3 kiểu đau chân thường gặp và những dấu hiệu nghiêm trọng

07/07/2020 10:14 GMT+7

Đau chân có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể cần nghỉ ngơi sau khi đã hoạt động quá nhiều. Trong một số ít trường hợp khác, đau chân có thể cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Muốn biết đau chân có phải là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hay không thì phải dựa nhiều vào hoàn cảnh mắc bệnh, Reader’s Digest dẫn lời Casey Humbyrd, chuyên gia cơ xương tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Nếu ai đó vừa đi xuống máy bay và nói chân họ bị đau thì cần phải đến bệnh viện ngay. Đây có thể là triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu, tức hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch chân. Nếu cục máu đông di chuyển đến phổi có thể gây thuyên tắc phổi, thậm chí dẫn đến tử vong.
Dưới đây là những kiểu đau chân chúng ta thường gặp, theo Reader’s Digest.

1. Đau cẳng chân

Đau ở vùng cẳng chân và đầu gối thường là có nguyên nhân là do vận động quá nhiều. Tình trạng này đặc biệt dễ xảy ra ở những người mới bắt đầu tập luyện thể thao hoặc tăng đột ngột cường độ tập.
Đau chân trong những trường hợp này không có gì đáng ngại, chỉ cần nghỉ ngơi, chườm lạnh là sẽ khỏi. Một điều mọi người cần lưu ý là phải thường xuyên bổ sung đủ vitamin D và canxi để xương chắc khỏe.

2. Chuột rút chân

Chuột rút bắp chân là do vận động quá sức hoặc mất nước. Một số người không quen vận động có thể bị chuột rút ngay cả khi chỉ đi bộ nhiều hơn bình thường một chút, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình John-Paul Rue tại Trung tâm y tế Mercy (Mỹ) giải thích.
Tuy nhiên, người bệnh cần phân biệt cơn đau ở chân là chuột rút thông thường hay huyết khối tĩnh mạch sâu. Chuột rút chỉ kéo dài vài giây hoặc vài phút, chỉ cần nghỉ ngơi, duỗi cơ, chườm nóng là hết. Trong khi đó, huyết khối tĩnh mạch sâu gây sưng và đau liên tục ở chân. Khi nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh phải tìm đến bác sĩ ngay.
Một nguyên nhân khác cũng gây đau và chuột rút ở chân là bệnh tắc động mạch ngoại biên, gây tắc nghẽn động mạch và làm giảm lưu thông máu đến chân, theo Reader’s Digest.

3. Đau đầu gối

Cơn đau đầu gối bỗng dưng nặng hơn nếu bạn di chuyển khớp gối, dùng tay ấn vào khớp hoặc khớp bị sưng, đỏ thì rất có thể đang bị viêm bao hoạt dịch khớp gối.
Trường hợp này hoàn toàn có thể điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, chườm đá, uống các loại thuốc giảm đau không kê đơn. Nếu bạn uống bất cứ loại thuốc giảm đau nào, bạn cần phải tham khảo ý kiến của dược sĩ hoặc bác sĩ!
Ngoài ra, người bệnh cũng cần phải bảo vệ đầu gối cẩn thận, nhất là các hoạt động phải co duỗi đầu gối nhiều như lên xuống cầu thang, theo Reader’s Digest.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.