xuất hiện cùng các siêu anh hùng chống lại Thanos.
|
|
|
|
Pacific Rim: Uprising của Steven S. DeKnight (khởi chiếu 23.3) cũng được kì vọng không kém những tác phẩm trên. Tác phẩm gốc ra mắt năm 2013 được giới chuyên môn đánh giá cao ở phần kỹ xảo sống động, bắt mắt, hành động mượt mà của các người máy khổng lồ. Thế nhưng ở phần mới nhất này, nhà sản xuất đã giới thiệu đến khán giả dàn người máy cấp tiến hơn cũng như những con quái vật biển Kaiju lớn hơn, sức phá hủy khủng khiếp hơn.
Điểm qua toàn cảnh để thấy rằng, nếu nhìn trên tầm vĩ mô ta sẽ thấy dòng phim sci-fi 2018 cũng chỉ nói “bấy nhiêu cảnh”, diễn tả “bấy nhiêu tình”: giải cứu thế giới, chống lại các thế lực hắc ám... Nhưng nếu nhìn vào các tiểu tiết, hiện lên bên trong dòng chảy đó là biết bao sự sáng tạo và đột phá trong tầm nhìn của các nhà làm phim.
Bình luận (0)