3 chị em ở Sài Gòn 2 lần mồ côi mẹ

28/09/2021 10:10 GMT+7

Mẹ ruột mất vì bệnh ung thư, 3 chị em Lưu Tuyết Nghi (16 tuổi), Lưu Nhật Hạ (13 tuổi) và Lưu Thiện Lâm (8 tuổi, cùng ngụ Q.8, TP.HCM) sống cùng mẹ nuôi. Nhưng các em không thể mườn tượng được rằng một ngày, dịch bệnh Covid-19 lại cướp mất đi người mẹ thứ hai của các em. 3 chị em 2 lần mồ côi mẹ.

Nhìn nhau nước mắt lưng tròng

Kể từ ngày mẹ nuôi của 3 chị em Tuyết Nghi, là bà Huỳnh Thị Kim Thanh (50 tuổi) qua đời vì nhiễm Covid-19, thời gian đã hơn một tháng qua. Trong căn nhà cấp 4 nằm trên đường Mạc Vân (P.12, Q.8), em Thiện Lâm (8 tuổi) cùng hai người chị: Tuyết Nghi và Nhật Hạ đang tập dần với cuộc sống một lần nữa không có mẹ. Cả 3 chị em xót xa lâm phận mồ côi.
Ông Huỳnh Bảo Long (48 tuổi, cậu ruột của 3 chị em Tuyết Nghi) kể, mẹ ruột của 3 cháu bị bệnh ung thư và mất khi Thiện Lâm được 14 tháng tuổi. Sau khi mẹ ruột mất, 3 chị em dọn ra ở chung với cha. Thời gian sau, bà Thanh thấy 3 đứa nhỏ tội nghiệp, sợ lúc cha đi làm, không tự chăm sóc nhau được nên đã đón về nuôi.
Gia đình ông Long có 4 chị em, ông Long thứ ba, còn bà Thanh là chị cả. Từ khi về sống chung, bà Thanh nhận 3 đứa cháu làm con nuôi, tụi nhỏ gọi bà là “má hai”. Nuôi dạy 3 đứa trẻ, bà Thanh cũng không nghĩ đến chuyện lập gia đình mà coi cháu mình như con ruột.
“Chị hai chỉ nói mấy đứa nhỏ mất mẹ, chị thương lắm nên ở vậy luôn, không nghĩ đến chuyện tình cảm riêng tư nữa. Tôi cũng nhiều lần khuyên chị nên lấy chồng, nhưng chị nói muốn ở vậy nuôi 3 đứa nhỏ là được rồi”, ông Long nói.

Ông Huỳnh Bảo Long lặng lẽ thắp nhang cho người chị đã mất

SONG MAI

Từ đợt dịch thứ 4, khu nhà ông Long sống bắt đầu có ca nhiễm. Đến 10.8, bà Thanh bị cảm, mệt trong người. Phường xuống test nhanh, bà Thanh dương tính Covid-19 và được cách ly tại nhà. Riêng 8 người còn lại trong gia đình đều âm tính.
Cả nhà thì người mua thuốc, người thì nấu nồi xông giải cảm cho bà Thanh. Được khoảng 8 ngày, bà Thanh mệt, phải thở ô xy cả đêm liền. Đến sáng hôm sau, ông Long thấy chị mình trở nặng, không thở được, nên đưa vô bệnh viện cấp cứu. 8 giờ sáng, ông Long chở bà Thanh vào bệnh viện, chừng một tiếng sau, bác sĩ báo lại bà Thanh qua đời.
Hơn 1 tháng nay, đêm nào ông Long cũng trằn trọc, không tin rằng chị mình đã mất. Thương 3 đứa nhỏ, đã mất mẹ ruột giờ mẹ nuôi cũng qua đời. Từ ngày bà Thanh mất, tụi nhỏ cứ lủi thủi chơi cùng nhau, có lúc tụi nhỏ hỏi ông Long rằng nhớ má hai, nói thấy má hai khỏe vậy sao tự dưng lại mất. Ông Long cũng không biết trả lời thế nào, cậu cháu cứ nhìn nhau, rồi nước mắt lưng tròng.

“Con ước má hai sống lại”

Trong 3 chị em, Thiện Lâm là đứa quấn quýt với má hai nhất. Từ ngày má hai mất, Thiện Lâm cứ ôm miết con gấu bông được má hai mua tặng.
“Lúc nhỏ chị hai tôi mua cho nó ôm ngủ, nó thích lắm, ôm tới rách cũng không bỏ. Trước ngày nhiễm bệnh, chị hai thấy con gấu bông rách quá, nói sẽ mua con mới cho nó nhưng nó không chịu. Chị hai tôi bèn lấy kim chỉ ra vá mấy chỗ rách lại cho nó”, ông Long kể.
Nhật Hạ, chị ba của Thiện Lâm năm nay học lớp 8, 2 chị em kèm cặp nhau học từ ngày má hai qua đời. Ngồi trước nhà soạn lại tập vở, Thiện Lâm thỏ thẻ: “Trước má hai dạy con học, giờ má hai mất rồi nên con học bài với chị ba. Nhưng con thích má hai dạy học hơn”.
Nhật Hạ và Thiện Lâm nói rằng rất thèm được má hai dạy học, thèm món thịt kho của má hai nấu. Hỏi mong ước điều gì, Nhật Hạ chỉ nói: “Má hai thương tụi con lắm, giờ má hai mất rồi. Những lúc nhớ má hai, tụi con khóc. Chỉ ước má hai sống lại với tụi con”.
Trong 3 chị em, Tuyết Nghi là chị lớn nhất. Trong trí nhớ của Tuyết Nghi, má ruột mất khi em 11 tuổi, và kể từ ngày đó, má hai là người bảo bọc, chăm lo cho 3 chị em.
Khi nghe nhắc đến má hai, cổ họng Tuyết Nghi nghẹn đắng, nước mắt lăn dài trên má. Những ngày má hai bệnh, Tuyết Nghi đứng canh gần như cả đêm, rồi má hai nhờ gì chạy đi làm liền. “Ngày cuối ở nhà, má hai khó thở, em đứng vỗ lưng cho má, còn cậu thì canh chỉnh bình ô xy. Đến khi má hai vào bệnh viện, cũng không dặn dò gì tụi em cả, vì cứ nghĩ sẽ khỏi bệnh trở về. Nhưng vô bệnh viện có một tiếng là má hai mất luôn”, Tuyết Nghi nức nở.
Tuyết Nghi nhớ lại, thường ngày em hay phụ má hai nấu ăn, trông nom các em. Giờ mỗi lần nhìn vô bếp, em vẫn còn nhớ lại hình dáng má hai trong đó. Cứ như má hai vẫn còn sống, vẫn còn bên cạnh 3 chị em.
Đã hơn 1 tháng, nhưng Tuyết Nghi vẫn còn bàng hoàng. Em nói không biết vì sao má hai lại mất, và không biết làm sao để vượt qua sự mất mát này. Tuyết Nghi nói, giờ em chỉ hứa sẽ cố gắng học giỏi, kiếm tiền để phụ giúp chăm 2 đứa em được đi học đầy đủ.

Gồng gánh nuôi cháu

Ông Long kể, ngày trước gia đình có 9 người, đến bữa cơm tối, cả nhà sẽ ngồi ăn cơm ở phòng khách, xem ti vi. Nhưng giờ thì nhà vắng đi một người. Ở phòng khách, mỗi buổi chiều ông Long lặng lẽ cúng cơm, rồi thắp nhang cho chị mình.
Theo lời ông Long, gần 10 năm qua, bà Thanh cứ đi làm thuê làm mướn, lúc thì đi phụ quán ăn, lúc thì đi rửa chén, rồi tối về đi giao thêm trứng gà cho mấy tiệm cơm tấm ở chợ để kiếm tiền nuôi 3 đứa nhỏ. Một tay bà Thanh lo, từ cái ăn, cái mặc cho đến cuốn vở tụi nhỏ mang đi học, rồi lo việc chi tiêu sinh hoạt, mua sắm đồ dùng trong nhà.
Ông Long kể thêm, ngày còn sống, có lần bà Thanh còn trăn trở, nghĩ về tương lai của của 3 đứa cháu. “Lúc đó chị hai nói, mấy đứa nhỏ ngày càng lớn, nên cần nhiều khoản tiền để đi học, chi tiêu. Chị hai định mở một xe bán gà rán để bán, thu nhập ổn định hơn. Nhưng vốn nặng quá, hai chị em chỉ dám tính rồi để đó, chứ không dám làm”, ông Long nhớ lại.

PV Báo Thanh Niên trao hỗ trợ 2 triệu đồng cho ba chị em Tuyết Nghi

DUY KHANG

Trước dịch, ông Long làm lái xe giao hàng từ Q.8 qua Q.6, mỗi tháng nếu giao hàng nhiều sẽ kiếm được 8 triệu đồng. Dịch giã kéo dài, công việc của ông Long cũng ngưng 4 tháng nay.
“Tôi còn 4 người con, 3 đứa con đầu đi làm ở chung nhà với tôi, dịch này tụi nó cũng chưa đi làm lại. Còn đứa con út 16 tuổi thì ở với vợ. Mỗi tháng tôi nhín ra 3 triệu gửi cho vợ nuôi con, còn lại để dành góp tiền phụ chị hai nuôi 3 đứa cháu. Hai chị em gom góp tiền lại, gói ghém cũng đủ chi tiêu cho cả nhà 9 người”, ông Long kể.
Trước đây, những chuyện chăm lo 3 đứa nhỏ học hành, lo tiền sinh hoạt phí hằng tháng đều do bà Thanh quản lý. Còn bây giờ, ông Long thay chị mình, quán xuyến hết mọi việc trong nhà. “Mình biết trọng trách chăm các cháu đè nặng lên vai mình, nhưng mình ráng gồng gánh. Mình mà buông xuôi nữa, thì ai lo cho cháu mình”, ông Long nói.
Chiều 20.9, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cùng đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên các em nhỏ mồ côi vì cha mẹ qua đời do Covid-19 tại Q.8.
Bí thư Nguyễn Văn Nên đã ghé thăm hoàn cảnh của 3 chị em Lưu Tuyết Nghi, Lưu Nhật Hạ và Lưu Thiện Lâm, gửi phần quà trung thu cùng lời thăm hỏi, động viên các em vượt qua nỗi mất mát. Khi biết các em chỉ học online bằng điện thoại, Bí thư Nên đã gửi tặng riêng các em tiền để mua máy tính bảng, hỗ trợ tốt hơn cho việc học.
Em Lưu Thiện Lâm, học sinh lớp 3/6 Trường tiểu học Tuy Lý Vương, P.12, Q.8 (TP.HCM).
Em Lưu Nhật Hạ, 13 tuổi, lớp 8/7 Trường THCS Tùng Thiện Vương, P.12, Q.8.
Em Lưu Tuyết Nghi, 16 tuổi, học lớp 11 Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.8.

Chồng mất vì Covid-19, nuôi ba con khiếm thị, người phụ nữ rơi nước mắt khi được hỗ trợ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.