Sáng nay, 11.10, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp thu hút đội ngũ giáo viên mầm non tại TP.HCM". Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, thống kê những chính sách đặc thù dành cho giáo viên mầm non tại TP.HCM, bên cạnh những chế độ chính sách chung cho giáo viên mầm non cả nước.
Những chính sách đặc thù được áp dụng trong thực tế như thế nào?
Báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, thực hiện Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp tại TP.HCM, qua gần 3 năm học, các cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp được hỗ trợ 1 tỉ 040 triệu đồng. Tổng số trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được hỗ trợ hơn 12,6 tỉ đồng. Còn các giáo viên mầm non làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp được hỗ trợ hơn 2,6 tỉ đồng. Lãnh đạo Sở GD-ĐT nhìn nhận các con số này vẫn rất ít, tổng số tiền của 3 mục trên chỉ là hơn 15 tỉ đồng.
Với Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM về hỗ trợ giáo dục mầm non; Nghị quyết số 01/2021/NQ- HĐND của HĐND TP.HCM về sửa đổi, bổ sung điểm c Khoản 4.2 Điều 2 thì trong số các kết quả đạt được, đáng chú ý là đầu tư của TP.HCM về xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo sửa chữa các công trình trường mầm non.
Theo thống kê từ năm 2021 đến nay, tại TP.HCM, có 33 trường mầm non được xây dựng mới, tổng kinh phí là hơn 1.400 tỉ đồng (1.414.764.068.000 đồng). Có 577 trường mầm non được sửa chữa, tổng kinh phí là hơn 353 tỉ đồng (353.859.344.545 đồng).
Việc nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non theo luật Giáo dục 2019 được Sở GD-ĐT TP.HCM quan tâm. Tính đến nay có 20.844/26.055 giáo viên mầm non đạt chuẩn, hiện còn 5.211 giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn (đa phần đang làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đặc biệt là các nhóm lớp).
Đặc biệt, trong 3 năm qua, từ 2021 tới nay, hàng trăm tỉ đồng đã hỗ trợ đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm non công lập. Như hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên do tính chất công việc (25%- 35% tiền lương/tháng) với tổng kinh phí hơn 374 tỉ đồng (374.392.247.815 đồng). Và hỗ trợ giáo viên mới ra trường với tổng kinh phí là hơn 11 tỉ đồng (11.467.517.373 đồng).
"Nhờ có chính sách hỗ trợ nên đội ngũ giáo viên mới ra trường yên tâm công tác; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên thường xuyên được đào tạo bồi dưỡng, giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và tiếp cận nhiều phương pháp tiên tiến vận dụng vào thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ngày càng nâng cao. Đến nay, giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập cơ bản đảm bảo đáp ứng theo quy định 2 giáo viên/lớp, tuy nhiên các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chỉ đạt trên 1,8 giáo viên/lớp", bà Lương Thị Hồng Điệp đánh giá.
Nhiều chính sách thu hút giáo viên mầm non
Phân tích những tác động của Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM về chính sách thu hút giáo viên mầm non; Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM về sửa đổi, bổ sung Khoản 1 và Khoản 2 Điều 1 theo đề cương, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND có những chính sách thu hút giáo viên mầm non như hợp đồng giáo viên với mức lương 3.750.000 đồng/người/tháng x 9 tháng/năm; Hợp đồng nhân viên nuôi dưỡng với mức hỗ trợ tối thiểu là 2.000.000 đồng/người/tháng x 9 tháng/năm, ngân sách thành phố chi 1.000.000 đồng/người/tháng, còn lại chi từ nguồn xã hội hóa.
Chính sách cũng quy định mức hỗ trợ cho giáo viên mầm non do tính chất công việc (không áp dụng đối với giáo viên hợp đồng) là 650.000 đồng/người/tháng x 9 tháng/năm. Và mức hỗ trợ khuyến khích đối với giáo viên mầm non theo trình độ chuyên môn (không áp dụng đối với giáo viên hợp đồng), nếu trình độ thạc sĩ là 1.500.000 đồng/người/tháng x 12 tháng/năm. Trình độ đại học là 900.000 đồng/người/tháng x 12 tháng/năm. Trình độ cao đẳng là 550.000 đồng/người/tháng x 12 tháng/năm. Chính sách này cũng cho phép tuyển dụng giáo viên mầm non không có hộ khẩu trên địa bàn TP.HCM.
Theo Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM về sửa đổi, bổ sung Khoản 1 và Khoản 2 Điều 1 theo đề cương, về mặt chính sách thì hợp đồng giáo viên (hợp đồng lao động dưới 12 tháng) với mức hỗ trợ bằng mức lương tối thiểu vùng 1 do Chính phủ công bố, thời gian hỗ trợ 9 tháng/năm. Còn hợp đồng nhân viên nuôi dưỡng được hỗ trợ bằng 50% mức lương tối thiểu vùng 1 do Chính phủ công bố (chi từ ngân sách thành phố), còn lại chi từ nguồn xã hội hóa (tùy theo điều kiện cụ thể từng đơn vị), thời gian hỗ trợ 9 tháng/năm.
"Từ năm học 2021-2022 đến nay, theo chính sách trên, tại TP.HCM tổng số giáo viên hợp đồng là 28.408 giáo viên; tổng số nhân viên nuôi dưỡng hợp đồng là 8.525 người.
Số giáo viên mầm non được hỗ trợ do tính chất công việc là 20.889 người với tổng kinh phí hơn 93 tỉ đồng (93.761.124.200 đồng). Và hỗ trợ khuyến khích đối với 20.087 giáo viên mầm non theo trình độ chuyên môn với tổng kinh phí trên 148 tỉ đồng (148.780.080.396 đồng)", báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết.
Bình luận (0)