2019: Thế giới không 'an yên'

31/12/2019 15:00 GMT+7

Năm 2019 chứng kiến các cuộc biểu tình bùng nổ khắp thế giới , người dân xuống đường đòi các chính phủ cải cách và tăng cường phòng chống biến đổi khí hậu.

Dưới đây là một số sự kiện tiêu biểu đánh dấu năm 2019 theo bình chọn của AFP:

Biểu tình khắp châu Mỹ Latinh

Vào ngày 23.1.2019, thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido tự phong là tổng thống lâm thời Venezuela, dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế kéo dài.
Hơn 50 quốc gia, bao gồm Mỹ, công nhận ông Guaido và yêu cầu Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phải ra đi. Tuy nhiên, đến nay quân đội luôn ủng hộ Tổng thống Maduro và ông vẫn tại vị.

Thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido

Reuters

Hồi giữa tháng 9, các cuộc biểu tình lớn bùng nổ ở Haiti nhằm phản đối tình trạng thiếu nhiên liệu kéo dài và người dân yêu cầu Tổng thống Jovenel Moise phải từ chức. Những cuộc biểu tình dẫn đến bạo động khiến hơn 40 người thiệt mạng.
Giá vé tàu điện ngầm gia tăng ở thủ đô của Chile vào tháng 10 trở thành nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ, khiến hơn 20 người thiệt mạng.

[VIDEO] Bị quân đội "bỏ rơi", tổng thống Bolivia từ chức

Bolivia chứng kiến những cuộc biểu tình kéo dài suốt 3 tuần, khiến hàng chục người chết sau khi Tổng thống Evo Morales nhậm chức nhiệm kỳ thứ tư vào ngày 20.10. Ông Morales từ chức vào ngày 10.11 và rời khỏi Bolivia giữa lúc chính phủ chuẩn bị tiến hành cuộc bầu cử.
Ecuador thì bị tê liệt hoàn toàn trong gần hai tuần do biểu tình vào tháng 10. Trong khi đó, các cuộc đình công và biểu tình chống chính phủ ở Colombia bùng nổ vào giữa tháng 11.

[VIDEO] 9 sự kiện thế giới đánh dấu năm 2019 đầy biến động

Sự giận dữ ở Bắc Phi/Trung Đông

Ngày 22.2, các cuộc biểu tình bùng nổ ở Algeria nhằm phản đối nhiệm kỳ thứ 5 của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika vốn nắm quyền suốt 20 năm qua.
Ông Bouteflika không được quân đội ủng hộ và từ chức vào ngày 2.4. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn và người dân yêu cầu cải tổ toàn diện chính phủ, đồng thời phản đối tân Tổng thống Abdelmadjid Tebboune. Ông Tebboune được bầu chọn vào ngày 12.12 trong cuộc bầu cử với tỷ lệ cử tri không bỏ phiếu và vắng mặt cao kỷ lục.
Tại Sudan, quân đội hôm 11.4 lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir, kết thúc 3 thập niên cầm quyền của ông và đó là một trong số yêu sách chính của phong trào biểu tình trên toàn quốc kéo dài 4 tháng.
Các cuộc biểu tình tiếp diễn cho đến khi các bên đạt được thỏa thuận vào tháng 8 về việc thành lập một hội đồng để giám sát tiến trình chuyển đổi sang chế độ chính phủ dân sự. Ít nhất 250 người biểu tình đã thiệt mạng.
Ở Iraq, các cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra vào ngày 1.10 nhằm phản đối tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, tham nhũng tràn lan, dẫn đến bạo động bùng phát, cướp đi sinh mạng của hơn 460 người. Đến ngày 1.12, quốc hội Iraq chấp nhận đơn từ chức của chính phủ.

[VIDEO] Người biểu tình Lebanon hát Baby Shark xoa dịu đứa trẻ sợ hãi

Tại Li Băng, các cuộc biểu tình rầm rộ bắt đầu vào ngày 17.10 xuất phát từ kế hoạch đánh thuế ứng dụng nhắn tin của chính phủ và giới cầm quyền. Làn sóng biểu tình tiếp diễn kể cả sau khi Thủ tướng Saad Hariri từ chức hôm 29.10. Phe biểu tình phản đối ông Hassan Diab, tân thủ tướng được đề cử vào ngày 19.12 để thành lập chính phủ.
Biểu tình biến thành bạo động bùng phát khắp Iran kể từ ngày 15.11, xuất phát từ bức xúc trước việc chính phủ tăng giá nhiên liệu. Chính phủ Iran bị cáo buộc đàn áp biểu tình với hơn 304 người thiệt mạng, hầu hết bị lực lượng an ninh bắn chết. Tuy nhiên, chính phủ Iran bác bỏ mọi cáo buộc.

Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh IS

Sau 5 năm chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria, tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn đẩy ra khỏi thành lũy cuối cùng ở Syria hồi tháng 3.

Thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi

Reuters

Vào ngày 27.10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt trong một cuộc đột kích của lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở Syria. Baghdadi đã nổ bom tự sát trong lúc bị truy đuổi.

[VIDEO] Lầu Năm Góc công bố hình ảnh vụ truy sát thủ lĩnh IS

Máy bay Boeing MAX bị "trùm mền" khắp thế giới

Vụ tai nạn chết người của máy bay hãng hàng không Ethiopian Airlines ngày 10.3 dẫn đến việc dòng máy bay Boeing 737 MAX bị đình chỉ bay toàn cầu. Sáu tháng trước đó, máy bay Boeing 737 MAX của hãng Lion Air cũng gặp nạn. Hai vụ tai nạn liên quan đến Boeing 737 MAX khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng.
Hãng Boeing đối mặt hàng loạt cuộc điều tra và đơn kiện, buộc phải nâng cấp các hệ thống phần mềm bị lỗi cùng chi tiết kỹ thuật của Boeing 737 MAX nhưng dòng máy bay này vẫn chưa được phê duyệt để quay trở lại bầu trời.

[VIDEO] Boeing ngưng sản xuất máy bay 737 MAX

Vào giữa tháng 12, Boeing đình chỉ sản xuất Boeing 737 MAX. Đến ngày 23.12, tổng giám đốc Boeing Dennis Muilenburg từ chức.

Brexit

Ngày 29.3.2019 là hạn chót để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), gọi tắt Brexit, sau cuộc trưng cầu dân ý hồi 2016. Tuy nhiên, tiến trình Brexit bị hoãn 3 lần trong năm nay. Lý do là quốc hội Anh không thể nhất trí với các điều khoản trong thỏa thuận do cựu thủ tướng Theresa May đàm phán với EU. Không những vậy, quốc hội Anh cũng không đồng ý với thỏa thuận Brexit thứ hai mà người kế nhiệm của bà May, Thủ tướng Boris Johnson đạt được với EU.

[VIDEO] Anh và EU ký thỏa thuận Brexit mới "hợp lý và công bằng"

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sớm ngày 12.12, Thủ tướng Johnson nhận được sự ủng hộ về thỏa thuận Brexit tại Hạ viện. Ông Johnson nỗ lực thuyết phục quốc hội thông qua thỏa thuận Brexit ngày 9.1.2020 để Anh chính thức rời khỏi EU vào ngày 31.1.2020.

Bức ảnh đầu tiên về hố đen vũ trụ

Ngày 10.4, một nhóm các nhà thiên văn học (Bỉ, Chile, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ) công bố bức ảnh đầu tiên về hố đen trong vũ trụ. Lâu nay, họ tin rằng hiện tượng này tồn tại nhưng chưa có hình ảnh cụ thể.

Bức ảnh đầu tiên về hố đen vũ trụ

Reuters

Bức ảnh này, dựa trên dữ liệu do các kính viễn vọng chụp được trong vòng hai năm khắp thế giới, cho thấy một lỗ đen cực lớn, cách trái đất khoảng 50 triệu năm ánh sáng.

Cháy nhà thờ Đức Bà Paris

Vào ngày 15.4, ngọn lửa phá hủy phần mái và tháp hình chóp của nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp). Lực lượng lính cứu hỏa nỗ lực dập tắt đám cháy, giữ được tòa nhà, kịp thời di dời tác phẩm nghệ thuật, thánh tích và cổ vật đến nơi an toàn.

Hiện trường vụ cháy nhà thời Đức Bà Paris

Reuters

Gần 1 tỉ euro được quyên góp và cam kết quyên góp nhằm tái thiết nhà thờ Đức Bà Paris, dự kiến sẽ mất nhiều năm. Lần đầu tiên kể từ năm 1803, nhà thờ Đức Bà Paris không tổ chức lễ Giáng sinh.

[VIDEO] Lần đầu tiên sau 200 năm, Nhà thờ Đức Bà Paris không có lễ Giáng sinh

Căng thẳng với Iran leo thang

Vào ngày 8.5, Iran tuyên bố cắt giảm cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Động thái này diễn ra đúng một năm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các lệnh cấm vận Iran.
Trong những tháng tiếp theo, Iran tái khởi động chương trình hạt nhân đã tạm ngừng trước đó, bao gồm làm giàu uranium.
Căng thẳng leo thang sau khi Washington cáo buộc Tehran đứng sau hàng loạt vụ tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh kể từ giữa tháng 5.

[VIDEO] Iran tiếp tục rời xa thỏa thuận hạt nhân

Vào ngày 14.9, Iran lại bị cáo buộc đứng sau những vụ tấn công các cơ sở lọc dầu lớn của Ả Rập Xê Út, bất kể phiến quân Houthi của Yemen (được Tehran hậu thuẫn) lên tiếng nhận trách nhiệm. Tehran cũng đã bác bỏ mọi cáo buộc.
Trong vòng 6 tháng qua, Teheran dự trữ lượng uranium đã làm giàu vượt mức giới hạn theo thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Iran với Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức.

Hồng Kông tê liệt vì biểu tình

Cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông bùng nổ vào ngày 9.6, ban đầu xuất phát từ sự bức xúc trước dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm bị truy nã đến những nơi mà Hồng Kông chưa có thỏa thuận dẫn độ như đại lục, Macau hay Đài Loan.
Kể cả sau khi chính quyền đặc khu rút lại dự luật, cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, dẫn đến những vụ bạo động nghiêm trọng và kéo dài đến tháng 12. Vào ngày 24.11, phe đối lập giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử cấp quận.

[VIDEO] Đặc khu trưởng Hồng Kông thừa nhận người dân không hài lòng với chính quyền

Tháng nóng nhất

Nhiệt độ tháng 7 được ghi nhận là nóng nhất từ trước đến nay, theo thông báo của chính phủ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Nhiệt độ gia tăng ở châu Âu và Bắc Cực và hồi tháng 8, Iceland mất sông băng đầu tiên do biến đổi khí hậu.
Cháy rừng tàn phá rừng Amazon (Brazil) và ở Úc, trong khi đó thành phố Venice (Ý) bị ngập lụt nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên qua.

[VIDEO] Nhiệt độ toàn cầu tăng gây ảnh hưởng 'hủy diệt'

Thời tiết ngày càng khắc nghiệt khiến nhiều người trên thế giới trở nên lo ngại về vấn đề biến đổi khí hậu. Điều này dẫn đến hàng loạt cuộc tuần hành kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu, ban đầu do nhà hoạt động thiếu niên Thụy Điển Greta Thunberg khởi xướng và dần lan rộng khắp thế giới.

Căng thẳng Nga-Mỹ

Vào tháng 8, Mỹ và Nga lần lượt rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận, dấy lên mối lo ngại bùng nổ cuộc chạy đua vũ trang mới. INF được ký kết năm 1987 nhằm giới hạn tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn 500 - 5.500 km ở châu Âu. Vào ngày 12.12, Lầu Năm Góc thông báo quân đội Mỹ vừa phóng thử nghiệm một tên lửa đạn đạo tầm trung với tầm bắn hơn 500 km.

[VIDEO] Ông Putin nói Nga đáp trả tương xứng Mỹ, nhưng không chạy đua vũ trang tốn kém

Chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Donald Trump cũng gây biến động khắp thế giới với cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, Mỹ với EU. Chính phủ ông Trump còn rút khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và rút lực lượng quân sự khỏi đông bắc Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ kéo quân vào Syria

Vào ngày 9.10, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch tại đông bắc Syria nhắm vào lực lượng người Kurd vốn bị Ankara xem là "khủng bố".

Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ di chuyển vào Syria vào tháng 10

Reuters

Hai ngày trước đó, Tổng thống Trump tuyên bố rút quân Mỹ khỏi miền bắc Syria, mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự. Washington bị chỉ trích bỏ rơi đồng minh là lực lượng người Kurd, vốn đóng vai trò tiên phong trong liên minh do Mỹ dẫn đầu chống lại IS.
Thổ Nhĩ Kỳ tạm ngừng chiến dịch quân sự vào ngày 23.10 sau khi đạt được thỏa thuận riêng biệt với Mỹ và Nga nhằm đảm bảo lực lượng người Kurd có thời gian rút khỏi khu vực biên giới Syira-Thổ Nhĩ Kỳ.

[VIDEO] Đoàn tuần tra Thổ Nhĩ Kỳ nổ súng vào người phản đối Syria

Luận tội Tổng thống Trump

Ngày 24.9, Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát mở cuộc điều tra luận tội với cáo buộc Tổng thống Trump dùng gói viện trợ quân sự để gây áp lực buộc Ukraine phải điều tra đối thủ trong cuộc bầu cử năm 2020 là cựu phó tổng thống Joe Biden.

[VIDEO] Tổng thống Trump trở thành tổng thống Mỹ thứ 3 bị luận tội trong lịch sử

Hạ viện Mỹ ngày 18.12 bỏ phiếu thông qua hai điều khoản luận tội ông Trump, bao gồm lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội và bước sắp tới là phiên xét xử tại Thượng viện dự kiến vào tháng 1.2020. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá khó có khả năng ông Trump bị luận tội dẫn đến phế truất vì Thượng viện hiện đang do đảng Cộng hòa của ông Trump kiểm soát.

Khủng hoảng xã hội ở Pháp

Pháp đối mặt cuộc biểu tình và đình công kéo dài ba tuần kể từ ngày 5.12 nhằm phản đối việc chính phủ cải cách lương hưu, làm rối loạn giao thông công cộng khắp nước này.
Người lao động thuộc các công ty đường sắt quốc gia SNCF và công ty giao thông công cộng, đường sắt RATP (Paris) đình công nhằm phản đối chính phủ thống nhất 42 chế độ lương hưu khác nhau thành một hệ thống duy nhất, điều này có thể khiến người lao động mất đi một số đặc quyền, bao gồm nghỉ hưu sớm.

[VIDEO] Biểu tình tiếp diễn tại Pháp chống cải cách lương hưu bất chấp mùa lễ hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.