Ngày 26.4, TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở Y tế TP.HCM đang triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe (CSSK) người dân giai đoạn hậu Covid-19. Đây là hoạt động được lãnh đạo TP.HCM quan tâm, chỉ đạo từ đầu năm nay.
Nhân viên y tế Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức, TP.HCM) hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân hậu Covid-19 |
NHẬT THỊNH |
Trong tuần này, Sở Y tế tổ chức nhiều cuộc họp tổ chuyên gia xây dựng Hướng dẫn xử trí các vấn đề sức khỏe sau mắc Covid-19 trong lĩnh vực nhi khoa, hô hấp, tim mạch và tâm thần.
Điều trị kịp thời, hạn chế tử vong
Theo TS-BS Nguyễn Anh Dũng, tiến độ thực hiện hoạt động CSSK người dân giai đoạn hậu Covid-19 được thực hiện như sau: Quý 1/2022, xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch; thành lập tổ chuyên môn xây dựng “Hướng dẫn xử trí các vấn đề sức khỏe sau mắc Covid -19”. Quý 2/2022, hoàn thành “Hướng dẫn xử trí các vấn đề sức khỏe sau mắc Covid-19”; thực hiện các tài liệu truyền thông dưới nhiều hình thức về các bệnh lý hậu Covid-19 để người dân tiếp cận bằng nhiều cách khác nhau. Quý 4/2022, tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện kế hoạch.
Các hoạt động CSSK người dân giai đoạn hậu Covid-19 của TP.HCM nhằm phát hiện sớm các ca mắc bệnh lý giai đoạn hậu Covid-19, can thiệp chăm sóc, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong, ảnh hưởng sức khỏe, góp phần bảo đảm an sinh, bảo vệ lực lượng lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân TP.HCM.
Nhân viên y tế Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức, TP.HCM) hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân hậu Covid-19 |
NHẬT THỊNH |
Về nội dung thực hiện cụ thể, theo TS-BS Dũng, Sở Y tế xây dựng Hướng dẫn tầm soát, phát hiện sớm, đánh giá nguy cơ, cách chăm sóc, điều trị hậu Covid-19; phát triển nền tảng số của TP.HCM về dữ liệu sức khỏe của người dân hậu Covid-19 (đây là một trong những dữ liệu quan trọng về sức khỏe ban đầu để tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân TP), chuyển đổi số hoạt động quản lý, CSSK người dân giai đoạn hậu Covid-19.
Mặt khác, TP.HCM thiết lập mô hình tháp 3 tầng CSSK cho người hậu Covid- 19. Tăng cường truyền thông và thực hiện nghiên cứu khoa học về sức khỏe cộng đồng toàn cầu: “Bệnh lý hậu Covid-19”. Tăng cường hợp tác quốc tế về các chương trình phục hồi sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân sau đại dịch Covid-19.
Các bệnh viện (BV) công, tư rà soát, sẵn sàng tầm soát đối với người dân từng mắc Covid-19. Xây dựng mô hình điều trị các bệnh lý hậu Covid-19 phù hợp khả năng điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB).
Cụ thể, tầng 1 là Trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức, Trạm y tế phường, xã, thị trấn, phòng khám BS gia đình. Các nơi này tư vấn, theo dõi CSSK cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu Covid-19 mức độ nhẹ. Tầng 2 là các BV đa khoa quận, huyện sẽ tư vấn, theo dõi, CSSK cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu Covid-19 mức độ trung bình. Tầng 3 là BV đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối thực hiện tư vấn, theo dõi, CSSK cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch.
Sở Y tế yêu cầu các đơn vị cử nhân sự tham gia tập huấn các khóa đào tạo liên tục về chẩn đoán, hướng dẫn điều trị bệnh lý hậu Covid-19. Tăng cường hội chẩn với BV tuyến trên, chuyển viện kịp thời trong trường hợp tình trạng người bệnh quá khả năng điều trị. Đảm bảo công tác thống kê số liệu về KCB các bệnh lý sau mắc Covid-19 tại các đơn vị định kỳ hằng tháng, quý và cung cấp số liệu cho các cơ quan quản lý khi cần.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng hiện VN chưa phân cấp rõ ràng về việc khám hậu Covid-19 và chi phí y tế tùy theo khả năng chi trả của người bệnh, điều này chưa tạo ra sự công bằng. Cùng quan điểm với Sở Y tế, theo ông, với hậu Covid-19, nên khám từ tuyến dưới trở lên. Ở Anh, tất cả trường hợp liên quan Covid-19 đều khám ở y tế tuyến cơ sở, còn những ca bệnh nặng hơn như viêm cơ tim thì chuyển lên BV, nặng hơn nữa mới chuyển đến các trung tâm điều trị Covid-19.
Hậu Covid-19 ở trẻ em và người lớn ra sao?
Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, hậu Covid-19 ở trẻ em ít và có vài hội chứng, gồm: hô hấp (dễ sổ mũi, ho...) có thể phát sau mắc Covid-19 và điều trị thông thường. Nổi mề đay, không thể xác định được do hậu Covid-19 hay bản thân trẻ nổi mề đay; điều trị là xổ giun, xem lại thức ăn, quần áo, môi trường và dùng thuốc chống mề đay. Tâm lý của trẻ bị áp lực do bị buộc ở trong phòng để không lây cho người khác, dẫn đến trẻ không giao tiếp với gia đình chứ không phải do Covid-19 và trẻ phải đi khám tâm lý. Trong thời gian trẻ mắc Covid-19 được “cưng chiều” cho xem ti vi nhiều dẫn đến mất ngủ nên cần tập lại; có trẻ nhức đầu có thể do xem tivi, chơi game nhiều hoặc do cận thị, căng thẳng, stress cần đi khám. Hậu Covid-19 cũng có thể làm trẻ “nhớ nhớ, quên quên” và cũng chỉ uống thuốc làm dịu thần kinh, vitamin nhóm B. Cũng có thể trẻ biếng ăn và uống thuốc 1 - 2 tuần sẽ ăn tốt lại. Tất cả những vấn đề trên liên quan tâm lý hơn là triệu chứng thực thể.
Hậu Covid-19 trẻ em còn có thể mắc hội chứng MIS-C, với các biểu hiện như sốt cao liên tục, mắt đỏ, môi đỏ, phát ban da, sưng đau hạch cổ và các triệu chứng tiêu hóa như ói, đau bụng, tiêu chảy. Các biến chứng nặng của MIS-C ở trẻ thường liên quan đến hệ tim mạch, bao gồm viêm động mạch vành và giảm chức năng co bóp của cơ tim. Biến chứng viêm mạch vành nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại di chứng lâu dài trên hệ tim mạch như giãn động mạch vành, thiếu máu cơ tim. Trẻ nghi mắc hội chứng MIS-C cần được theo dõi, điều trị tại các BV chuyên khoa nhi.
Với người trưởng thành, hậu Covid-19 có rất nhiều triệu chứng, nhưng có 2 nhóm triệu chứng cần quan tâm là hô hấp và tim mạch.
Về hô hấp hậu Covid-19, theo TS-BS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Nội hô hấp - Cơ xương khớp BV Nhân dân Gia Định, nhiều bệnh lý trước đây người dân không đi khám do ngại tới nơi đông người thì nay đi khám nhiều; khá đa dạng như lao phổi mới phát hiện, hen không được kiểm soát (có thể có tiền căn từ trước hay không), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Với BN từng nhiễm Covid-19 nặng (có viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng - ARDS, phải nằm viện kéo dài, thở máy…) thì sau khỏi Covid-19 có thể gặp những vấn đề về hô hấp cần được theo dõi và điều trị bởi BS chuyên khoa hô hấp.
BS Hương khuyến cáo tránh nơi ô nhiễm môi trường, ngừng hút thuốc lá, ăn uống đủ chất, tập thể dục vừa sức, tiêm phòng các bệnh nhiễm trùng hô hấp như cúm, viêm phổi, ho gà… theo khuyến cáo của BS; khi có triệu chứng hô hấp cần đi khám hoặc nếu có bệnh hô hấp từ trước thì tái khám theo hẹn của BS.
GS-TS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội Tim mạch VN, cho biết Covid-19 ảnh hưởng trên người nguy cơ cao về tim mạch: lớn tuổi, huyết áp, tiểu đường, các bệnh lý phổi mãn tính… làm cho tình trạng bệnh nặng lên và nguy cơ tử vong.
Những tổn thương đó từ từ giảm đi, có những người không bị ảnh hưởng về sau. Nhưng cũng có một số gặp vấn đề do Covid-19 gây bệnh nặng thêm ở phổi, tim, mạch máu… Covid-19 làm các bệnh sẵn hay người bệnh ngưng dùng thuốc các bệnh mạn tính làm bệnh nặng thêm như huyết áp xáo trộn, đường huyết không kiểm soát, nhịp tim nhanh, khó thở… và xảy ra một số di chứng. BN cần đến BS để được chẩn đoán, phân biệt là bệnh nền nặng lên qua đợt Covid-19 hay những tổn thương do hậu quả của vi rút gây bệnh Covid-19 trên tim, não, mạch máu… Điều này đòi hỏi thầy thuốc chuyên khoa đánh giá, phân biệt bệnh cũ - mới, có nghiêm trọng hay không, hay vì tâm lý BN nói quá lên…
Cần được hỗ trợ, can thiệp tâm lý
Ở góc độ tâm lý, chuyên gia tâm lý GS-TS Huỳnh Văn Sơn cho biết đang làm dự thảo đề án chương trình CSSK tâm thần hậu Covid-19 cho người dân TP.HCM. Theo ông, hậu Covid-19 tác động đến mọi thành phần trong xã hội. Đối với trẻ em, có biểu hiện khó bảo, khó khăn trong học tập, chậm phát triển, chậm nói, có các biểu hiện lo âu hoặc gặp các rối nhiễu hành vi.
Với thanh thiếu niên (dưới 18 tuổi): Các vấn đề thường gặp là quá lo âu, căng thẳng, mất động cơ trong học tập, thu mình, nghiện internet... Với người lớn (trên 18 tuổi): căng thẳng, nạn nhân của việc bị hành hung, trầm cảm và lo âu, hành vi nghiện ngập (trò chơi trực tuyến, mạng xã hội), rối loạn ăn uống hay giấc ngủ...
Các tổn thương, di chứng về tinh thần không chỉ xuất hiện ở người nhiễm Covid-19 mà còn lan ra các nhóm nhân viên y tế, tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch, và từng người dân phải sống trong cách ly, phong tỏa. Giai đoạn sau dịch Covid-19, khi các vấn đề an sinh, kinh tế - xã hội, y tế của người dân đã đi vào ổn định, các cơn hoảng loạn, sự lo lắng kéo dài - những sang chấn tâm lý sẽ được tái hiện và thúc đẩy nhu cầu cần được hỗ trợ, can thiệp tâm lý. Đây là giai đoạn mà các chiến lược hỗ trợ, can thiệp tâm lý cho người trưởng thành, trẻ em và nhóm yếu thế trở nên cấp thiết. Những người yếu thế có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo không có nơi nương tựa, phải mưu sinh vất vả ngoài đường trong thời gian giãn cách đã để lại nhiều hình ảnh, trường hợp đau khổ. Dù rằng các chính sách hiện nay của địa phương đã tạo ra nơi cư trú tạm thời cho nhóm yếu thế, tuy nhiên khi dịch bệnh đã được kiểm soát thì liệu rằng họ có còn nơi nương tựa. Đây là một câu hỏi và cũng là trách nhiệm cần giải quyết không chỉ là của chính quyền TP mà của các nhà khoa học, các lực lượng xã hội và các bên có liên quan trong quá trình phát triển TP.HCM.
Vì thế, những dự báo về sang chấn tâm lý, các triệu chứng của PTSD (rối loạn stress sau sang chấn) của người dân rất quan trọng và cần thiết trong thực tế bởi đây là hành động chiến lược cho các kế hoạch phục hồi và phát triển, thể hiện quan điểm con người nhất là giá trị nhân văn. Đây cũng là yêu cầu lõi của chính sách an sinh xã hội và đáp ứng các nhu cầu chăm sóc con người, nhất là nhu cầu chăm sóc tinh thần trong bối cảnh hậu Covid-19.
“Như vậy, có thể khẳng định việc xây dựng đề án chương trình CSSK tâm thần hậu Covid-19 cho người dân TP.HCM có tính cấp thiết như một động thái cần được ưu tiên thực hiện bởi tầm quan trọng và ý nghĩa của nó”, GS-TS Huỳnh Văn Sơn nói.
Hậu Covid-19 và tâm thần
Theo kết quả của một số nghiên cứu, BN Covid-19 có tỷ lệ mất ngủ cao (26,45%) ở hai hoặc vài tuần sau khi xuất viện, khỏi bệnh. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra, tỷ lệ trầm cảm và lo âu là cao nhất ở những BN có bệnh từ trước, là bệnh nền nhưng chưa được khám và điều trị chuyên khoa tâm thần, và nhiễm Covid-19 là yếu tố thuận lợi thúc đẩy bệnh khởi phát.
Trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, theo BS Trần Minh Khuyên, Trưởng khoa Tâm thể, Phòng khám BV ĐH Y Dược 1, hậu Covid-19 làm người chưa từng bị bệnh về sức khỏe tâm thần bị rối loạn giấc ngủ vì stress, do giãn cách, sợ nhiễm bệnh cho bản thân. Mặt khác, do ảnh hưởng kinh tế, lo lắng cho người nhà bị nhiễm bệnh và mất vì Covid-19, sẽ dẫn đến trầm cảm. Trẻ em cũng dễ bị rối loạn lo âu, dễ trầm buồn do học online, thời gian giãn cách xã hội quá lâu… trở nên ít nói, trầm cảm. “Hậu Covid-19 làm người từng bị rối loạn lo âu sẽ tái bệnh và có xu hướng bị nặng hơn”, BS Khuyên nói.
Trong điều trị, tùy bệnh lý, nguyên nhân và dựa trên lâm sàng, BS có phác đồ điều trị riêng cho từng BN. BS Khuyên nhận định, cứ khoảng 10 người nhiễm Covid-19 thì có 4 người có vấn đề về lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ. BS Khuyên cho biết thêm, thực tế tại phòng khám, số ca khám tâm thần tăng cao. Hiện tại khoảng 25 ca/ngày.
“Để không bị những chứng bệnh về sức khỏe tâm thần hậu Covid-19, người dân, BN cần tập lối sống cân bằng, tập thể dục mỗi ngày 30 - 45 phút, đi ra ngoài dã ngoại, vui chơi…”, BS Khuyên tư vấn.
Bình luận (0)