Có 3 bài tập quan trọng mà mọi người nên làm để tránh các triệu chứng tiểu đường, theo Express.
Bệnh tiểu đường là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người bệnh.
Người bệnh tiểu đường hoặc người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nên đưa một số bài tập vào chương trình tập luyện của mình, tiến sĩ Sara Kayat, bác sĩ từ phòng khám Gray’s Inn Medical Practice (Anh), đã tiết lộ.
Bệnh tiểu đường là do lượng đường trong máu trở nên quá cao. Và khoảng 90% trường hợp tiểu đường là loại 2, trong đó hoóc môn insulin không hoạt động chính xác hoặc tuyến tụy không thể sản xuất đủ insulin.
Tuy nhiên, tập thể dục thường xuyên có thể giúp ổn định lượng đường trong máu. Duy trì vận động là rất quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường, vì nó giúp cơ thể sử dụng carbohydrate hiệu quả hơn, theo Express.
Ba bài tập quan trọng dành cho người bệnh tiểu đường
Tiến sĩ Sara cho biết người bị tiểu đường nên kết hợp 3 loại bài tập khác nhau.
Đó là các bài tập tim mạch, bài tập rèn luyện sức mạnh và các bài tập căng duỗi.
Bài tập tim mạch: Bao gồm nhảy dây, khiêu vũ, đi bộ, chaỵ bộ, đạp xe.
Bài tập rèn luyện sức mạnh: Bao gồm nâng tạ, hít đất, ngồi xổm (squat), chùng chân (lunge).
|
Bài tập căng duỗi: Yoga, pilates...
Người bệnh tiểu đường nên đưa cả 3 loại bài tập này vào chương trình tập luyện của mình.
Đảm bảo kết hợp cả ba, thay vì dành hết thời gian cho một bộ môn.
Ví dụ, chỉ tập trung vào tập luyện sức bền sẽ làm tăng nguy cơ chấn thương, điều này sẽ làm cản trở việc tập luyện trong lâu dài.
Tiến sĩ Sara giải thích rằng, tập thể dục giúp ổn định lượng đường trong máu. Nó giúp thúc đẩy insulin hoạt động tốt, nhưng nó cũng sử dụng hết nguồn năng lượng dự trữ.
Điều thực sự quan trọng đối với người mắc bệnh tiểu đường loại 2 là cần thực hiện nhiều loại bài tập khác nhau, tiến sĩ Sara nhấn mạnh.
Người bệnh tiểu đường nào cũng vậy, cần tập luyện tốt cho tim mạch, nhưng cũng cần phải tăng cường cơ bắp, đồng thời thực hiện các loại bài tập căng duỗi, như yoga và pilates.
Điều quan trọng là phải đảm bảo hoạt động tổng thể, thay vì chỉ tập trung vào một bài tập vì người bệnh có thể bị chấn thương nếu chỉ tập trung vào một bài tập.
Mọi người nên đặt mục tiêu tập thể dục 150 phút mỗi tuần.
Người bệnh có thể đưa việc tập thể dục vào lịch trình hằng ngày của mình.
Bất cứ thứ gì làm tăng nhịp tim và giúp cơ thể vận động đều có thể được tính vào mục tiêu 150 phút. Có thể là đi bộ với tốc độ nhanh hoặc đơn giản là làm vườn, theo Express.
Bình luận (0)