3 tháng cuối năm, cả TP.HCM mới bán được khoảng 100 căn hộ

20/12/2022 17:48 GMT+7

Báo cáo về thị trường bất động sản của Batdongsan.com.vn cho thấy trong quý 3/2022 lượng giao dịch căn hộ tại TP.HCM ảm đạm chưa từng có khi chỉ mới khoảng 100 căn hộ được giao dịch.

Khách chờ thị trường giảm thêm

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn, cho biết đà tiêu thụ ảm đạm của thị trường căn hộ TP.HCM và các tỉnh phía Nam gia tăng dần trong nửa cuối năm 2022. Cụ thể, trong quý 1 và quý 2/2022 TP.HCM có gần 14.000 căn hộ mới chào bán, tỉ lệ tiêu thụ luôn đạt con số 70 - 80% thì bước sang quý 3/2022, chỉ có khoảng 1.250 căn và tỷ lệ tiêu thụ chưa đến 52%. Đến quý 4, toàn thị trường có 450 căn hộ sơ cấp mở bán nhưng lượng tiêu thụ mới đạt khoảng 25%, tương đương 100 căn hộ được giao dịch trong tổng số nguồn cung.

Giao dịch bất động sản đã "đứng hình", nhất là những tháng cuối năm

ĐÌNH SƠN

Theo đánh giá của ông Tuấn, đây là tình trạng chưa từng xuất hiện trong 5 năm trở lại đây, nhất là vào giai đoạn cận tết, thời gian đỉnh điểm giao dịch bất động sản sôi động nhất trong năm. Chưa kể để kích cầu, nhiều doanh nghiệp đã nâng mức chiết khấu đến 40 - 50% giá trị bất động sản. Trên thị trường thứ cấp cũng xuất hiện nhiều giao dịch cắt lỗ, giảm giá mạnh đến từ nhóm nhà đầu tư và người mua cần tiền gấp phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân hay sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà, phải thanh lý bớt bất động sản để cơ cấu dòng vốn, giảm áp lực do lãi suất cho vay leo thang.

Theo lý giải của ông Tuấn, việc giao dịch “đóng băng” do khách hàng khó tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng hoặc những khách hàng tiếp cận được nguồn vốn vay thì cảm thấy sốc vì lãi vay tăng nhanh dẫn tới tâm lý trì hoãn việc mua nhà trong ngắn hạn. Trong khi nhóm đối tượng đang có tiền lại ngập ngừng giải ngân, nuôi kỳ vọng giá sẽ giảm sâu hơn và các chính sách chiết khấu sẽ sâu hơn trong thời gian tới.

Năm 2023 sẽ dần phục hồi

Dù những tháng cuối năm 2022 thị trường khá “đen tối”, nhưng TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia đưa ra một cái nhìn khác tích cực cho thị trường trong năm 2023. Bởi theo ông, năm 2023 kinh tế thế giới có thể phục hồi chậm lại nhưng vẫn tăng trưởng gần bằng mức trước dịch (2,2 - 3%), đã tính đến tác động xung đột giữa Nga và Ukraine. Trong nước kinh tế phục hồi nhanh, các động lực tăng trưởng phục hồi mạnh hơn, nhất là phục hồi nhanh của du lịch nội địa, lạm phát cơ bản được kiểm soát, tỷ giá lãi suất tăng nhưng trong tiên lượng và tầm kiểm soát…

Ngoài ra, đầu tư công được đẩy mạnh, thể chế được thúc đẩy hoàn thiện... cũng là động lực giúp thị trường bất động sản hồi phục. Trong đó, bất động sản đất nền, khu công nghiệp, nhà ở như nhà ở xã hội, phân khúc bình dân sẽ tiếp tục điều chỉnh và khả quan. Năm 2023, nguồn cung bất động sản sẽ được cải thiện khi pháp lý dần được tháo gỡ. Tuy nhiên, bài toán trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là thách thức cần giải quyết. Thị trường sẽ được sàng lọc, tái cấu trúc và phục hồi dần.

Liên quan đến việc giao dịch giảm sút trầm trọng, các chuyên gia cho rằng cần khơi thông dòng vốn từ người dân, những người mua ở thực. Nhưng để kích hoạt được dòng vốn này, giá bất động sản cần phải được hạ xuống. Đây sẽ là thời điểm thị trường đủ hấp dẫn để kích hoạt dòng tiền vào “bắt đáy”, mở thanh khoản đang tắc nghẽn và giải cứu thị trường.

Các chuyên gia cho rằng, hiện thị trường hiện tại vẫn có nhiều tiềm năng nhưng thiếu niềm tin. Hầu hết các bên đang giữ tâm thế nghe ngóng và quan sát diễn biến thị trường. Điều này lý giải vì sao tiền trong dân vẫn còn nhiều nhưng các kênh đầu tư vẫn “khát” vốn. Theo các số liệu thống kê, GDP của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 7,5 - 8,2% cùng với CPI từ 3,8 - 4,2% cho thấy bức tranh chung duy trì tốc độ tăng trưởng, thu nhập người dân ổn định. Trong khi đó, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam còn thấp, đạt khoảng 40%, còn ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM chưa đến 50%. Điều này cho thấy nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn còn rất lớn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.