Liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC), đến nay đã có 25 bị cáo, trong đó có cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, gửi đơn kháng cáo, đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm.
Trong số này, bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, kháng cáo xin giảm nhẹ cả về mức hình phạt và trách nhiệm dân sự. Hai em gái của ông Quyết là các bị cáo Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga đều kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và dân sự.
3 anh em ông Trịnh Văn Quyết kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt
Nhiều bị cáo khác cũng có nội dung kháng cáo tương tự, với mong muốn cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho mình, gồm: Trịnh Văn Đại (cựu Phó tổng giám đốc Công ty CP xây dựng FLC Faros), Hương Trần Kiều Dung (cựu Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC), Trầm Tuấn Vũ (cựu Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM - HOSE)…
Ngoài các bị cáo, một số bị hại cũng làm đơn kháng cáo đề nghị xác định lại số tiền bồi thường và xem xét lại một số nội dung trong bản án sơ thẩm đã tuyên.
Hồi tháng 8.2024, TAND TP.Hà Nội xét xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Trịnh Văn Quyết 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 năm tù về tội thao túng thị trường chứng khoán. Tổng hợp hình phạt là 21 năm tù.
Cùng tội danh, 2 em gái của ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế, cựu cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC và Trịnh Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán BOS, lần lượt bị tuyên 14 năm tù và 8 năm tù.
Theo cáo buộc, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã thực hiện thao túng 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, thu lợi bất chính hơn 723 tỉ đồng.
Ông Quyết còn chỉ đạo cấp dưới nâng khống vốn Công ty CP xây dựng FLC Faros (Công ty Faros), đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán HOSE, sau đó bán cho nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng.
Tính riêng cá nhân, ông Trịnh Văn Quyết chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền chiếm đoạt và thu lợi bất chính hơn 4.300 tỉ đồng.
Bình luận (0)