3 Bộ Y tế, Ngoại giao, Công thương đứng cuối về chỉ số cải cách hành chính

17/04/2024 15:03 GMT+7

Trong 17 bộ, cơ quan ngang bộ và 2 cơ quan đặc thù tham gia đánh giá, xếp hạng về chỉ số cải cách hành chính năm 2023, Bộ Tư pháp dẫn đầu, Bộ Công thương đứng cuối bảng xếp hạng, tiếp đó và các bộ Ngoại giao, Y tế.

Ngày 17.4, Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023, chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.

3 Bộ Y tế, Ngoại giao, Công thương đứng cuối về chỉ số cải cách hành chính- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại hội nghị

THU HẰNG

Năm 2023, Bộ Nội vụ tiếp tục thực hiện bộ tiêu chí đánh giá tại Đề án xác định Chỉ số cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030. Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ được sử dụng đánh giá, xếp hạng 17 bộ, cơ quan ngang bộ (các bộ, cơ quan chưa đưa vào đánh giá, xếp hạng: Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) và 2 cơ quan đặc thù (Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc), bao gồm 7 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí và 97 tiêu chí thành phần. Tổng điểm đánh giá là 100, trong số đó, có 31.50 điểm là đánh giá thông qua điều tra xã hội học.

Kết quả chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, có 14 đơn vị đạt chỉ số cải cách hành chính trên 80%, bao gồm: Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, Bộ TT-TT, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ VH-TT-DL, Bộ GD-ĐT, Bộ KH-CN, Bộ KH-ĐT.

Đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính dưới 80% có 3 đơn vị là: Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương.

Bộ Tư pháp dẫn đầu bảng chỉ số cải cách hành chính năm 2023, đạt 89,95%. Bộ Công thương đứng cuối bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 đạt 78,03%, thấp hơn 11,92% so với đơn vị dẫn đầu là Bộ Tư pháp.

Đáng chú ý, 10/17 đơn vị có chỉ số cải cách hành chính tăng cao hơn so với năm 2022. Trong 7 bộ có kết quả chỉ số cải cách hành chính giảm hơn so với năm 2022, giảm nhiều nhất là Bộ KH-ĐT (giảm 5,31%). Một số đơn vị khác có giá trị chỉ số cải cách hành chính giảm dưới 1%, như: Bộ Tài chính (giảm 0,58%), Bộ Xây dựng (giảm 0,01%).

Người dân hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước

Năm 2023, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với MTTQ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (gọi tắt là "đo lường sự hài lòng của người dân").

Năm 2023 là năm thứ 2 khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở cả nội dung xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công và cung ứng dịch vụ hành chính công (từ 2021 trở về trước chỉ tập trung ở nội dung cung ứng dịch vụ hành chính công).

Qua tổng hợp, phân tích dữ liệu, Bộ Nội vụ xây dựng Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023.

Kết quả, người dân hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước năm 2023 ở mức 82,66%, tăng so với năm 2022 (80,08%).

5 tỉnh, thành phố nhận được mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung cao nhất là: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Hà TĩnhHải Phòng.

Như vậy, Quảng Ninh với 90,61% tiếp tục dẫn đầu ở Chỉ số SIPAS, còn tỉnh Bắc Kạn thấp nhất cả nước với 75,03%.

Căn cứ Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương cần tập trung cao cho cải cách thể chế, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp.

Cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, gắn kết chặt chẽ với thực hiện chuyển đổi số, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đồng bộ. Rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không phù hợp, không khả thi, đang gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.