(TNO) Said Kouachi, Cherif Kouachi và Hamyd Mourad được xác định là 3 nghi phạm gây ra vụ tấn công đẫm máu ở tòa soạn báo Charlie Hebdo, Paris, khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Một nhà báo Đức đăng tải tấm hình trên trang Twitter nói rằng đây là 2 anh em Said Kouachi và Cherif Kouachi - Ảnh: Chụp màn hình trang Heavy.com
|
Trong số các nghi phạm, Said Kouachi và Cherif Kouachi là 2 anh em. Said Kouachi 34 tuổi và em trai Cherif 32 tuổi. Theo Metro News (Pháp), anh em nhà Kouachi là trẻ mồ côi, được sinh ra ở Paris, lớn lên ở thành phố Rennes sau đó chuyển đến Paris sống.
Theo thông tin đăng tải trên trang Linternaute.com ở Pháp, Said Kouachi đã để lại hộ chiếu trong một chiếc xe hơi khi chạy trốn, điều này giúp cảnh sát dễ dàng xác định nghi phạm.
Saïd Kouachi từng bị cảnh sát tạm giữ vào các năm 2005 và 2010 vì bị nghi ngờ có liên quan tới các tổ chức Hồi giáo cực đoan nhưng được thả ra ngay vì không có chứng cớ.
Còn Cherif Kouachi, em trai của Said được biết năm nay 32 tuổi, cũng là công dân Pháp. Chérif Kouachi bị cảnh sát Pháp “quan tâm” nhiều nhất do từng bị kết án 3 năm tù (trong đó có 18 tháng tù treo) vào tháng 5.2008, vì liên quan đến tổ chức Buttes-Chaumont, chuyên huấn luyện thanh niên Pháp theo Hồi giáo và có xu hướng cực đoan để gửi sang Iraq tham gia các cuộc thánh chiến.
Sau khi mãn hạn tù, Chérif làm việc tại siêu thị Leclerc ở thị trấn Conflans-Sainte-Honorine thuộc vùng ngoại ô Yvelines, tây bắc Paris. Đến tháng 5.2010, ông này lại bị tạm giữ hơn 5 tháng vì bị nghi đã tham gia tổ chức vượt ngục cho một thủ lĩnh quan trọng của tổ chức Buttes-Chaumont là Smaïn Ait Ali Belkacem. Tuy nhiên, do không có đủ chứng cứ nên đến ngày 26.7.2013, tòa án tuyên bố Chérif Kouachi vô tội.
Sau khi mãn hạn tù, Chérif làm việc tại siêu thị Leclerc ở thị trấn Conflans-Sainte-Honorine thuộc vùng ngoại ô Yvelines, tây bắc Paris. Đến tháng 5.2010, ông này lại bị tạm giữ hơn 5 tháng vì bị nghi đã tham gia tổ chức vượt ngục cho một thủ lĩnh quan trọng của tổ chức Buttes-Chaumont là Smaïn Ait Ali Belkacem. Tuy nhiên, do không có đủ chứng cứ nên đến ngày 26.7.2013, tòa án tuyên bố Chérif Kouachi vô tội.
Hộ chiếu của Said Kouachi được tìm thấy trong xe hơi - Ảnh: chụp màn hình trang Heavy.com
|
Tờ New York Times lần đầu tiên đưa tin về Cherif vào năm 2005. Tờ báo này đưa tin rằng Cherif đã trở thành nguồn cảm hứng chiến đấu trong cuộc thánh chiến vì sự tra tấn tù nhân ở nhà tù Abu Ghraib, Iraq. Tuy nhiên, theo tờ Liberation, Cherif không phải là một tín đồ Hồi giáo mộ đạo, Cherif có bạn gái, hút thuốc và uống rượu.
Nghi phạm thứ 3 được xác định trong vụ tấn công đẫm máu ngày 7.1 ở Paris tên là Hamyd Mourad. Thanh niên này được cho mới 18 tuổi, Metro News đưa tin, Hamyd Mourad từng là học sinh của một trường trung học ở Charleville-Mezieres, bên ngoài thành phố Reims và chỉ vừa mới tốt nghiệp.
Thanh niên 18 tuổi này hiện vẫn chưa rõ quốc tịch. Một số nguồn tin cho rằng Hamyd Mourad là người Pháp, trong khi đó, một số tờ báo đưa tin thanh niên này không phải người Pháp.
Theo AFP, Mourad đã quyết định đầu hàng sau khi "nhìn thấy tên mình tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng".
Hai nghi phạm thảm sát tòa soạn Charlie Hebdo Said Kouachi và Cherif Kouachi - Ảnh: AFP
|
Theo Sky News, Hamyd Mourad cùng 2 anh em nhà Kouachi có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở Yemen.
AFP ngày 8.1 đưa tin, nghi phạm Hamyd Mourad rạng sáng nay đã tự nộp mình cho cảnh sát. Cảnh sát nước này cũng đã công bố bức ảnh của hai nghi phạm xả súng còn lại là hai anh em Said Kouachi và Cherif Kouachi đồng thời phát lệnh truy nã đối với hai đối tượng được mô tả “có thể mang theo vũ khí và nguy hiểm”.
Ngày 7.1, vụ tấn công kinh hoàng đã xảy ra tại tòa soạn báo Charlie Hebdo, thành phố Paris của Pháp. Ít nhất 12 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Trong số những người thiệt mạng có Tổng biên tập tờ báo, ông Stephane Charbonnier, từng nhiều lần bị đe dọa và cũng từng nằm trong danh sách bị al-Qaeda “truy nã” bất kể sống hay chết.
Vụ việc xảy ra sau khi tờ báo này đăng tải những bức vẽ biếm họa thủ lĩnh nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), ông Abu Bakr al-Baghdadi. Vụ thảm sát khiến cả thế giới rúng động, lãnh đạo nhiều nước đã lên án hành động này, đồng thời Pháp và Ý đã nâng mức báo động an ninh lên cao nhất.
Bình luận (0)