Kỷ niệm về một tờ báo đã 25 năm gắn bó với tôi có biết bao chuyện buồn, vui lẫn lộn.
Tác giả trong một lần trao học bổng Nguyễn Thái Bình cho học sinh Hải Phòng - Ảnh: Phạm Hải Sâm |
Nếu là chuyện vui thì đương nhiên khỏi bàn. Ngay cả chuyện buồn với tôi qua những tai nạn nghề nghiệp, có khi nhẹ thì bị trên khiển trách, khi nặng hơn thì bị cách chức. Tôi chỉ xem đó như những bài học sâu sắc, thấm thía cho mình và cho cả bạn bè, đồng nghiệp.
Tôi vẫn tự hào ngẩng cao đầu mà chào tạm biệt các đồng đội - đồng nghiệp cùng chung một khát vọng, yêu và nâng niu tờ báo mình đeo đuổi gần cả sự nghiệp cho đến trước lúc về hưu. Điều mà với tôi giờ đây cũng sẽ chỉ còn tính theo... tháng!
Được là người của Thanh Niên là một vinh hạnh
Tháng 7.1990, tôi tốt nghiệp hệ dài hạn 2 năm, khóa 15 Học viện Chính trị cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Theo quy hoạch trước khi được anh Hà Quang Dự, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cử đi đào tạo thì mục đích là để tôi quay về phụ trách Tạp chí Thanh Niên của T.Ư Đoàn.
|
Song, sau 2 năm học, khi trở lại cơ quan cũ là Tạp chí Thanh Niên thì lúc đó, chức danh tổng biên tập (TBT) đã được kiện toàn. Tôi đang nghỉ ít bữa, chờ ngày đi làm thì bỗng nhiên anh Lương Ngọc Bộ gọi hỏi thăm địa chỉ và đến nhà tôi chơi cùng anh Trúc Thanh, lúc đó là Vụ phó Vụ Báo chí Ban Tư tưởng Văn hóa T.Ư. Khi đó, anh Bộ được Ban Bí thư T.Ư Đoàn cử về làm TBT Tuần tin Thanh Niên (Báo Thanh Niên bây giờ). Tôi cũng biết anh Bộ đôi chút, tuy không thân, vì trước đó, anh đã là Phó TBT Báo Tiền Phong, là lớp đàn anh nên tôi chỉ "kính nhi viễn chi". Anh về là để tăng cường một năm cho báo, chờ anh Nguyễn Công Khế, phó TBT dành thời gian đi học tại Học viện Chính trị cao cấp Nguyễn Ái Quốc, khi xong rồi thì trên mới bổ nhiệm TBT.
Anh Bộ “ướm” tôi có muốn về Tuần tin Thanh Niên không thì để anh sẽ trao đổi với Ban Biên tập rồi báo cáo Ban Bí thư T.Ư Đoàn. Sau đó, anh còn hẹn sẽ quay lại nhà tôi lần nữa trong một ngày gần nhất cùng anh Đặng Thanh Tịnh, Phó TBT khi hai anh ra Hà Nội.
Trước khi về Tuần tin Thanh Niên, tôi đã mê tờ này bởi hai lẽ: tuy mới nhưng tính chiến đấu rất cao, nổi đình nổi đám nhất hồi đó có lẽ bắt đầu từ câu chuyện Nguyễn Mạnh Huy ở Bình Định không được vào đại học chỉ vì lý lịch có người cha tham gia chế độ cũ. Báo đã đấu tranh tới cùng để bảo vệ cho số phận của biết bao bạn trẻ cùng có lý lịch như vậy mà đâm thiệt thòi. Báo đã thành công ở chỗ sau đó, Đảng, Nhà nước ta đã có cái nhìn mới hơn, công bằng hơn trong tuyển sinh đại học. Tiếp theo là việc báo kiên trì điều tra, phanh phui đến tận cùng vụ buôn lậu của Bỉnh Họt chở hàng từ nước ngoài vào VN. Họ được một số quan chức địa phương ở tỉnh Kiên Giang hậu thuẫn, gây thất thoát thuế ghê gớm cho nhà nước. Cuối cùng, hàng loạt quan chức nhà nước đã chịu tội trước pháp luật. Và, điều nữa, về hình thức trình bày tờ báo thì khá hiện đại vào thời điểm đó, có thể nói là rất bắt mắt...
Song, tôi cũng không bao giờ nghĩ mình lại có cái may mắn đó, bởi tôi biết, tờ Thanh Niên có trụ sở lại ở TP.HCM. Bên cạnh đó, việc phân công tôi sau khi ra trường sẽ do tổ chức quyết, mình chỉ biết phục tùng chứ đâu dám kén chọn. Tôi tuy về Tạp chí Thanh Niên từ năm 1978 nhưng sau đó đi nghĩa vụ quân sự rồi làm tuyên huấn, riêng làm báo đã là 6 năm trong tổng số 9 năm phục vụ quân đội. Khi chuyển ngành, đã mang quân hàm đại úy nên “chất lính" trong tôi còn khá đậm, lại chẳng thích quan hệ với cấp trên để mà nhờ vả để được quan tâm cho mình chuyện đi đâu, về đâu và làm gì...
Anh Lương Ngọc Bộ và anh Đặng Thanh Tịnh tại cuộc gặp lần sau đó đã chính thức đặt vấn đề sẽ xin T.Ư Đoàn chuyển tôi về Tuần tin Thanh Niên. Trước mắt, nếu đồng ý thì làm trưởng văn phòng đại diện tại các tỉnh phía bắc. Nếu làm được thì sau một thời gian thử thách nữa, sẽ xem xét bổ nhiệm tôi ở cương vị phó TBT.
Có một chuyện thú vị mà sau này tôi mới biết. Đó là các anh trong Ban Biên tập đều có báo cáo xin ý kiến Ban Tổ chức T.Ư Đoàn và Ban Bí thư T.Ư Đoàn cho phép thành lập văn phòng đại diện của báo ở phía bắc. Lãnh đạo đồng ý và ủng hộ hoàn toàn để tôi chuyển về Tuần tin Thanh Niên. Bởi thế mới có chuyện vui: lương của tôi thì vẫn đến nhận tại Tạp chí Thanh Niên theo kỳ hạn nhưng do vẫn trong ngày được nghỉ phép, chờ tổ chức ra quyết định, tôi đã nhận “lệnh” Ban Biên tập Tuần tin Thanh Niên về trụ sở vừa được các anh thuê, đặt văn phòng tại 139 Mai Hắc Đế, Hà Nội hoạt động. Sau đó, chúng tôi lẳng lặng mua sắm bàn ghế, máy đánh chữ... cho văn phòng mà không dám làm lễ khai trương gì, dù cũng có trương biển văn phòng hoành tráng.
Sau khi nhận quyết định điều chuyển công tác, Văn phòng Hà Nội khi đó vỏn vẹn có 3 người (2 người làm đủ thứ việc: từ trực văn phòng, kế toán, thủ quỹ, văn thư, đánh máy bài vở đến phát hành báo). Chỉ mình tôi kiêm luôn phóng viên và có lúc cũng kiêm luôn phát hành báo.
Sau đó, văn phòng có thêm anh Nguyễn Tiến Thanh (hiện là TBT Báo Đời sống Pháp luật). Khi đó, anh Thanh vừa ra trường, lại được giữ lại Khoa Văn, Đại học Tổng hợp làm giảng viên. Tôi tìm và mời anh Thanh về làm phóng viên. Anh vui vẻ nhận lời. Một thời gian sau mới biết, anh Tiến Thanh vẫn tiếp tục giảng dạy tại khoa văn, chưa dứt hẳn ra. Anh ấy cũng thật lòng bảo rằng: "Vì báo ra 1 tuần/kỳ nên em thấy chẳng có vất vả gì. Em điều chỉnh được về thời gian và chất lượng bài vở sẽ đảm bảo...".
Tôi không chịu và thuyết phục Tiến Thanh nên về hẳn chứ không chấp nhận làm hai nơi. Và anh ấy cũng vui vẻ thực hiện, chung sức xây dựng văn phòng ngày một ổn định, nề nếp hơn.
Mới năm nào, văn phòng tại Hà Nội chỉ có 3 - 4 người, ấn phẩm mới chỉ là 1 số báo/tuần. Nay, với tính chất là tòa soạn chứ không còn chỉ là một văn phòng đại diện, chúng tôi đã có trên năm chục CB, PV, trải dài ở nhiều tỉnh, thành miền Bắc.
Những phần thưởng của chúng tôi
Từ chỗ báo được chuyển bằng đường sắt (khi 1 số/tuần), đến khi ra 2 kỳ/tuần, buộc chúng tôi phải ra phim rồi chuyển ống bằng máy bay ra để in tại thủ đô cùng giờ. Từ chỗ số lượng chỉ dưới 1.000 tờ/kỳ cho cả Hà Nội, sau này, khi đổi tên là Báo Thanh Niên và ra thành nhật báo, đã có lần số lượng in ở Hà Nội vọt tới 73.000 tờ/kỳ. Ngày mà báo phát hành với số lượng đó, ngay cả tôi cũng không tin vì sợ bạn phụ trách phát hành nói nhầm.
Từ chỗ là tờ báo ra 1 số/tuần với tên gọi Tuần tin Thanh Niên (1986 - 1992), rồi bỏ đi 2 chữ "Tuần tin" và cứ dần dần được tăng kỳ xuất bản. Đến năm 2002, Thanh Niên đã ra phủ kín 7 số/tuần. Đó cũng là niềm vui khôn tả của tập thể Báo Thanh Niên. Một lần, khi nói chuyện với anh Nguyễn Công Khế, lúc đó đang là TBT, tôi đề xuất anh cho làm hồ sơ xin Huân chương Lao động cho báo, anh nói vui nhưng mà rất thật: "Tôi không quan tâm chuyện đó lắm đâu. Ông ở ngoài đó, cần bám riết, chờ có cơ hội thì xin ra nhật báo. Bao giờ mà các ông ấy cho mình ra nhật báo thì đó chính là huân chương cao nhất mà tôi muốn có".
Bình luận (0)