Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, qua 30 năm phát triển kinh tế thị trường, tỷ lệ đọc sách của người dân Việt Nam ngày càng giảm đi.
Một khảo sát quốc tế năm 2016 cho thấy người Việt Nam đọc sách ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực, chỉ có 30% người Việt đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng mới đọc sách, và 26% hoàn toàn không đọc sách. Trong khi người Ấn Độ đọc gần 11 giờ/tuần, người Đài Loan đọc 5 giờ/tuần, người Nhật Bản đọc 4giờ/tuần, Hàn Quốc 3 giờ/tuần,… thì người Việt Nam trung bình đọc chưa tới 1 giờ/tuần.
Hiện người Việt thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới mỗi năm, nhưng trong đó 2,3 cuốn là sách giáo khoa, đồng nghĩa mỗi người mỗi năm chỉ thực sự thụ hưởng gần 2 cuốn sách mỗi năm.
Theo ông Hùng, đây là tỉ lệ rất thấp trên thế giới. Malaysia là một nước gần Việt Nam, nhưng mỗi người dân trung bình được thụ hưởng 12 cuốn sách mỗi năm, gấp 4 lần Việt Nam.
Chấn hưng văn hóa đọc
Thậm chí, một số quốc gia còn có luật liên quan đến văn hóa đọc, như Nhật Bản có luật Chấn hưng văn hóa đọc và luật Khuyến khích hoạt động đọc sách ở trẻ em.
“Ham đọc sách để chấn hứng văn hóa đọc của người dân Việt Nam, để mỗi người dân Việt Nam đều học cả đời, đọc sách cả đời... Chấn hưng văn hóa đọc cũng chính là chấn hưng cái gốc của một dân tộc", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
|
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định sự hiếu học là điều vô cùng quý giá với từng người, gia đình, cộng đồng, dân tộc…
Phó thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn những người có tấm lòng đã cống hiến thầm lặng gây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng những năm qua, giúp văn hóa đọc có bước phát triển rất đáng mừng như sách đã đến nhiều vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
"Nếu công chức dành thời gian để đọc, trước tiên là đọc văn bản rồi đọc sách, thì công việc của họ sẽ có được kết quả tốt hơn nhiều", Phó thủ tướng nói, và cho rằng công chức nhà nước đang còn rất lười đọc, ngay cả đọc văn bản liên quan tới công việc của mình.
Sau quyết định ra đời Ngày sách Việt Nam năm 2014 của Chính phủ, 5 năm qua, số cuốn sách tăng 22%, số bản sách tăng 55%...
Bộ Thông tin - Truyền thông tiếp tục đặt mục tiêu 5 năm tới phải đưa số cuốn sách tăng 50%, số bản sách tăng 100%. Đồng thời, sẽ có nhiều cơ chế chính sách mới để chấn hưng văn hóa đọc Việt Nam như giải thưởng sách quốc gia sẽ được đổi mới, quy mô lớn hơn, thu hút sự quan tâm của xã hội.
|
Bình luận (0)