David Thomas là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Indochina Arts Partnership (tạm dịch: Hiệp hội Nghệ thuật Đông Dương, viết tắt là IAP). IAP nhanh chóng trở thành một cầu nối văn hóa nghệ thuật và ngoại giao nhân dân giữa hai quốc gia Việt Nam và Mỹ.
Triển lãm David Thomas và những người bạn giới thiệu những sáng tác đồ họa của David Thomas trong giai đoạn ông chống chọi lại căn bệnh Parkinson trong những năm vừa qua, căn bệnh được xác định là một trong những hậu quả của việc tiếp xúc với chất độc da cam mà ông bị nhiễm trong chiến tranh.
Toàn bộ loạt sáng tác tranh in này cũng được trưng bày trong triển lãm Finding Parkinson giữa David Thomas và các nghệ sĩ đồ họa Boston tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng vào trung tuần tháng 4.
Triển lãm David Thomas và những người bạn cũng trưng bày sáng tác của 21 nghệ sĩ Việt Nam được mời tham gia các triển lãm và chương trình trao đổi văn hóa nghệ thuật do IAP tổ chức và tài trợ trong quãng thời gian từ 1989 - 2019.
Vượt lên trên những trao đổi nghề nghiệp giữa nghệ sĩ với nghệ sĩ, họ và David Thomas chia sẻ những tình cảm và giá trị tinh thần chung, về vẻ đẹp của nghệ thuật, về sự hàn gắn và kết nối của cảm xúc và thẩm mỹ, về sự đồng hành trong cuộc sống, về một quá khứ và về cái nhìn chung tới tương lai.
Bằng nghệ thuật, họ đã trở thành những người bạn vong niên và là những chứng nhân văn hóa của 3 thập kỷ nỗ lực chữa lành một cuộc chiến kéo dài 20 năm giữa hai bờ đại dương.
Phát biểu tại triển lãm, David Thomas chia sẻ, sau cuộc chiến tranh Việt Nam, những ký ức ông giữ lại trong lòng là nụ cười của những đứa trẻ vùng cao nguyên mỗi khi chúng vây quanh chiếc xe Jeep mà người lính trẻ dừng lại ở bất kỳ buôn làng nào. "Tôi đã phát hiện ra những điều đẹp đẽ khác của vùng đất và con người nơi đó, những tâm hồn đẹp đẽ đầy chất thơ, niềm khao khát hòa bình và sự quật cường vượt qua mọi gian khó thời chiến", David Thomas.
Phạm Huy Thông, một trong 21 họa sĩ có tranh trưng bày tại triển lãm David Thomas và những người bạn, cho biết tác phẩm trưng bày tại triển lãm lần này của anh đặt tên là Thoát xác. Anh đã dành nhiều tâm huyết, tình cảm để điêu khắc nên tác phẩm nghệ thuật này.
Thoát xác ra đời khi anh nhìn thấy một chiếc mũ cối trong chiến tranh. Hình dạng của nó rất thảm khốc với lỗ đạn ở phía trước, còn phía sau thì vỡ nát hết. Sau đó, anh đã điêu khắc và tạo hình lại chiếc mũ với các đặc điểm như có lỗ đạn vào, phần mũ bung ra được thay thế bằng hình ảnh cánh chim tung cánh.
Thông qua tác phẩm, khách tham quan có thể cảm nhận được nỗi đau đớn của người lính trong khoảnh khắc giao thoa giữa sự sống và cái chết; hình dung được sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh...
Nguyên chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lê Huy Tiếp cho biết, David Thomas đã dành 30 năm sức khỏe, thời gian của ông cho sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam. Chính vì thế, đây là lần cuối cùng David Thomas sang Việt Nam vì căn bệnh Parkinson đã theo ông suốt 10 năm nay. Ông đã chiến đấu dũng cảm với căn bệnh đó.
Parkinson có thể làm mất trí nhớ của người bệnh nhưng David Thomas trong lúc bị bệnh vẫn nhớ đến khuôn mặt của những cô gái, em bé Việt Nam.
Triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của ông, ngoài tình yêu Việt Nam, còn là sự phản kháng đối với chiến tranh, tố cáo hậu quả của chất độc da cam đối với người dân Việt Nam. Khi cộng hưởng với các tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam, triển lãm đã thể hiện sức mạnh mạnh mẽ, tính chữa lành và hàn gắn của nghệ thuật.
Bình luận (0)