Căn phòng trọ đặc biệt ở số 31, ngách 54, ngõ 76 phố An Dương (P.Yên Phụ, Q.Tây Hồ, Hà Nội) luôn sang sảng tiếng cười của 3 cụ ông Nguyễn Văn Phương (94 tuổi, quê gốc Nam Định), ông Nguyễn Bá Thành (74 tuổi, quê gốc Hải Phòng) và ông Đặng Thế Quý (74 tuổi, quê gốc Hà Nội).
Vào tháng 2.2023, hai chàng trai Lê Thanh Hải (24 tuổi), Trưởng dự án "Hà Nội chung tay" và Lê Minh Sơn (23 tuổi) tích cực đến vận động ông Quý, ông Thành - là những người vô gia cư - về chung một nhà, đón Tết Quý Mão 2023. Rất tiếc, khi đó, hai ông đều chưa hiểu hết tấm lòng của hai chàng trai nên đã từ chối, chấp nhận lủi thủi trên chiếc thuyền cũ kỹ ngoài bến sông Hồng, âm thầm nhìn tết trôi ngang đời. Vậy nên, Tết Giáp Thìn 2024 vừa qua là cái tết đầu tiên sau bao nhiêu năm "không nhà, không tết" của 3 ông cụ. Mỗi người một hoàn cảnh, người thì nhà cháy nên trắng tay, người thì vợ mất, con cái vô tâm, người thì đãng trí không còn nhớ nổi điều gì, sống vất vưởng bằng nghề nhặt rác trên hè phố, góc chợ.
Hải và Sơn, sau đó thêm Vương Anh, là những sinh viên tỉnh lẻ ra Hà Nội. Trong đó, chỉ mỗi Hải đã ra trường đi làm, nhưng thu nhập cũng chỉ 7 - 8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên 3 chàng trai đã có suy nghĩ táo bạo khi đi "mời" người vô gia cư về và tạo dựng một mái nhà chung mang tên "Hà Nội chung tay - Đừng gọi tôi là vô gia cư" vào tháng 3.2023.
Hải và Sơn đã có nhiều đêm trắng đi tìm hiểu về cuộc sống, tâm tư của người vô gia cư. Đa phần, các cụ già chẳng sợ chết, chẳng sợ đói rét mà điều họ sợ nhất là sự cô đơn và điều họ mong mỏi nhất là có một mái ấm để về, có người bầu bạn, để biết mình sống trên đời còn có ý nghĩa.
Sau khi vận động được 3 ông cụ về chung một nhà, Hải và Sơn thuê một phòng trọ rộng rãi, trang bị đầy đủ tivi, bình nóng lạnh, điều hòa, bếp gas… để các cụ cùng sinh sống. Số tiền phải chi trả hằng tháng hết khoảng 10 triệu đồng đến từ sự tích cóp của các chàng trai. Hiện Hải thường tranh thủ chạy xe ôm công nghệ, còn Sơn và Vương Anh xin đi làm thêm ngoài giờ học để có thêm thu nhập lo cho các cụ.
Hải cho biết ban đầu cũng bị gia đình phản đối vì "lo việc bao đồng", nhất là chuyện chăm sóc người già không hề dễ dàng khi họ thường khó tính hơn, rồi không may bệnh tật, qua đời các bạn trẻ sẽ không biết xử lý thế nào. Nhưng rồi, cả 3 chàng trai đã phân tích cho phụ huynh và cam kết làm tốt nhất nên dần đã được gia đình đồng thuận.
Ông Nguyễn Bá Thành khề khà cho biết từ ngày được các cháu mời về đây được tắm nước nóng rất thích. Hồi ông bị chủ nhà trọ đuổi đi, phải nằm góc chợ, muỗi đốt không ngủ nổi, cả tháng không được tắm lần nào. Lúc đó ông Thành chỉ nghĩ sống được ngày nào thì sống, chết ở đâu thì chết.
Về với "Hà Nội chung tay", các ông được các bạn trẻ chăm sóc như người thân trong gia đình. Hải và Sơn mong các cụ không ra đường ăn xin nữa, phải về nhà trước 11 giờ đêm và cố gắng sống đoàn kết, thiếu thốn đến đâu các bạn sẽ lo. Các cụ vẫn tiếp tục một số công việc thường nhật như đi nhặt ve chai, tự trồng rau để có chút thu nhập cũng như giữ được niềm vui lao động. Ông Thành là người còn sức khỏe tốt nhất, từ khi về với mái ấm, ông vui vẻ và phấn chấn lên hẳn và được bầu làm "tổ trưởng" của xóm trọ. Gần đây ông Thành còn được các bạn trẻ dạy cách bán hoa quả online để kiếm thêm thu nhập… không phải đi nhặt rác như trước nữa.
Hằng ngày, do điều kiện công việc nên 3 bạn trẻ cắt cử thay phiên nhau chăm sóc rồi tâm sự, chơi cờ với các cụ cho khuây khỏa. Thỉnh thoảng một đội 6 người 2 thế hệ, 3 già 3 trẻ không máu mủ cùng nhau đi tham quan các di tích tại Hà Nội. Đến dịp sinh nhật của các cụ, các bạn trẻ lại tổ chức buổi sinh nhật đầm ấm, điều mà các cụ gần cả cuộc đời chưa bao giờ nghĩ tới.
Mong muốn của 3 bạn trẻ trong dự án "Hà Nội chung tay" là giúp đỡ được thật nhiều người vô gia cư, kiến tạo cho họ một mái ấm thực sự, có nhà để về, thậm chí Hải còn mong muốn sau này sẽ xây dựng được một viện dưỡng lão miễn phí cho người già vô gia cư ở Hà Nội.
Bình luận (0)