25 năm quan hệ Việt - Mỹ: Từ cựu thù tới đối tác toàn diện

10/07/2020 08:27 GMT+7

Tròn một phần tư thế kỷ Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ (11.7.1995 - 11.7.2020), từ chỗ là cựu thù trong chiến tranh, tới nay, Việt Nam và Mỹ đã trở thành đối tác toàn diện .

25 năm qua là một chằng đường dài với sự nỗ lực từ cả hai phía.

Bình thường hóa quan hệ

Ngày 2.7.1993, sau gần 20 năm thực hiện lệnh cấm vận với Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh kết thúc (30.4.1975), Mỹ tuyên bố không ngăn cản các nước khác cho Việt Nam vay trả nợ tổ chức tài chính quốc tế.
Chưa đầy 1 năm sau, ngày 3.2.1994, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bill Clinton tuyên bố bỏ hoàn toàn cấm vận Việt Nam. Hai nước bắt đầu mở văn phòng liên lạc từ cuối tháng 1.1995. Đây là động thái mở đầu cho việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ.

Ngày 11.7.1995, Tổng thống Mỹ Bil Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam

Ảnh Tư liệu

Ngày 11.7.1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Cùng ngày (sáng 12.7.1995 theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa 2 nước Việt Nam - Mỹ.
Một tháng sau, ngày 5.8.1995, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Warren Christopher và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm ký Nghị định thư, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ.
Cuối năm đó, Việt Nam và Mỹ khai trương đại sứ quán tại Washington D.C và Hà Nội. Tới tháng 7.1997, Việt Nam và Mỹ trao đổi đại sứ lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh. Ông Lê Văn Bàng trở thành Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ và ông Douglas Peterson trở thành Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam.

Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa 2 nước Việt Nam - Mỹ sáng 12.7.1995

Ảnh TTXVN

Vào tháng 10.1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh cùng phu nhân gặp chính thức với Tổng thống Bill Clinton và và phu nhân tại New York trong dịp đến Mỹ tham dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên Hiệp Quốc.
Ông Lê Đức Anh là nguyên thủ nước Việt Nam thống nhất đầu tiên đặt chân đến Mỹ. 3 năm sau, 10.1998, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh đến thăm chính thức Mỹ.
Tới 13.7.2000, Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan và Đại diện Thương mại Mỹ Charlene Barshefsky ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA) tại Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ sau nhiều vòng đàm phán.
Kể từ khi BTA có hiệu lực (ngày 10.12.2001), Mỹ đã áp dụng Quy chế quan hệ thương mại bình thường và Quy chế tối huệ quốc (MFN), giảm mức thuế quan trung bình đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam từ 40% xuống 4%, mở cửa thị trường cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Tháng 9.2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương gặp chính thức Tổng thống Bill Clinton tại New York trong dịp tham dự hội nghị Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc và chính thức mời tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Bill Clinton vào năm 2000

Ảnh TTXVN

Chỉ 2 tháng sau đó, từ 16 - 19.11.2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm chính thức Việt Nam. Ông Bill Clinton là Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Việt Nam sau 25 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc. Đây được đánh giá là chuyến thăm lịch sử, làm chuyển biến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam sau chiến tranh.
Một năm sau chuyến thăm vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton, ngày 4.10.2001, Thượng viện Mỹ thông qua Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ. Sau đó, tân Tổng thống Mỹ George W.Bush cũng phê chuẩn Hiệp định này. 5 năm sau (2006), ông Bush cũng tới thăm Việt Nam khi tham dự hội nghị APEC.

Đối tác toàn diện

Từ 19 - 24.6.2005, Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức Mỹ. Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một Thủ tướng Việt Nam kể từ năm 1975. Trong chuyến thăm này, hai nước ký Thỏa thuận Hợp tác kinh tế và kỹ thuật, cũng như các thỏa thuận về sự phê chuẩn quốc tế, tình báo và hợp tác quân sự.
Thủ tướng Phan Văn Khải cùng với hơn 100 đại diện của khu vực công và tư nhân đến thăm 3 thành phố khác và ký kết nhiều hợp đồng kinh doanh lớn.

Thủ tướng Phan Văn Khải gặp gỡ Tổng thống George Bush trong chuyến thăm chính thức nước Mỹ vào năm 2005

Ảnh TTXVN

Một năm sau, ngày 8.12.2006, Hạ viện Mỹ thông qua luật dành Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam. Dự luật trên sau đó đã được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 9.12.2006.
Tới tháng 6.2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Mỹ và hội kiến với Tổng thống George Bush để thảo luận về hợp tác kinh tế thương mại.
Một năm sau, 6.2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Mỹ theo lời mời của Tổng Thống Mỹ, George W. Bush. Trong hội đàm với các lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều nhận được những tín hiệu tích cực trong việc thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ song phương, đặc biệt là về kinh tế, thương mại, đầu tư và giáo dục, giữa Việt Nam và Mỹ.

Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm lịch sử 7.2013, 2 bên tuyên bố hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.

Ảnh TTXVN

Từ 24 - 26.7.2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Mỹ. Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama tuyên bố hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.
Hai năm sau, từ ngày 7.7.2015 - 11.7.2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ và 40 năm chấm dứt chiến tranh.
Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ của người lãnh đạo cao nhất Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ sau khi kết thúc chiến tranh, đánh một dấu mốc quan trọng mới, mở ra một trang mới trong quan hệ giữa hai nước.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Mỹ B.Obama trong chuyến thăm 2015

Ảnh TTXVN

Từ ngày 22 - 24.5.2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm cấp nhà nước tới Việt Nam. Trong chuyến thăm, Tổng thống Barack Obama tuyên bố Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Obama trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam vào năm 2016

Ảnh TTXVN

Một năm sau, từ ngày 29 - 31.5.2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Mỹ theo lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump. 6 tháng sau, tháng 11.2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm cấp nhà nước tới Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm của ông Trump tới Việt Nam vào năm 2019 để dự hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều

Ảnh TTXVN

Ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam trong năm đầu nhiệm kỳ. 2 năm sau, ông Trump tới Việt Nam lần thứ 2 và có chuyến thăm không chính thức tới Việt Nam để dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2.

“Chất” chiến lược trong quan hệ Việt - Mỹ

Trên nền tảng quan hệ đối tác toàn diện, trong những năm qua, Việt Nam và Mỹ đã có những bước tiến vượt bậc trên nhiều lĩnh vực.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ đang gia tăng nhanh, với tốc độ tăng trưởng khoảng 15%/năm trong 1 thập kỷ gần đây. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - Mỹ năm 2019 đạt mức 75,6 tỉ USD, mức rất cao nếu so với con số 450 triệu USD vào thời điểm hai nước bình thường hoá quan hệ ngoại giao…
Chỉ sau 2 năm BTA có hiệu lực, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam. Cho tới hiện nay, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Ảnh TTXVN

Sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian gần đây đã giúp Việt Nam có bước nhảy vọt từ vị trí thứ 12 lên thứ 9 trong các nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là một trong những thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất khi trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 27 và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ.
Mỹ đã tích cực hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực lực lượng cảnh sát biển, hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế của Việt Nam. Việt Nam, Mỹ cùng các nước tích cực hợp tác duy trì tự do hàng hải và thực thi Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc UNCLOS 1982 tại khu vực Biển Đông. Mỹ cũng tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc chống lại biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nhiều chương trình y tế và sức khỏe tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực giáo dục, tính đến tháng 3.2019, có hơn 30.900 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ. Việt Nam hiện đang đứng đầu trong số các nước ASEAN và đứng thứ 8 trên thế giới về số lượng lưu học sinh học tập tại Mỹ.
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, với những tiến triển trong quan hệ giữa 2 nước Việt Nam - Mỹ, tuy chưa được gọi tên song “chất chiến lược” đã có trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.
Trong trả lời mới đây nhất, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cũng nói, không có thông tin cụ thể về việc bao giờ quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ có một cái tên mới, song “quan hệ thực chất không phụ thuộc vào tên gọi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.