26 năm đi đòi đất nền chợ

15/07/2020 09:14 GMT+7

26 năm trước, người dân ở xã Viên An Đông (H.Ngọc Hiển, Cà Mau) nộp tiền cho Ban Quản lý chợ dân sinh Xẻo Lá để san lấp mặt bằng với hứa hẹn sẽ được nhận nền.

Nhưng việc xây chợ sau đó không thực hiện. 123 hộ dân gửi đơn yêu cầu đòi lại phần nền được hứa phân chia trước đây...

Sạt lở xuống sông gần hết

Ngày 14.7, ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND H.Ngọc Hiển (Cà Mau), xác nhận với PV Thanh Niên, UBND tỉnh đã cho ý kiến đề nghị huyện xuất ngân sách thanh toán phần tiền cho người dân nộp từ 26 năm trước (năm 1994) để san lấp mặt bằng xây chợ, nhưng huyện chưa tìm được nguồn. Trước đó, ngày 25.6, khi trao đổi với PV Thanh Niên về vụ việc này, ông Tiến thông tin: “Do quá lâu nên huyện đang tìm ra những người có chứng từ, chứng cứ của vụ việc. Huyện không còn bất cứ hồ sơ chứng từ lưu nào hết. Người quản lý chợ khi đó đến nay đã chết hết. Phải làm lại từ đầu”.
Theo lời ông Tiến, khu vực xây dựng chợ dân sinh Xẻo Lá đã bị sạt lở xuống sông gần hết. “Giờ còn một phần đường giao thông. Thời điểm đó, người dân nộp tiền cho ban quản lý (BQL) chợ để san lấp nền. Sau thời gian san lấp dân cũng không ra đó, họ bỏ luôn, đến khi làm đường xong thì họ ra đòi. Họ nói hồi đó hứa cấp cho cái nền, giờ họ đòi lại”, ông Tiến nói.

Đề xuất trả 4 triệu đồng/hộ

Sau khi 123 hộ gửi đơn yêu cầu (trong đó có 5 hộ được cử đại diện) đòi lại nền chợ, UBND tỉnh Cà Mau có văn bản chỉ đạo và giao UBND H.Ngọc Hiển thành lập đoàn thanh tra xem xét, giải quyết.
Theo báo cáo của tổ công tác UBND H.Ngọc Hiển, lúc đầu chợ gồm có 120 nền (chia làm 2 dãy, mỗi dãy 60 nền), sau đó phát sinh thêm 80 nền, mỗi nền 4,5 x 16 m, tương ứng 72 m2.
Mỗi hộ nộp 300.000 đồng/nền vào thời điểm năm 1994, nhưng chỉ vài hộ còn biên lai thu tiền, đa số đã bị thất lạc. Theo chứng cứ thu thập được, có 117/120 hộ đã nộp tiền cho BQL chợ với tổng số tiền 35,1 triệu đồng. Riêng đối với 80 hộ phát sinh, do không còn giữ biên lai thu tiền nên tổ công tác không xác định được số tiền đã nộp và người trực tiếp thu tiền thời điểm đó cũng đã qua đời. Đến nay do khu vực này điều kiện giao thông đã thuận lợi hơn trước: có đường cấp 6 đồng bằng, có trường học... nên các hộ dân làm đơn yêu cầu đòi phần nền đã được phân chia theo quy hoạch.
UBND H.Ngọc Hiển xin chủ trương của UBND tỉnh Cà Mau hỗ trợ để chi trả tiền cho 200 hộ dân đã nộp cho BQL chợ Xẻo Lá, mỗi hộ khoảng hơn 4 triệu đồng, tương đương tổng số tiền gần 1 tỉ đồng.
Ngày 11.5.2020, Sở Tài chính Cà Mau thống nhất đề xuất UBND tỉnh là chấp thuận đối tượng đóng góp san lấp mặt bằng theo hồ sơ ban đầu là 120 hộ. Đối với 80 hộ phát sinh không có hóa đơn, chứng từ, phải xác minh rõ trước khi chi trả. “UBND H.Ngọc Hiển cần thống nhất số tiền chi trả dứt điểm cho dân một lần để không phát sinh thắc mắc về sau và cân đối nguồn ngân sách cấp huyện để chi trả cho các hộ dân. Vì vấn đề này thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND H.Ngọc Hiển”, văn bản nêu rõ.
Sau khi UBND tỉnh cho ý kiến đề nghị huyện xuất ngân sách chi trả tiền cho người dân, bên cạnh việc huyện chưa tìm được nguồn thì theo ông Tiến người dân cũng không chịu nhận bằng tiền. 
Ngày 17.8.1994, UBND H.Ngọc Hiển (sau này tách ra là H.Năm Căn và H.Ngọc Hiển) ban hành Quyết định số 246/QĐ.UB về việc giao mặt bằng và quyền quản lý sử dụng đất cho UBND xã Viên An Đông và Lâm ngư trường Tắc Biển (nay là BQL rừng phòng hộ Nhưng Miên) để triển khai xây dựng chợ Xẻo Lá. Sau khi được sự thống nhất của huyện và xã Viên An Đông, Lâm ngư trường Tắc Biển tiến hành lập phương án xây dựng khu chợ và thành lập BQL chợ dân sinh Xẻo Lá, nhưng sau đó không thực hiện được, dù người dân đã đóng tiền san lấp mặt bằng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.