Các khảo sát ở Mỹ cho thấy trong những năm gần đây, kiệt sức nghề nghiệp là một trong những lý do chính khiến người lao động bỏ việc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng kiệt sức nghề nghiệp là căng thẳng kéo dài và quá mức. Hệ quả là khiến người lao động rút lui khỏi công việc, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
"Những người bị kiệt sức nghề nghiệp có thể cảm thấy mất hứng thú với công việc và đồng nghiệp. Cảm xúc họ bị chai lì và tê liệt. Họ trải qua cảm giác bất lực, tuyệt vọng, tách biệt và trầm cảm. Người đó có thể tự vấn bản thân về giá trị cuộc sống của mình", tiến sĩ tâm lý lâm sàng Adam Gonzalez, chuyên gia tại Trường Y khoa Renaissance (Mỹ), cho biết.
Những tác nhân chính dẫn đến kiệt sức nghề nghiệp là trạng thái mất kiểm soát đối với môi trường làm việc, khối lượng công việc quá nhiều trong khi các phương pháp ứng phó của người lao động lại không hiệu quả. Thiếu ngủ, mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng góp phần gây kiệt sức nghề nghiệp,
Do đó, để ngăn ngừa kiệt sức nghề nghiệp, người nhân viên cần nhận biết dấu hiệu của chúng đế có cách ứng phó phù hợp. Điều này sẽ giúp họ kiểm soát các tác nhân trước khi kiệt sức nghề nghiệp phá hỏng cuộc sống của họ.
Người bị kiệt sức nghề nghiệp sẽ xuất hiện 3 yếu tố. Yếu tố đầu tiên là sự kiệt quệ về cảm xúc, khiến người nhân viên mất đi sự nhiệt tình với công việc. Họ rơi vào trạng thái mệt mỏi kéo dài, tiến sĩ Gonzalez giải thích thêm.
Yếu tố thứ hai là tình trạng kiệt quệ sự thấu cảm. Thay vì nhìn nhận người khác như một con người với đầy đủ lòng trắc ẩn, người bị kiệt quệ sự thấu cảm sẽ đối xử với người khác đơn giản như một vật thể đơn thuần.
Chẳng hạn, các nhân viên chăm sóc người già tại các viện dưỡng lão nếu chịu áp lực công việc lớn đến mức gây kiệt sức nghề nghiệp thì dễ phát sinh kiệt quệ sự thấu cảm. Khi đó, họ sẽ đối xử, chăm sóc người già đơn giản như một vật thể mà họ cần hoàn thành công việc mà thiếu đi tình thương hay sự cảm thông.
Yếu tố thứ ba của kiệt sức nghề nghiệp là mất động lực làm việc. Người bị kiệt sức nghề nghiệp không còn cảm thấy hứng thú, công việc với họ không còn ý nghĩa gì. Họ bắt đầu tự vấn là tại sao ngay từ đầu lại chọn một công việc như vậy.
Khi thấy một trong các dấu hiệu trên, người bị kiệt sức nghề nghiệp nên tìm sự hỗ trợ của đồng nghiệp hay một ai đó đáng tin cậy. Sẽ rất có ích nếu người này tìm đến những người có chuyên môn như nhà tâm lý, nhân viên xã hội hay các chuyên viên làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần, để được giúp đỡ.
Ngoài ra, mỗi người cũng cần tự suy ngẫm về lý do vì sao bản thân lại chọn công việc đó và đâu là giá trị quan trọng với bản thân họ, theo Healthline.
Bình luận (0)