Đó là một trong những hạn chế của công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) được các đại biểu (ĐB) chỉ ra và đại diện Chính phủ cũng thừa nhận, khi Quốc hội (QH) dành cả ngày 5.6 để thảo luận tại hội trường về báo cáo giám sát công tác này.
Mấu chốt vẫn là tổ chức thực hiện
|
Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan đặt câu hỏi: Vì sao những tồn tại trong vấn đề này đã được thấy rõ mà vẫn dai dẳng, trong khi thực phẩm là vấn đề kỹ thuật, các nước cùng hoàn cảnh như chúng ta song vấn đề của họ không đáng báo động? "Trong quản lý nhà nước, trước khi có luật ATTP năm 2010 thì ta chia theo chiều ngang, cắt khúc cho 3 bộ. Đến nay đã quy định theo chiều dọc, ai chịu trách nhiệm thì từ đầu đến cuối, theo nhóm ngành hàng, nhưng thực tế vẫn cắt ngang, nên có nhiều khoảng trống", bà Lan nói.
ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) cũng chỉ ra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước cắt khúc, phân đoạn trong chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, tạo nhiều khoảng trống chưa được xử lý có hiệu quả, cuối cùng vẫn là thực phẩm không an toàn và người dân phải chịu hậu quả. ĐB này đề nghị việc phòng chống thực phẩm không an toàn cần có một cơ quan thực sự giữ vai trò nhạc trưởng điều hành, phối hợp giữa các cơ quan liên quan.
Một ví dụ rõ nét cho nhận định này là câu chuyện quản lý một sợi bún được ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) chỉ rõ: Bột gạo, nguyên liệu làm bún thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ NN-PTNT, sản phẩm tinh bột thì thuộc Bộ Công thương. Trong khi sản phẩm bún bán trên thị trường, nếu chứa chất tinopal gây hậu quả cho người tiêu dùng thì thuộc Bộ Y tế. Tương tự với chiếc bánh trung thu: nhãn bánh, bao bì do Bộ Công thương quản lý; nhân bánh (trứng) thì thuộc Bộ NN-PTNT và các chất phụ gia là của Bộ Y tế. Do đó, các ĐB đề nghị không nên để 3 bộ cùng quản lý mà thu về một đầu mối duy nhất.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) kiến nghị cần một đơn vị độc lập, có chức năng quản lý xuyên suốt chuỗi thực phẩm thì mới có đủ năng lực pháp lý. Tranh luận với các ý kiến cho rằng không nên có thêm một tổ chức mới vì sẽ làm phình bộ máy, thêm biên chế, theo ông Hiếu, thành phần thực chất sẽ là các chuyên viên đến từ 3 bộ được giao quản lý ATTP, giờ được điều chuyển về một đơn vị nên không thể nói làm tăng biên chế. "Ngược lại, nó có thể giảm biên chế do loại bỏ sự chồng chéo trùng hợp một số vị trí mà 3 bộ cùng tiến hành", ĐB Hiếu phân tích và dẫn câu chuyện ô nhiễm nguồn nước do thạch tín gây ra, ông Hiếu cho rằng để xử lý vấn đề này cần các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, nông nghiệp, khoa học hội tụ trong một tổ chức độc lập để có khả năng tham vấn cho Chính phủ nhằm đưa ra những chính sách tốt nhất. "Đây cũng là mô hình mà nước Mỹ áp dụng trong quản lý thuốc và thực phẩm", ông nói thêm.
Giải trình vấn đề, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết cùng với giám sát của QH, Chính phủ đã đề nghị các tổ chức quốc tế có những nghiên cứu độc lập. Ông Đam cho hay, cùng lúc với QH hoàn thiện báo cáo giám sát thì Ngân hàng Thế giới (WB) cũng vừa hoàn thiện báo cáo. "Đáng mừng là nội dung đánh giá thực trạng, nguyên nhân yếu kém, đề xuất giải pháp cơ bản giống nhau. Ví dụ về quy định luật pháp, WB nhận định hệ thống pháp luật của VN đi đầu trong khu vực về hiện đại và tiếp cận đúng xu thế, vấn đề là tổ chức thực hiện", Phó thủ tướng nói. "Quy định trong quản lý, chúng ta đã chuyển từ cắt ngang sang dọc nhưng trong thực hiện vẫn còn thực tế là phân khúc, tức là thực hiện chưa tốt", Phó thủ tướng thừa nhận.
Về các ý kiến cho rằng cần một tổ chức bộ máy mới để quản lý, theo Phó thủ tướng, các nước cũng như VN đều giao từng việc một cho từng bộ ngành. "Có điều cơ chế điều phối chung của ta nhiều nơi nhiều lúc chưa tốt, không chỉ với ATTP mà các vấn đề khác cũng vậy. Khi các bộ cử người tham gia thì rõ tên rõ người nhưng thực tế là có cán bộ phụ trách nhiều việc. Bên cạnh đó, phần lớn các ban chỉ đạo hoạt động chủ yếu ở một số cơ quan thường trực", ông Đam lý giải thêm.
Phải chỉ rõ trách nhiệm
Trước đó, dù đồng tình cơ bản với báo cáo về những đánh giá về thực trạng, nguyên nhân của yếu kém, song không ít ĐB lại cho rằng phần nhìn nhận trách nhiệm cụ thể chưa rõ nét.
ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng: Báo cáo không thể nói chung chung 3 bộ có nơi có lúc làm chưa tốt công tác quản lý nhà nước. Trong khi đó, ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm người đứng đầu không tổ chức quyết liệt, để xảy ra nhiều sự cố về ATTP. "Bệnh đã chẩn, thuốc đã được kê nhưng liệu bệnh tình rồi có giảm, tình trạng mất ATTP có được ngăn chặn hay không", ông Diến hoài nghi và yêu cầu Chính phủ hằng năm phải báo cáo với QH, còn các địa phương báo cáo HĐND về tổ chức thực hiện.
Tương tự, theo ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), báo cáo đã nêu một nội dung rất quan trọng là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong ATTP, đặc biệt trước hết là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, ĐB Cường cho rằng việc nêu trách nhiệm này còn chung chung, tình trạng này có trách nhiệm của cả 3 bộ: Y tế, NN-PTTN, Công thương. "Báo cáo không nêu rõ phạm vi, trách nhiệm của mỗi bộ đối với các hạn chế này đến đâu, yếu kém của bộ nào là chính. Còn UBND các cấp có trách nhiệm chính tại địa phương, vậy địa phương nào làm tốt, địa phương nào chưa làm tốt. Nếu chúng ta không chỉ rõ địa chỉ và không làm rõ trách nhiệm, bộ, ngành nào của địa phương nào chưa làm tốt thì sẽ khó cải thiện được tình trạng này trong tương lai”, ĐB Cường nhấn mạnh.
Người tiêu dùng phải thông thái ?!
Một trong những giải pháp mà ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng quan trọng nhất để giải quyết vấn đề là xây dựng xã hội người tiêu dùng thông thái đã gây ra tranh luận sôi nổi. Ông Nhưỡng lý giải, người tiêu dùng đồng thời cũng là người trực tiếp sản xuất. Họ hiểu nguyên lý trong từng cây rau, con gà... nên nếu tập trung tuyên truyền để người dân hiểu được thì sẽ giải quyết căn nguyên vấn đề.ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) phản bác rằng không thể yêu cầu người tiêu dùng phải thông thái khi xung quanh họ là len lỏi những người sản xuất rất ác độc. Dẫn số liệu của báo cáo giám sát về giai đoạn 2011 - 2016 chỉ một vụ vi phạm ATTP bị xử lý hình sự, ông Giang và nhiều ĐB kiến nghị bộ luật Hình sự phải tăng nặng hình phạt với đối tượng này.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nói rằng đề xuất của ĐB Lưu Bình Nhưỡng sẽ khiến người dân nghe được cảm thấy buồn, không đồng tình. "Vấn đề là quản lý nhà nước tốt chưa, vì sao có cấp ủy đảng chưa quan tâm, vì sao thanh tra kiểm tra còn thụ động? Vì sao khi phát hiện thì xử lý không nghiêm...”, ông Học đặt một loạt câu hỏi rồi nói: “Một khi quản lý nhà nước chưa tốt thì không thể đòi hỏi sự thông thái từ người tiêu dùng”.
|
Bình luận (0)