3 lý do khiến chứng khoán thế giới giảm mạnh

07/02/2018 11:19 GMT+7

Đà giảm thị trường chứng khoán cuối tuần trước tiếp tục kéo dài đến tuần này và lan rộng ra toàn cầu. Dưới đây là ba rủi ro có thể là lý do khiến các nhà đầu tư ồ ạt bán ra.

Theo CNBC, hôm 6.2, chỉ số MSCI Emerging Markets giảm gần 1,75%, MSCI EAFE (theo dõi các công ty châu Âu, Úc và vùng Viễn Đông) hạ 1,7%, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 4,9%. Ở Mỹ, S&P 500 giảm khoảng 4,1% và chỉ số Trung bình công nghiệp Dow Jones hạ 1.175 điểm, tương đương khoảng 4,6%. Thị trường đỏ rực ở nhiều nơi trên thế giới.
Đà bán tháo ở Mỹ có tác động lên các thị trường thế giới, song một số chuyên gia cho rằng cổ phiếu toàn cầu có thể chịu thiệt hại nặng hơn nếu ở Mỹ tiếp tục bán tháo. “Khi nước Mỹ hắt hơi, phần còn lại của thế giới đều bị cảm lạnh. Nếu Mỹ bán tháo, thì nỗi lo có thể lan rộng”, chuyên gia chiến lược đầu tư Mona Mahajan thuộc Allianz Global Investors cho biết.
Dưới đây là ba rủi ro, sự kiện có thể khiến thị trường cổ phiếu toàn cầu tiếp tục lao dốc.
Tâm lý nhà đầu tư thay đổi
Tâm lý, cảm xúc của con người về đầu tư là một trong các rủi ro lớn nhất của sự ổn định thị trường. Tâm lý từng giúp đẩy chứng khoán lên cao kỷ lục: khi nhà đầu tư cảm thấy thị trường chứng khoán ổn, họ sẽ mua nhiều hơn. Song tâm lý cũng có thể khiến thị trường lao dốc nếu nhiều nhà đầu tư cho rằng thị trường không ổn và họ tiếp tục bán tháo.
Với các cổ phiếu thị trường mới nổi, biến động tâm lý có thể gây ra tác động lớn. Các nhà đầu tư thường mua cổ phiếu các thị trường đang phát triển khi họ cảm thấy thoải mái với thị trường, vì đây là loại tài sản rủi ro hơn dù các nước đang phát triển hiện ổn định hơn nhiều so với trước đây. Nếu nhà đầu tư quyết rút tiền khỏi các loại tài sản rủi ro để quay về các loại cổ phiếu an toàn hơn, thị trường mới nổi sẽ chịu cú sốc.
Đó là những gì xảy ra trong thời đoạn suy thoái kinh tế. Trước tháng 7.2008, chỉ số S&P 500 và MSCI Emerging Market thường song hành. Từ ngày 15.7, khi thị trường bắt đầu lao dốc và ngày 28.10, khi nhà đầu tư ồ ạt bán tháo, chỉ số MSCI Emerging Market hạ 52% trong khi S&P 500 chỉ hạ 22%.
Ngân hàng trung ương toàn cầu thắt chặt chính sách
Một trong các lý do khiến nhà đầu tư Mỹ e ngại là lạm phát có thể đi lên, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Nếu điều này xảy ra, các khoản vay thế chấp và vay kinh doanh có thể đắt đỏ hơn, làm chậm tăng trưởng kinh tế.
Nhiều người lo rằng các thị trường quốc tế cũng gặp vấn đề tương tự. Dù châu Âu và Nhật Bản vẫn có lãi suất cực thấp - lần lượt là 0% và -0,1% - hai ngân hàng trung ương này đều phát tín hiệu bắt đầu tăng lãi suất trong năm nay hoặc năm sau.
Trong môi trường kinh tế hiện tại, tăng lãi suất và lạm phát là điều tốt vì nó là dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế mạnh hơn, song nếu hai số liệu trên lên quá nhanh, chúng sẽ tác động đến chi tiêu tiêu dùng.
Giá USD lên cao
Năm qua USD mất giá. Chỉ số DXY U.S. Dollar Currency đo lường giá USD so với một giỏ nhiều ngoại tệ hạ khoảng 10%. Giới chuyên gia nhận định việc đô la Mỹ đảo chiều có thể gây bất lợi cho tâm lý thị trường và một số thị trường chứng khoán ở các nước mới nổi.
Thông thường, khi USD yếu, các thị trường mới nổi thể hiện tốt vì chúng hưởng lợi từ giá xuất khẩu Mỹ rẻ hơn. Khi USD tăng giá, các thị trường mới nổi bị tác động và cán cân thương mại mất cân bằng cũng sẽ thay đổi.
Thêm vào đó, nếu chứng khoán Mỹ giảm sâu hơn nữa, cổ phiếu toàn cầu cũng sẽ lao dốc. Song giới chuyên gia nhận định khi thị trường toàn cầu giảm 10%, đó là cơ hội tốt để mua vào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.