Buổi giới thiệu bộ sách 4 Mùa của 3 tác giả - cũng là 3 cựu chiến binh: Mùa linh cảm, Mùa chinh chiến ấy (Đoàn Tuấn), Mùa xa nhà (Nguyễn Thành Nhân) và Rừng khộp mùa thay lá (Nguyễn Vũ Điền), ngoài sự có mặt của các tác giả còn có sự tham dự của bà Phan Thị Thu Hà - Phó giám đốc thường trực NXB Trẻ, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM và đồng đội của các tác giả.
|
Nhà thơ Lê Minh Quốc mở đầu bằng lời nhận xét về bộ sách: “Bức tranh về chiến trường K nhìn từ nhiều góc độ đã được dựng lại với đa sắc, tình cảm khác nhau. Có thể nói, đây chính là một dòng văn học dù ít, dù nhiều đã góp phần tái hiện lại những năm tháng gian nan nhưng chan chứa nghĩa tình đồng đội, thể hiện nghĩa cử cao đẹp của ‘anh bộ đội Cụ Hồ’ lúc tác chiến ở ‘đất bên ngoài Tổ quốc'. Ở đó, còn là tình bạn keo sơn gắn bó giữa Việt Nam – Campuchia mà qua bộ sách, như trả lời với thế giới trong tình hình chính trị hiện nay bằng hồi ức của chính người trong cuộc, Những câu chuyện mà các nhà văn khi viết, có người đã thắp nhang đến cong cả cây nhang như linh cảm có sự chứng kiến của đồng đội".
|
|
Rừng khộp mùa thay lá bắt đầu từ những năm 1978 khi tác giả là chàng sinh viên năm thứ 3 đại học Tổng hợp Hà Nội, đáp lời sông núi đã lên đường nhập ngũ vào chiến trường K. Nhiều địa danh gợi lên sự xa xôi, nguy hiểm đã ghi dấu những bước chân của tác giả và đồng đội từng xuôi ngược: Sisophon, Ampil, Thma Puok, Svay Chek, Pailin, Nimith, Khvav... với mồ hôi, máu và thậm chí là gửi thân mình ở lại những nơi xa xôi… Mùa xa nhà là những trang viết chân thực nhất, sinh động nhất, thành tâm nhất của một người lính tình nguyện Việt Nam từng có những năm tháng gắn bó và chiến đấu trên chiến trường Tây Bắc Campuchia .
Tận dụng tối đa khả năng quan sát, ghi chép tỉ mỉ - những phẩm chất vốn có của một người lính thông tin để tái hiện lại Mùa chinh chiến ấy, dù đã qua đi gần 40 năm, nhưng vẫn sinh động như một giấc mơ tuổi trẻ khốc liệt mà tuyệt đẹp. Đoàn Tuấn ghi lại từng thói ăn, nếp ở, hoạt động tác chiến, chặng đường hành quân, những phong tục tập quán kỳ lạ của đất nước bạn qua con mắt xanh non của một người lính trẻ, hay thậm chí là những chuyện “bốc giời” của anh em, bồ tèo. Như anh luôn trăn trở: “Làm sao góp nhặt để tặng lại cho mỗi người, cho đồng đội tôi?”. Giọng văn trong sáng, tự nhiên nhưng khi cần cũng không hề né tránh những mảng gai góc của hiện thực.
|
Hòa bình rồi vẫn không thể nào nguôi quên
Ông Dương Thành Truyền, đại diện NXB Trẻ cũng từng là người lính chia sẻ thêm: “Bộ sách là sự ám ảnh về cái chết của đồng đội. Bạn đã nhận thay cho chúng tôi viên đạn để rồi chân chôn ở một nơi, thân xác chôn ở nơi khác. Sự ám ảnh còn là mình phải đi báo tử cho cha mẹ, vợ con của đồng đội. Ám ảnh những tháng ngày trở về đi tìm thân xác đồng đội còn rất trẻ ngày ấy bây giờ nằm ở đâu trên chiến trường”.
Đó còn là sự khốc liệt của chiến tranh, hòa bình rồi vẫn không thể nào nguôi quên. Tác giả Nguyễn Thành Nhân kể: “Cuộc sống ở Campuchia gian khổ, không có nước uống, tắm giặt nên người chúng tôi hôi như cú. Mùa khô các con suối nhỏ đều cạn khô khốc nên sau 3 năm, tôi trở về là con người hoàn toàn sắt đá. Nhớ rừng quá lại phải đăng ký đi Thanh niên xung phong trên Đak Nông… Kỷ vật chỉ là chiếc balo lỗ chổ lỗ thủng của đạn”. Nhà văn Đoàn Tuấn tiếp lời: “5 năm ở trong rừng toàn đi bộ nên về nhà tôi không đi được xe đạp. Nhà cửa thì có cảm giác chật chội, trong khi ở rừng thì mênh mông. Đêm thích nằm võng chứ không quen nằm giường. Tội nhất là mỗi khi đi trên đường nhựa vẫn sợ bị đạp mìn, trong giấc ngủ chập chờn cứ nghe tiếng súng bắn của kẻ thù…”.
|
|
Kể lại quá trình đi tìm đồng đội, tác giả Nguyễn Vũ Điền thương cho gia đình những người bạn hy sinh trong chiến tranh vẫn còn khó khăn quá: “Người lính chúng tôi sống thật như nòng súng và tính tình thì thẳng như viên đạn chỉ có một cái đích ngắm để thẳng tới nên sau này hòa nhập với cuộc sống cũng cả là một quá trình dài”.
Buổi giao lưu diễn ra đầy cảm động, càng giúp cho những người đọc trẻ tuổi nhận ra và biết trân quý những giây phút bình yên trong hòa bình. Lời MC Lê Minh Quốc khiến cho bao độc gia tham dự phải suy nghĩ, thay cho lời kết: “Không phải đến ngày 27.7 hằng năm mới là dịp đền ơn đáp nghĩa mà lòng biết ơn đã được ý thức từng ngày. Tôi tin rằng một khi tìm đến bốn ấn bản của các nhà văn trong bộ sách 4 Mùa này, bạn đọc sẽ hài lòng, sẽ hiểu nhiều hơn nữa chân dung người lính ở chiến trường K. Và không chỉ đọc một lần. Còn đọc lại lần nữa. Nhiều lần nữa. Để biết rằng, đã có thời một thế hệ đã sống như thế. Sống vì sự sống của một dân tộc anh em, đời đời thân thiện và hữu nghị với nhân dân Campuchia. Lẽ sống ấy cao quý và hướng thiện biết bao nhiêu”.
Bình luận (0)