3 sản phẩm công nghệ cho thấy Mỹ khó thắng Trung Quốc trong chiến tranh thương mại

18/11/2018 14:06 GMT+7

Hãng tin Bloomberg nhận định Mỹ và Trung Quốc đang bên bờ vực chiến tranh lạnh mới, không lâu sau khi cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson cảnh báo về "bức màn sắt kinh tế" giữa hai cường quốc.

Trước cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 30.11 và 1.12 tại hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận.
Song ngay cả khi Mỹ - Trung vượt được bất đồng, hòa bình thương mại cũng có thể mất hàng tháng để giải quyết, khó có khả năng lập tức giảm căng thẳng cho nhiều doanh nghiệp bị tác động từ loạt thuế quan “ăn miếng trả miếng", vốn ảnh hưởng đến 60% hàng hóa giao thương giữa hai bên. 
Vì thế nhiều doanh nghiệp toàn cầu bị buộc phải tái kiểm tra nơi họ làm và mua linh kiện, sản phẩm. Họ để mắt đến rủi ro có thể kéo dài cho mô hình làm ăn. Paul Triolo, người đứng đầu mảng phân tích chính sách công nghệ thế giới tại Eurasia Group, cho hay: “Đây là khó khăn của thời đại chúng ta, sẽ có rất nhiều thiệt hại song song”.
Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump xem chiến tranh thương mại là ưu tiêu an ninh quốc gia, là phản ứng với những gì họ cho là “sự xâm lăng kinh tế” từ Trung Quốc. Trung Quốc cũng nghiêm túc trong tình hình này. Đến thăm trung tâm sản xuất của tỉnh Quảng Đông vào tháng 10, chủ tịch Tập nhắc lại quan điểm rằng Trung Quốc phải tự chủ, nhất là tự chủ đổi mới.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson Ảnh: Bloomberg
Tuần trước, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson, người làm việc dưới thời cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, bày tỏ lo ngại: “Tôi lo rằng phần lớn của nền kinh tế thế giới cuối cùng sẽ bị đóng cửa trước dòng chảy đầu tư và thương mại tự do. Đó là lý do vì sao tôi nhìn thấy khả năng của một bức màn sắt kinh tế, bức màn tạo ra bức tường mới cho mỗi bên, chia cắt kinh tế thế giới”.
Hiện đã có nhiều doanh nghiệp thay đổi để thích ứng. Các hãng xe châu Âu như BMW bị buộc phải tính lại mô hình kinh doanh, xuất khẩu SUV từ South Carolina đến Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á như Việt Nam thì được quan tâm vì là lựa chọn địa điểm sản xuất thay cho Trung Quốc.
Có ba sản phẩm công nghệ nhấn mạnh sự phức tạp mà giới doanh nghiệp phải đối mặt giữa hai cường quốc kinh tế: Pin sạc, tấm pin mặt trời và bồn tắm nước nóng. Trung Quốc kiểm soát nguyên liệu thô, có lợi thế cạnh tranh cố định trong chuỗi cung ứng và khả năng tìm khách mua mới cả trong lẫn ngoài nước cho ba mặt hàng này. Thuế quan còn có thể khiến giá cả ba sản phẩm lên cao trên toàn thế giới.
Pin ion lithium
Trung Quốc chiếm hơn 60% tổng sản lượng pin li-on toàn cầu Ảnh: Bloomberg
Cuộc chiến thương mại của ông Trump nhắm trực tiếp vào kế hoạch “Made in China 2025”, tham vọng dẫn đầu thế giới trong một số ngành công nghiệp vào năm 2025 của Bắc Kinh. Hai ngành công nghiệp được đánh giá cao trong danh sách “Made in China 2025” là phương tiện điện và tất cả những gì liên quan đến chúng, trong đó có pin ion lithium (pin li-on). Loại pin này là ví dụ điển hình về việc chuyển đổi chuỗi cung ứng khó đến mức nào.
Mỹ hiện phụ thuộc vào nguồn sản xuất nước ngoài cho loại pin có thể sạc lại. Các nhà sản xuất Trung Quốc thì đã thống trị sản xuất pin ion lithium, và được dự báo tiếp tục đi đầu như thế nhiều năm tới. Đại lục hiện chiếm hơn 113.000 megawatt giờ trong số 175.000 megawatt giờ sản lượng pin ion lithium toàn cầu, theo dữ liệu từ Bloomberg New Energy Finance. Trong khi đó, Mỹ chỉ chiếm hơn 30.000 megawatt giờ một chút.
Năng lực sản xuất của Đại lục được dự báo tăng cao, có thể gấp ba lần trong ba năm tới. Trung Quốc cũng kiểm soát thị phần đáng kể cho nguyên liệu thô được dùng trong pin li-on, trong đó có cả lithium đã qua xử lý.
Nhiều hãng như Apple, Tesla đã và đang tranh nhau nguồn cung kim loại như cobalt, lithium từ các nhà cung ứng ở nước ngoài. Họ cũng vận động hành lang để chính quyền Mỹ loại trừ thuế quan áp lên các loại pin và nguyên liệu thô. Đơn cử, trong thư gửi đến đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizerr hồi tháng 9, Mitsubishi Chemical cảnh báo thuế đề xuất lên mặt hàng lithium hexafluorophosphate nhập khẩu sẽ làm tê liệt nhà máy 38 triệu USD tại Tennessee của hãng.
Thiết bị biến đổi năng lượng mặt trời
Một nhân viên kiểm tra pin mặt trời trong dây chuyền sản xuất Ảnh: Bloomberg
Năng lượng mặt trời là một trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thuế quan của ông Trump. Đầu năm nay, chính quyền Mỹ áp thuế quan “bảo vệ” tạm thời với pin mặt trời. Trong tháng 9, họ áp thuế quan lên solar inverter, hộp thiết bị biến đổi năng lượng mặt trời thành dòng điện xoay chiều mà con người dùng hằng ngày.
Theo cố vấn chung của Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời John Smirnow, phần lớn thiết bị loại này được dùng ở Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc. Thực tế trên sẽ thay đổi trong vài tháng tới, nhưng chỉ vì một số hãng Đại lục chuyển dịch sản xuất ra nước ngoài.
Đơn cử, nhà sản xuất thiết bị biến đổi năng lượng mặt trời Sungrow lập nhà máy đầu tiên ngoài Trung Quốc ở Bangalore (Ấn Độ). Chuỗi cung ứng của Sungrow thay đổi nhưng chỉ là về bề ngoài chứ không phải cấu trúc. Nhà máy ở Ấn Độ sẽ giúp Sungrow có nguồn cung sản phẩm né được thuế quan cao vào Mỹ. Vì thế, mục tiêu đem việc làm về cho dân Mỹ của ông Trump không thành hiện thực trong trường hợp này.
Bồn tắm nước nóng
Sản phẩm bồn nước nóng Ảnh: AFP/Getty Images
Tình cảnh của hãng sản xuất bồn nước nóng Shenzhen Kingston Sanitary Ware của Trung Quốc cho thấy rằng tất cả các bên đều chịu tổn thương trong cuộc chiến thương mại. Kingston không bán hàng đến Mỹ nhưng cũng bị ảnh hưởng bởi thuế trả đũa 10% mà Trung Quốc áp lên hàng nhập khẩu bảng điều khiển và vỏ acrylic do Mỹ sản xuất. Hai phần này chiếm 65% chi phí làm bồn.  
Trong bối cảnh ông Trump sắp nâng thuế lên 25% trong tháng 1 và Trung Quốc rất có thể trả đũa, Kingston cung cấp cho khách hàng của hãng, chủ yếu là ở châu Âu và Úc, lựa chọn chuyển sang bảng điều khiển từ Canada và vỏ acrylic do Trung Quốc sản xuất.
Hiện có 40% khách hàng muốn gắn bó với các thành phần của Mỹ và chịu giá cao, song đến 60% sẵn sàng chuyển sang dùng hàng nước khác. Điều này khiến Mỹ mất công ăn việc làm và hoạt động kinh doanh, song phía Trung Quốc cũng chịu tác động không nhỏ. Biên lợi nhuận Kingston đang ở mức thấp 10%, và thuế cao hơn sẽ là mối đe dọa với toàn ngành sản xuất bồn tắm nước nóng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.