“Con đường trong tim”!
Hàng chục năm gắn bó với công tác y tế miền núi Hà Giang, bác sĩ (BS) Tuấn thông thuộc mọi nẻo đường của tỉnh miền núi này. “Tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình năm 1995, là BS đa khoa, tôi đã chủ động xin lên Hà Giang công tác. Mình lựa chọn nghề nên phải rất cố gắng cùng các đồng nghiệp. Trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 195 xã, phường, thị trấn, tôi đã đi không thiếu xã nào. Các xã này cách TP.Hà Giang từ 170 - 200 km, phần lớn từ trung tâm huyện vào phải đi bộ, đường rất xấu...”, BS Tuấn chia sẻ và cho biết: “Gắn bó lâu năm, nên giờ có nhắm mắt, tôi cũng đánh dấu được sơ đồ tiêm chủng mở rộng (TCMR) ở Hà Giang”.
tin liên quan
Bác sĩ... hậu phương!“Mỗi ngày đi bộ khoảng 20 km, mỗi chuyến kéo dài khoảng 10 ngày, có chuyến lên tới 26 ngày. Để đảm bảo được công việc, ngoài chuẩn bị đầy đủ thuốc phòng chống lao, thuốc da liễu cấp cho bà con khi xuống bản, còn phải mang theo nước uống và ít bánh quy phòng đói”, BS Tuấn nhớ lại.
Năm 1998, khi nhận nhiệm vụ làm công tác TCMR tại Hà Giang, BS Tuấn cùng đồng nghiệp củng cố hệ thống và cơ cở vật chất cho công tác tiêm chủng. Với nỗ lực tiêm chủng, năm 1998 Hà Giang được công nhận thanh toán xong bệnh bại liệt. Sau đó, tiếp tục củng cố về chất lượng tiêm chủng, mở rộng tiêm chủng đến toàn tỉnh với mục tiêu “Xóa xóm trắng về tiêm chủng”. Đến năm 2005 Hà Giang được công nhận đã loại trừ uốn ván sơ sinh.
BS Tuấn chia sẻ, TCMR đã thể hiện lợi ích rất rõ trong bảo vệ sức khỏe người dân. Với uốn ván sơ sinh, mỗi năm giờ chỉ ghi nhận khoảng 2 - 4 ca, trong khi giai đoạn trước, số mắc lên đến hàng chục trường hợp mỗi năm. Đây là bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao.
Nỗ lực đến gần người dân hơn
Lên Hà Giang những ngày này, có thể thấy thiết bị y tế cho tiêm chủng đã đảm bảo. Đặc biệt là sự thuận lợi hơn về đi lại để đến những điểm tiêm chủng, tuy vẫn còn những khúc cua khuỷu tay bên sườn núi, sát mép vực sâu, vẫn lởm chởm đá nhọn và trơn trượt.
BS Tuấn trăn trở: “Công tác tiêm chủng ở Hà Giang vẫn chưa thể hết khó khăn. Bà con còn e ngại rằng tiêm vắc xin cho mẹ mang thai thì khó sinh con; rồi mũi vắc xin “5 trong 1” thường gây phản ứng hơn các mũi tiêm khác, nên bà con gọi là “tiêm mũi sốt”. Vì vậy, cán bộ y tế xã, thôn bản phải rất nỗ lực vận động, nhắc lịch tiêm.
“Chúng tôi đã thành lập hơn 400 điểm tiêm chủng ngoại trạm, tại các thôn bản trên núi, thay vì chờ người dân đến trạm y tế xã tiêm chủng. Vì mưa gió đường xấu, ở xa quá họ không đưa con đi tiêm chủng được”, BS Tuấn cho biết.
Tỷ lệ trẻ TCMR ở tỉnh nghèo miền núi Hà Giang luôn đạt từ trên 90%, nhiều năm không ghi nhận các dịch bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ. 5 năm liên tục không có ca mắc bệnh bạch hầu. 10 năm qua chỉ có 5 trẻ mắc ho gà. Trong khi nhiều nơi, số mắc bệnh sởi tăng cao thì tại Hà Giang các ca bệnh chỉ ghi nhận rải rác.
|
Bình luận (0)