2023 giữa biến động toàn cầu khó lường

31/12/2023 06:00 GMT+7

Năm 2023, thế giới lại trải qua nhiều biến động khó lường xuất phát từ những cuộc xung đột quân sự và cả cạnh tranh thương mại, quyền lực giữa các nước lớn.

Nhiều điểm nóng chiến sự

Trong đó, cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục kéo dài sang năm thứ hai mà chưa có được một chỉ dấu khả tín nào cho việc hai bên ngừng bắn. Mỹ và các đồng minh không ngừng nỗ lực viện trợ cho Ukraine đã góp phần giúp Kyiv xoay chuyển được phần nào cục diện trên chiến trường. Từ đó, Kyiv trong nửa cuối của năm 2023 đã tiến hành chiến dịch phản công Moscow trên chiến trường.

Thế nhưng, Kyiv không đạt được kết quả như mong muốn. Trả lời Thanh Niên dịp cuối năm, vị chuyên gia quân sự, là cựu đại tá quân đội Mỹ và từng điều hành một bộ phận tình báo quân sự của NATO ở vùng Balkan, đánh giá: "Bế tắc tiếp diễn trên hầu hết mặt trận chính. Nga đã gửi thêm một nhóm quân mới và cuộc phản công của Ukraine đã mất đà".

BẢN TIN ĐẶC BIỆT: Nhìn lại năm 2023 nhiều thăng trầm, đón 2024 với hy vọng mới

Truyền thông phương Tây cũng phải thừa nhận kết quả đáng buồn cho Ukraine trên chiến trường. Điển hình, tờ The Washington Post dẫn nhiều nguồn tin đánh giá cuộc phản công của Ukraine đã "thất bại". Tương tự, Đài CNN bình luận Ukraine đang rơi vào tình thế "bi đát" trên chiến trường với "triển vọng của Ukraine thật mờ mịt". Hậu quả này được tờ The Washington Post dẫn nguồn thân cận lý giải nguyên nhân là phía Ukraine đã không tuân thủ theo chiến lược tác chiến do Mỹ đề ra.

2023 giữa biến động toàn cầu khó lường- Ảnh 1.

Hiện trường một khu vực ở Dải Gaza bị oanh kích bởi Israel gần đây

Reuters

Không chỉ gặp khó trên chiến trường, Ukraine dần thiếu nguồn lực cho cuộc chiến khi các khoản viện trợ từ cả Mỹ lẫn EU bị đình trệ. Đến nay, gói viện trợ trị giá hơn 60 tỉ USD mà Washington dự kiến dành cho Kyiv tiếp tục bế tắc khi Quốc hội Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu thông qua. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ không tìm được tiếng nói chung trong tổng thể gói tài chính khoảng 106 tỉ USD bao gồm viện trợ cho Ukraine, Israel, Đài Loan và an ninh khu vực biên giới với Mexico.

Đến ngày 28.12, Reuters dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay Washington sẽ cung cấp thiết bị và vũ khí cho Kyiv có tổng trị giá 250 triệu USD thuộc các khoản ngân sách đã được phê duyệt từ trước. Đây là gói viện trợ cuối cùng trong năm 2023 và chưa rõ khi nào có các khoản viện trợ tiếp theo.

Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine chưa có hồi kết, ngày 7.10, lực lượng Hamas bất ngờ tấn công bên trong Israel gây thương vong lớn cho người Do Thái. Sự kiện này mở ra cuộc khủng hoảng mới khi Israel đáp trả bằng việc tấn công vào Dải Gaza với quyết tâm tiêu diệt lực lượng Hamas tại đây.

Hậu quả từ chiến dịch quân sự của Israel đã khiến nhiều nước và các tổ chức quốc tế phải lên tiếng về một cuộc khủng hoảng nhân đạo xảy ra tại Dải Gaza. Không chỉ như vậy, để "chia lửa" với Hamas, lực lượng chính trị - quân sự đang kiểm soát một phần lãnh thổ Yemen là Houthi đã thực hiện các vụ tấn công nhằm vào một số tàu hàng đi qua khu vực biển Đỏ. Những tàu bị cho là có liên quan với quyền lợi của Israel đều có thể trở thành mục tiêu tấn công, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh tuyến hàng hải quan trọng của thương mại toàn cầu.

Bức tranh kinh tế ảm đạm

Giữa bối cảnh an ninh toàn cầu đối mặt nhiều thách thức, tình hình phục hồi kinh tế thế giới hậu đại dịch cũng gặp không ít khó khăn.

Nửa đầu năm 2023, Mỹ cùng phần lớn các nền kinh tế đều phải đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao vốn kéo dài từ năm 2022. Đây chính là nguyên nhân khiến ngân hàng trung ương nhiều nước tăng lãi suất cơ bản ở mức cao. Đến nửa sau của năm, tình hình lạm phát dần hạ nhiệt. Tuy nhiên, kết hợp từ những hậu quả tồn đọng từ đại dịch Covid-19, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều tăng trưởng chậm.

Trong đó, tại vùng châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc vốn là một động lực của kinh tế khu vực nhưng đã trải qua năm 2023 đầy khó khăn. Cụ thể hơn, dù có những nỗ lực nhất định từ chính phủ, thị trường bất động sản của Trung Quốc vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan, trong khi đây là lĩnh vực quan trọng với nền kinh tế đại lục. Tình trạng này khiến cho kinh tế Trung Quốc tiếp tục khó khăn.

Ngoài ra, dù Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp nhau bên lề hội nghị cấp cao Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra hồi tháng 11.2023 tại TP.San Francisco (bang California, Mỹ) nhưng hai bên vẫn chưa giải quyết được những bất đồng sâu sắc. Ngược lại, Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi các chính sách trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt đối với lĩnh vực công nghệ nói chung, ngành bán dẫn nói riêng. Theo một số thống kê, hơn 10.000 doanh nghiệp ngành bán dẫn của Trung Quốc đã đóng cửa trong năm 2023. Từ những khó khăn vừa nêu, kinh tế Trung Quốc đại lục nhiều khả năng chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2023.

Theo đánh giá của một số công ty trong lĩnh vực tài chính như S&P, Moody's hay các định chế tài chính như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (World Bank) thì các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt tại Đông Nam Á, có nhiều tín hiệu tích cực hơn dù gặp nhiều khó khăn.

'Xả lãi suất' có đến vào năm 2024 không?

Năm của thời tiết cực đoan

Thời tiết khắc nghiệt đến mức cực đoan là vấn đề thường xuyên xuất hiện trên các tít báo vào năm 2023. Đầu năm 2023, bang California (Mỹ) đã trải qua một mùa đông tuyết rơi bất thường và gây ra lở đất làm hư hại nhiều nhà cửa, trong khi cùng lúc ở Nam bán cầu, cái nóng thiêu đốt gây ra cháy rừng ở Chile, theo Reuters.

Khi mùa hè đến ở Bắc bán cầu, phần lớn châu Âu và nước Mỹ phải chịu những đợt nắng nóng gay gắt, góp phần gây ra nhiều vụ cháy rừng hơn trước. Mùa cháy rừng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay ở Canada đã khiến khói mù bao trùm nhiều vùng ở Mỹ, trong khi Hy Lạp phải hứng chịu năm có khí hậu khắc nghiệt nhất trong lịch sử, với nhiều đám cháy rừng và theo sau là cơn bão mạnh Daniel vào tháng 9. Các cơn bão trong tháng 9, tháng 10 và tháng 11 cũng gây ra lũ lụt ở Mexico và Tây Âu, trong khi lũ quét đã giết chết hàng nghìn người ở Libya.

Cuối năm, nhiều nước Đông Bắc Á cũng như khu vực Bắc Mỹ đã hứng chịu những đợt giá rét kỷ lục.

Vi Trân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.