293 người thương vong vì cháy, nổ trong năm 2023

05/01/2024 17:57 GMT+7

Trong năm 2023, toàn quốc xảy ra 3.456 vụ cháy, nổ khiến 157 người chết và 136 người bị thương; thiệt hại tài sản ước tính 878 tỉ đồng.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C07) Bộ Công an, trong năm 2023, toàn quốc xảy ra 3.440 vụ cháy, làm chết 146 người, bị thương 109 người; xảy ra 16 vụ nổ, làm 11 người chết và 27 người bị thương. Thiệt hại tài sản ước tính 878 tỉ đồng và 236 ha rừng.

293 người thương vong vì cháy, nổ trong năm 2023- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng đưa thi thể ra khỏi đám cháy chung cư mini ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội)

TRẦN CƯỜNG

So với năm 2022, số vụ cháy tăng 206 vụ, tăng 27 người chết và tăng 19 người bị thương; số vụ nổ giảm 2 vụ, giảm 2 người bị thương và tăng 1 người chết. Thiệt hại về tài sản tăng 244 tỉ đồng.

Trong số các vụ cháy, 2.105 vụ xảy ra ở thành thị, 1.335 vụ xảy ra ở nông thôn. Trong đó, cháy nhà dân vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, với 1.016 vụ.

Về nguyên nhân, lực lượng chức năng xác định, có 1.345 vụ do sự cố hệ thống, thiết bị điện; 340 vụ do sơ xuất, bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt.

Theo C07, trong năm 2023, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ công an các địa phương đã xuất 11.383 lượt phương tiện và 65.198 lượt cán bộ chiến sĩ tổ chức chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn 2.096/3.456 vụ cháy, nổ (số còn lại được lực lượng tại chỗ và nhân dân tổ chức ứng cứu).

Tổ chức hướng dẫn thoát nạn và trực tiếp cứu được 593 người; tìm kiếm được 157 thi thể nạn nhân trong các vụ cháy, nổ; bảo vệ tài sản trị giá hàng nghìn tỉ đồng và cứu được tài sản trị giá khoảng 353 tỉ đồng trong các vụ cháy...

Còn buông lỏng quản lý

Theo C07, tình hình cháy, nổ vẫn đang diễn biến phức tạp, cháy lớn và thiệt hại nghiêm trọng xảy ra chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều khu công nghiệp, tập trung tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy.

Nguyên nhân của tình trạng này do nhiều địa phương, nhất là tại các đô thị lớn, các hộ gia đình tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở sang nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh mà chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước.

Một số chủ đầu tư vẫn không chấp hành những quy định về phòng cháy, chữa cháy, còn nhiều công trình chưa được cấp văn bản nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào sử dụng.

Một số nơi còn tình trạng buông lỏng quản lý, nhất là quản lý đối với hoạt động xây dựng dẫn đến tình trạng xây dựng không phép, sai phép, trái phép xảy ra ở nhiều địa bàn, nhất là các thành phố lớn có mật độ xây dựng cao...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.