23 năm hun đúc một tình yêu!

27/08/2018 07:36 GMT+7

Có một câu lạc bộ (CLB) hoạt động suốt 23 năm với mong muốn giúp bạn trẻ trau dồi kỹ năng nghề báo.

Đó là CLB Phóng viên trẻ, trực thuộc Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM. Nơi đây đã hun đúc tình yêu nghề báo cho nhiều thế hệ sinh viên chuyên lẫn không chuyên về báo chí.
Ban đầu khi thành lập, CLB Phóng viên trẻ chỉ dành cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Dần dà nơi đây đã mở rộng và là sân chơi của sinh viên nhiều ngành khác nhau tham gia.
Đều đặn suốt 23 năm, vào mỗi tối thứ sáu hằng tuần, các thành viên CLB sẽ họp, trao đổi với nhau những vấn đề thời sự; báo cáo và bảo vệ đề tài của mình; tìm ra những lỗi sai ở các tin bài mà thành viên đã viết đăng trên các trang thông tin điện tử để khắc phục. Trong một tháng, CLB cũng tổ chức nhiều buổi giao lưu với các nhà báo giúp các thành viên có cơ hội được giải đáp những thắc mắc, trăn trở về nghề.

Phóng viên Lê Phong, cựu chủ nhiệm CLB Phóng viên trẻ, cho biết CLB Phóng viên trẻ là mái nhà thời tuổi trẻ, là bàn đạp để anh vào nghề báo, là nơi anh dồn nhiều tâm huyết nhất khi còn là sinh viên. “CLB giúp tôi có mối quan hệ với các anh chị từng là thành viên cũ, đó là một hướng mở để tôi theo nghề. Ở CLB tôi được học hỏi không ngừng, biết lắng nghe, tích lũy vốn kinh nghiệm nghề nghiệp cho bản thân. Nhờ vậy, tôi rèn được ý chí và trụ vững với nghề lâu dài”, anh Phong chia sẻ.
Với Huỳnh Như Thảo, thành viên CLB, thì kể nếu gặp Thảo hơn một năm trước, sẽ thấy Thảo rụt rè, ít nói và không tự tin vào năng lực của mình. Theo học ngành Báo chí - Truyền thông, một ngành yêu cầu sự năng động, nhanh nhẹn, nhưng điều này trái ngược với tính cách của Thảo. Lúc trước, Thảo không dám bắt chuyện với bạn cùng lớp, chứ huống chi là phải gặp gỡ nhân vật, phỏng vấn những người lạ.
“Thời gian đầu vào CLB, vẫn rụt rè, rất ít khi ý kiến. Mọi người 'gài' mãi thì mình mới mạnh dạn trình bày, khi đó mới biết là mình giàu ý tưởng, chỉ là ngại nói ra...”.
Nhiều thành viên trong CLB này thú nhận từng chẳng biết phân biệt một tin sẽ viết như thế nào, một bài sẽ viết ra sao. Nhưng sau một thời gian trui rèn và được những anh chị đi trước “cầm tay chỉ việc”, họ đã nắm vững lý thuyết lẫn thực hành, và có được nhiều bài viết đăng trên các báo.
Trần Sang Sang, sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM, thành viên CLB, dù học ngành không chuyên báo chí, nhưng rất thích làm báo, vì vậy Sang đã xin vào CLB. “Tất cả những gì mình có về báo chí chỉ là con số 0. Vào CLB, mình phải trực tiếp gặp gỡ nhân vật, tập tành phỏng vấn. Mình được xách ba lô đi tác nghiệp. Đi để viết, để trải nghiệm... Với mình, CLB là cả thanh xuân”, Sang bộc bạch.
Riêng với Cao Khẩm, hiện là phó chủ nhiệm CLB, thì trải lòng: “Ba năm gắn bó, tôi học được nhiều hơn những gì mình mong đợi. Ban đầu, tôi cứ ngỡ viết báo cũng như viết văn. Có lần được giao cho viết một bài phản ánh về rác thải, tôi toàn dùng từ ngữ mỹ miều. Viết tin ngắn sự kiện mà diễn giải thành bài dài thườn thượt”.
Không chỉ đào tạo về chuyên môn, CLB còn là nơi để nhiều bạn trẻ có dịp trải lòng về những khó khăn trong cuộc sống. Có những thành viên, dẫu đã tham gia từ nhiều năm về trước nhưng thường trở về thăm và hỗ trợ CLB khi cần.
Anh Nguyễn Khoa, thành viên năm thứ 14, cho biết thời sinh viên rất khó khăn, có lúc không có mì để ăn, đôi lần không tìm chỗ ở được phải lang bạt. Nhưng được các thành viên CLB giúp đỡ cho ở trọ chung, không tính toán. Thi thoảng anh hay ghé thăm, để nhớ lại tháng ngày bần hàn được mọi người cưu mang, và giúp đỡ CLB.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.