Nhiếp ảnh gia Đỗ Anh Tuấn sinh năm 1952 tại Hà Nội. Trong suốt hành trình 40 năm sự nghiệp, Đỗ Anh Tuấn có nhiều tác phẩm ảnh tài liệu quý giá và gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể như: đạt 2 giải thưởng cao quý Milk Photos tại New York (Mỹ) vào tháng 9.2001, huy chương vàng lần thứ I Ảnh quốc tế triển lãm tại Việt Nam vào năm 1996...
Hơi thở trong khao khát và mong muốn của Đỗ Anh Tuấn không chỉ mang tính sinh học để duy trì sự sống mà là sự giao cảm ẩn chứa nội dung giữa người chụp, đối tượng được chụp và người xem.
Hai năm gần đây, vạn vật trong đôi mắt của Đỗ Anh Tuấn chỉ còn là một màu đen vô tận. Sự cố nghiệt ngã này làm cho cái gọi là "hơi thở" trong nghệ sĩ ngày càng bừng lên, xôn xao và thèm khát. Ông không muốn bị rơi vào lãng quên hay là một người mù ngồi chờ chết.
Triển lãm Hơi thở bao gồm 27 tác phẩm phóng khổ lớn và một số tác phẩm cỡ vừa và nhỏ. Các tác phẩm chủ yếu xoay quanh hai thể loại: ảnh đường phố và ảnh khỏa thân nghệ thuật.
Giới chuyên môn luôn dành những sự quan tâm đặc biệt và nhận định rằng hình ảnh của nhiếp ảnh gia Đỗ Anh Tuấn luôn được thể hiện một cách sâu sắc, hoa mỹ và đầy ý niệm.
Nhiếp ảnh gia Đỗ Anh Tuấn luôn tìm cách thích nghi với cuộc sống mới. Nhờ cách xây dựng ý tưởng và định hình bức ảnh trong trí tưởng tượng trước khi bấm máy mà đồng nghiệp đặt cho ông biệt danh "người chụp ảnh bằng đầu".
Trước khi chụp ảnh, ông sẽ chuẩn bị sẵn những ý tưởng, bố cục để khi bước vào công đoạn thực hiện sẽ trình bày ra. Đôi khi, ông lấy giấy vẽ nguệch ngoạc những hình ảnh một cách tương đối. Bằng sự sáng tạo không ngừng cùng sự giúp đỡ của học trò, những tác phẩm nghệ thuật hoàn thiện đã được ra đời.
Nhiếp ảnh không phải là trò chơi vô thưởng, vô phạt
Nhiếp ảnh gia Đỗ Anh Tuấn không xem nhiếp ảnh là một nghề kiếm sống mà chính là một sự nghiệp cần phải cố gắng, nỗ lực đeo đuổi. Bằng tất cả sự nhiệt huyết, đam mê, ông luôn tìm cách làm mới các bức ảnh của mình, với mong muốn những tác phẩm đó sẽ tác động, truyền tải những điều tích cực đến cộng đồng, giúp đời sống xã hội thêm văn minh, nghệ thuật.
Viết về nhiếp ảnh gia Đỗ Anh Tuấn, nhà phê bình mỹ thuật Phạm Long bình luận: "Biết nghịch máy ảnh từ năm 14 tuổi, cuộc lãng du của Đỗ Anh Tuấn trong thế giới ảnh ngót 60 năm qua quả là cuộc trải nghiệm nhìn ra thế giới xung quanh và cảm về đời sống bên trong mình.
Không chạy theo chủ nghĩa hình thức, lối chụp của ông rất đa dạng, đa phong cách nhưng vẫn chặt chẽ về ý niệm. Không tự trói mình vào ý định chụp cái gì mà là chụp để nói lên điều gì, quan điểm thực hành nhiếp ảnh của ông thật gần gũi với Ansel Adams: "Một bức ảnh không phải là một sự tình cờ - nó là một ý niệm".
Ông Lưu Quang Anh, Phó trưởng ban Lý luận phê bình (Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam), người từng có thời gian gắn bó với nhiếp ảnh gia Đỗ Anh Tuấn, chia sẻ nói đến Đỗ Anh Tuấn, người ta biết đến một nhà nhiếp ảnh toàn diện với sự hiểu biết sâu sắc về kỹ thuật cơ bản, kiểm soát tốt thiết bị đến tay nghề tráng phim, làm ảnh đen trắng trong buồng tối.
Đỗ Anh Tuấn cũng là một trong số ít người ở Hà Nội từng mở một gallery bán ảnh giữa phố Tràng Tiền sang trọng, bên trong bày toàn những cực phẩm đen trắng của anh. Dưới góc độ lý luận, phê bình, Đỗ Anh Tuấn tinh thông các trường phái nhiếp ảnh nghệ thuật Đông - Tây, cũng như hiểu biết đầy đủ về ảnh báo chí, có khả năng phân tích, bình luận và viết lách như những nhà báo chuyên nghiệp. Anh cũng là một audiophile, nhưng âm thanh với anh không phải là đích đến mà là phương tiện giúp anh nghe nhạc một cách có nghề.
"Đỗ Anh Tuấn cũng đọc nhiều. Đó là những hiểu biết đáng giá của một nhà nhiếp ảnh, cái mà rất nhiều người được gọi hoặc tự nhận là nghệ sĩ hoặc nhiếp ảnh gia ngày nay không thể chạm tới, dù họ có thể đoạt nhiều giải thưởng", ông Lưu Quang Anh bày tỏ.
Đậm chất lãng tử tài hoa, song với Đỗ Anh Tuấn, nhiếp ảnh không phải là trò chơi vô thưởng, vô phạt mà là một số phận được chọn. Hẳn vì thế nên ông cũng luôn nhắn nhủ học trò: "Có một thứ mà nhiếp ảnh gia phải khắc cốt ghi tâm, đó là cái nhân bản của khoảnh khắc bấm máy".
Đấy không phải là tuyên ngôn của "một nhà đạo đức học của những khuôn hình", mà chỉ đơn giản là ông tâm niệm nguyên tắc "chụp" bằng con mắt nội tâm, hay nói đúng hơn, cần biết phân tích sự vật tinh tế, sâu sắc nhưng không kém phần dí dỏm, ý nhị.
Bình luận (0)