(TNO) Sáng nay 5.6, trình bày trước Quốc hội báo cáo giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đại diện cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tình trạng oan sai vẫn nghiêm trọng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình báo cáo giám sát tại phiên họp sáng nay
|
“Số người bị oan trên chủ yếu thuộc loại án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm trẻ em không quả tang mà quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn và loại án về kinh tế do chủ quan của người tiến hành tố tụng nhận thức không đúng, chưa phân biệt được vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội, đã hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu.
Kết quả giám sát cũng cho thấy, ngoài các trường hợp bị oan nêu trên, tình trạng khởi tố, điều tra, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do hành vi không cấu thành tội phạm, do miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu làm oan người vô tội. Chẳng hạn, vụ Trần Văn Đề (Bình Phước) bị khởi tố, bắt giam về tội “không chấp hành bản án” là sai, có dấu hiệu làm oan, vì bản án dân sự có hiệu lực pháp luật có những sai lầm, trong đó có nội dung buộc ông Đề phải làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất cho ông Trần Văn Năng, trái với luật Đất đai nên ông Đề không thể thi hành bản án đó (trách nhiệm này thuộc UBND huyện Chơn Thành).
“Vụ Đặng Công Văn, Bùi Văn Quỳnh (Ban quản lý chợ Đồng Xoài - Bình Phước) đã thi hành xong quyết định xử lý hành chính, xử lý kỷ luật được hơn 3 năm nhưng sau đó vẫn bị khởi tố về tội "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là sai, có dấu hiệu làm oan vì đã xử lý 2 lần cùng một hành vi vi phạm pháp luật”, báo cáo giám sát dẫn chứng thêm.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, "trong 3 năm mà để xảy ra 71 người bị oan và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét, giải quyết đã cho thấy, tình hình làm oan người vô tội trong hoạt động tố tụng hình sự hiện nay còn nghiêm trọng".
“Các trường hợp làm oan đều là nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân bị oan; có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân đối với công lý, giảm sút uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật, điển hình như vụ 7 thanh niên bị bắt giam oan trong vụ giết người, cướp tài sản xảy ra năm 2013 tại tỉnh Sóc Trăng”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định.
Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua giám sát cho thấy, một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận quan tâm thì có những vụ án đã xảy ra cách đây từ 7 - 10 năm, có vụ 16 năm (ngoài kỳ giám sát) nhưng gần đây mới được phát hiện.
Xử lý cán bộ sai phạm còn nể nang, bao che
Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để xảy ra nhiều oan sai, có nguyên nhân do một bộ phận điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán chưa nghiêm túc chấp hành pháp luật; yếu kém về năng lực, trình độ; có biểu hiện bệnh thành tích, nôn nóng trong giải quyết vụ án, quá tin vào lời nhận tội của bị can, bị cáo.
“Việc thu thập, đánh giá chứng cứ chưa thật đầy đủ, khách quan, toàn diện, chưa đúng với nguyên tắc “suy đoán vô tội”, từ đó có thái độ đối xử với người bị bắt, bị can, bị cáo như là người có tội; có trường hợp còn bảo thủ, định kiến trong giải thích và áp dụng pháp luật theo hướng bất lợi cho bị can, bị cáo”, ông Hiện trích dẫn báo cáo đánh giá.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng nhấn mạnh thêm tình trạng hồ sơ vụ án hình sự đưa ra tòa có xu hướng nặng về buộc tội và tại phiên tòa, Kiểm sát viên còn tập trung vào bảo vệ cáo trạng, dẫn tới nguyên tắc “suy đoán vô tội” và quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong một số trường hợp khó được bảo đảm, tôn trọng thực sự.
“Quá trình tranh tụng tại nhiều phiên toà còn hình thức, chủ yếu do lỗi chủ quan của Thẩm phán, Kiểm sát viên còn coi trọng “án tại hồ sơ”, chưa coi trọng “án tại phiên toà”, từ đó chưa chủ động tranh luận, tích cực làm rõ các tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa”, ông Hiện nêu.
Đáng chú ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra: một bộ phận người tiến hành tố tụng còn yếu kém về phẩm chất, đạo đức, buông lỏng trách nhiệm công vụ; kể cả một số lãnh đạo cơ quan tố tụng địa phương.
“Mặc dù đã có nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, nhưng nhìn chung, việc xử lý cán bộ mắc sai phạm chưa nghiêm; có hiện tượng nể nang, bao che, nhiều trường hợp chỉ xử lý kỷ luật, thuyên chuyển công tác hoặc cho về hưu sớm; việc xử lý hình sự một số trường hợp quá nhẹ gây bức xúc dư luận. Bên cạnh đó, người đã gây nên việc làm oan chưa phải chịu trách nhiệm vật chất gì, chưa phải bồi hoàn một phần số tiền Nhà nước đã bỏ ra bồi thường cho người bị oan theo quy định pháp luật”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn chứng.
Bình luận (0)