Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, thu hút lượng lớn lao động từ các tỉnh, thành đến sinh sống và làm việc. Lực lượng lao động của thành phố hiện nay đạt 4,8 triệu người, chiếm hơn nửa dân số.
Từ năm 2013 đến tháng 9.2024, TP.HCM có gần 82.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo.
Trong đó, có 13.453 lao động có hộ khẩu thành phố (chiếm 16,45%). Theo đó, người lao động đi làm việc nhiều nhất ở Nhật Bản với tổng số 52.114 người (63,71%), tiếp theo là Đài Loan với 16.538 người (20,22%) và Hàn Quốc với 3.757 người (4,59%). Các thị trường khác như Malaysia, Philippines cũng thu hút 9.445 lao động (11,48%).
Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, lao động chủ yếu làm việc trong các ngành sản xuất chế tạo (dệt may, chế biến thực phẩm, thủy sản, lắp ráp điện tử, cơ khí), xây dựng, nông nghiệp và thuyền viên. Ở Đài Loan, người lao động chủ yếu làm giúp việc nhà, khán hộ công và thuyền viên.
Ngoài những khó khăn trong công tác quản lý, tại hội nghị cũng nêu lên vấn đề người lao động thiếu thông tin chính xác về cơ hội việc làm, dẫn đến việc lựa chọn sai lầm hoặc bị lừa đảo.
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, hiện có 3 cách để người lao động đi làm việc ở nước ngoài:
- Thứ nhất, thông qua 5 chương trình của Trung tâm lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB-XH, bao gồm: chương trình EPS (cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc), chương trình thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, chương trình tuyển chọn điều dưỡng, hộ lý đi Nhật Bản, chương trình đưa lao động đi học tập và làm việc tại Đức trong ngành điều dưỡng, và chương trình đi làm việc tại Đài Loan. Thông tin về các chương trình này có thể tham khảo trên trang web của Trung tâm lao động ngoài nước (http://colab.gov.vn/).
- Thứ hai, thông qua các doanh nghiệp có giấy phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện TP.HCM có 72 doanh nghiệp được cấp phép, danh sách được đăng tải và cập nhật trên trang web của Sở LĐ-TB-XH (https://sldtbxh.hochiminhcity.gov.vn/).
- Thứ ba, theo hình thức hợp đồng trực tiếp giao kết giữa người lao động và doanh nghiệp nước ngoài.
Tại tọa đàm, các doanh nghiệp đánh giá cao công tác cải cách hành chính của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM trong thời gian qua, nhất là trong việc minh bạch, nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, giải quyết việc làm cho doanh nghiệp.
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty Haio Education, kỳ vọng Sở LĐ-TB-XH TP.HCM có thêm nhiều kết nối cho doanh nghiệp trong lĩnh vực đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Góp ý tại tọa đàm, bà Hạnh cũng cho hay các doanh nghiệp có giấy phép hiện nay gặp khó khăn trong việc tìm nguồn lao động, trong khi các công ty không phép lại chiêu mộ người lao động dễ dàng nhờ mạng lưới tìm nguồn nhanh.
Tuy nhiên, nếu thông qua các công ty này thì chi phí sẽ đội lên, gây thiệt thòi cho người lao động. Bà Hạnh đề nghị các doanh nghiệp cùng tiêu chuẩn nên liên kết để chia sẻ nguồn lực và giảm chi phí. Đồng thời, các công ty nên hướng đến các thị trường cần lao động tay nghề cao để người lao động nhận được mức lương xứng đáng và có nhiều cơ hội hơn.
Bà Phạm Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ quốc tế Vconnect, cũng đề xuất ngành lao động cần xây dựng cổng thông tin nhân lực để hỗ trợ doanh nghiệp khi cần.
Bà Vân nhấn mạnh rằng người lao động không còn đi nước ngoài chỉ để xóa đói giảm nghèo, mà còn tìm kiếm cơ hội làm giàu và định cư. Do đó, các chương trình đưa lao động ra nước ngoài cần hướng đến những thị trường khó tính như Phần Lan, Đức...
Bình luận (0)