3 điều nên làm để dễ chịu hơn khi cảm lạnh

30/12/2024 20:30 GMT+7

Cảm lạnh là một dạng nhiễm trùng đường hô hấp nhẹ. Dù hiếm khi dẫn đến biến chứng, chẳng hạn như viêm phổi, nhưng có thể dẫn đến nhiều triệu chứng khó chịu. Một số biện pháp sẽ giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.

Cảm lạnh sẽ kèm theo các triệu chứng như đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, sốt nhẹ và mệt mỏi. Bệnh thường sẽ tự khỏi sau 1 đến 2 tuần. Sau khoảng thời gian này nếu bệnh không khỏi thì cần phải đến bác sĩ kiểm tra, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

3 điều nên làm để dễ chịu hơn khi cảm lạnh- Ảnh 1.

Gừng chứa các chất kháng viêm tự nhiên, giúp giảm triệu chứng khó chịu của cảm lạnh

ẢNH: AI

Để giảm các triệu chứng khó chịu của cảm lạnh, người bệnh có thể áp dụng những cách sau:

Súc miệng bằng nước muối

Một triệu chứng cũng gây nhiều phiền toái khác là đau họng. Nếu nghẹt mũi gây khó ngủ thì đau họng gây khó nuốt. Để giảm đau họng, các chuyên gia khuyến cáo hãy súc nước muối. Nước muối không chỉ có tác dụng kháng khuẩn mà còn giúp làm dịu cảm giác đau, từ đó giảm nhẹ triệu chứng khó chịu này.

Ăn súp và canh có lợi cho người bị cảm lạnh

Ăn các món có nhiều nước như súp, canh hay cháo rất có lợi cho người bị cảm lạnh. Nhiệt độ ấm của các món này giúp làm loãng chất nhầy và làm ẩm lớp niêm mạc trong xoang mũi, cổ họng. Chất nhầy loãng đi sẽ dễ tống ra ngoài, giúp giảm nghẹt mũi và giảm ho do tích tụ đờm trong cổ họng.

Uống trà ấm

Bên cạnh việc nghỉ ngơi thì một trong những cách tốt nhất để mau khỏi khi bị cảm lạnh là uống các loại trà ấm. Các loại trà ấm này không chỉ tỏa ra hơi nóng giúp làm loãng chất nhầy trong đường hô hấp mà còn bổ sung lượng nước cần thiết cho cơ thể. Thiếu nước sẽ làm chất nhầy đặc hơn, khiến nghẹt mũi thêm khó chịu.

Không những vậy, các loại trà thảo mộc như trà gừng, nghệ lại rất có lợi cho hệ miễn dịch. Gừng chứa gingerol, một hợp chất tự nhiên có tác dụng kháng viêm và giảm đau. Điều này là do chất gingerol có tác dụng giúp ức chế các enzyme và protein liên quan đến quá trình viêm của cơ thể. Những hợp chất khác trong gừng như shogaol và zingiberene cũng có tác dụng chống viêm rất tốt.

Trong khi đó, nghệ rất giàu curcumin, chất có tác dụng chống viêm và chống ô xy hóa mạnh. Nhờ khả năng chống viêm, curcumin giúp làm dịu các triệu chứng viêm trong cổ họng và các vị trí khác trong đường hô hấp, từ đó giảm cảm giác đau rát cổ họng, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.