3 tháng Thủ tướng quay lại kiểm tra: Hầu hết dự án giao thông trọng điểm ở ĐBSCL chậm tiến độ

16/10/2024 09:17 GMT+7

Các dự án giao thông ĐBSCL đang chậm tiến độ từ 4% đến 15% do sự thiếu hụt cát, đá. Chính phủ và địa phương đang nỗ lực giải quyết vấn đề này để đạt mục tiêu đề ra.

Ngày 16.10 tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy các dự án giao thông ĐBSCL. Cùng dự có Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, cùng các bộ trưởng, lãnh đạo địa phương.

Thủ tướng cho biết, cách đây 3 tháng, Thủ tướng đã cùng các bộ, ngành địa phương họp giải quyết một số việc liên quan đến những khó khăn, vướng mắc của các dự án giao thông trọng điểm tại ĐBSCL. Hội nghị hôm nay để đánh giá lại sau 3 tháng đã chuyển biến được những gì, chưa chuyển biến được gì; đặc biệt là những vấn đề liên quan những vướng mắc về vật liệu, vốn, giải phóng mặt bằng (GPMB); đồng thời chỉ rõ nguyên nhân, giải pháp để tháo gỡ, thúc đẩy các dự án (DA).

Vấn đề chậm tiến độ gây lo ngại lớn

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện khu vực ĐBSCL đang triển khai 5 DA giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT. Trong đó, 4/5 dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư và đang tổ chức triển khai thi công. DA cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (vốn ODA Hàn Quốc) do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025.

3 tháng Thủ tướng quay lại kiểm tra: Hầu hết dự án giao thông trọng điểm ở ĐBSCL chậm tiến độ- Ảnh 1.

Hiện hầu hết các dự án giao thông trọng điểm ở ĐBSCL đang chậm tiến độ so với kế hoạch do gặp khó về vật liệu

ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

Đến nay, về GPMB, các dự án cao tốc đang triển khai đạt trên 99%, cơ bản đáp ứng tiến độ thi công. Tuy nhiên, DA đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận còn chậm (đoạn qua tỉnh Kiên Giang đạt 56%, qua tỉnh Bạc Liêu đạt 82%).

Đặc biệt, về công tác triển khai thi công, theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, 2 DA phải cơ bản hoàn thành năm 2025 (gồm: DA cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau, DA đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận); DA cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027; DA cao tốc Cao Lãnh - An Hữu và DA Mỹ An - Cao Lãnh hoàn thành năm 2027.

Tuy nhiên, hiện chỉ có dự án thành phần (DATP) 1 thuộc DA cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đáp ứng tiến độ, các DATP còn lại đều chậm từ 4% đến 15%. Nguyên nhân chủ yếu là do công suất khai thác và cung ứng nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án chưa đáp ứng được yêu cầu.

Còn nhiều khó khăn trong cấp phép khai thác cát

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao các địa phương như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Sóc Trăng hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác mỏ cát trước ngày 30.8.2024, nhưng tiến độ thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thi công các dự án giao thông.

3 tháng Thủ tướng quay lại kiểm tra: Hầu hết dự án giao thông trọng điểm ở ĐBSCL chậm tiến độ- Ảnh 2.

Thiếu cát san nền là một trong những nguyên nhân chính khiến các dự án giao thông trọng điểm ở ĐBSCL chậm tiến độ

ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

Nhiều mỏ cát tại các địa phương khi khảo sát đã không đạt yêu cầu về chất lượng và trữ lượng, buộc phải tìm kiếm nguồn cung thay thế và làm chậm trễ tiến độ cấp phép. Tại Tiền Giang, một số mỏ cát được cấp phép lại chồng lấn với luồng đường thủy nội địa. Tỉnh Bến Tre cũng gặp khó khăn khi một số mỏ thuộc quy hoạch khai thác khoáng sản giai đoạn 2026 - 2030, đòi hỏi phải điều chỉnh quy hoạch theo hướng dẫn của Bộ TN-MT.

Trong khi đó, các mỏ cát sông ở Sóc Trăng tuy có trữ lượng lớn nhưng công suất cấp phép, khai thác rất hạn chế. Tỉnh Đồng Tháp và An Giang cũng gặp trở ngại khi một số mỏ phải dừng khai thác do hết công suất hoặc không đảm bảo khối lượng, ảnh hưởng đến việc cung ứng cát cho dự án Cần Thơ - Cà Mau.

Phải tìm cách "bù" tiến độ

Nhằm đảm bảo tiến độ triển khai, hoàn thành các dự án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ GPMB, di dời hệ thống điện cao thế để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các dự án trong tháng 10/2024.

Các cơ quan chủ quản cần chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, nhà thầu chủ động tìm kiếm nguồn vật liệu cát để bù đắp sự thiếu hụt, đáp ứng tiến độ dự án, phối hợp với các địa phương có mỏ vật liệu để hoàn thiện thủ tục cấp phép, đảm bảo nguồn cung cát, đá, không ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

3 tháng Thủ tướng quay lại kiểm tra: Hầu hết dự án giao thông trọng điểm ở ĐBSCL chậm tiến độ- Ảnh 3.

Các địa phương ĐBSCL cần phải nhanh chóng tháo gỡ khó khăn trong cấp phép khai thác cát để đáp ứng cho các dự án theo chỉ tiêu được giao

ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

Cụ thể, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khẩn trương hoàn thiện thủ tục cấp phép mỏ trong tháng 10.2024. Qua đó đáp ứng tiến độ theo chỉ tiêu được giao (Tiền Giang 15,95 triệu m3; Bến Tre 7,37 triệu m3), ưu tiên cho các dự án dự kiến hoàn thành năm 2025 như Cần Thơ - Cà Mau và Vành đai 3 TP.HCM.

Vĩnh Long cần khẩn trương rà soát nguồn để cung ứng cho dự án Cần Thơ - Cà Mau 1,2 triệu m3 còn lại, hoàn thành thủ tục cấp phép 2 mỏ với trữ lượng 0,8 triệu m3 trong tháng 10.2024 cung ứng cho dự án Vành đai 3 TP.HCM.

Đồng Tháp chỉ đạo rà soát các thủ tục để tăng trữ lượng khai thác mỏ Thường Thới Tiền (0,35 triệu m3) và bổ sung nguồn 0,12 triệu m3 theo đề nghị của Bộ GTVT để cung ứng đủ cho dự án theo chỉ tiêu được giao.

An Giang sớm đánh giá trữ lượng các mỏ trên địa bàn và triển khai thủ tục để cung ứng đủ 3,4 triệu m3 cho DATP 1 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; khẩn trương rà soát thủ tục để cho phép tiếp tục triển khai dự án nạo vét, chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao để sử dụng khoáng sản thu hồi cung ứng đủ khối lượng cho dự án Cần Thơ - Cà Mau (còn thiếu 0,63 triệu m3). Bên cạnh đó là đẩy nhanh các thủ tục để sớm đưa vào khai thác mỏ đá Antraco.

Tỉnh Sóc Trăng quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh thủ tục cấp mỏ cát sông bảo đảm công suất để cung ứng đủ khối lượng cho DATP4 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Các tỉnh tiếp tục chủ động nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền theo hướng dẫn của Bộ GTVT để giảm áp lực đối với nguồn cát sông.

Bộ GTVT cũng đề nghị chủ đầu tư cần quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị, bổ sung các mũi thi công, bố trí đủ tài chính, tổ chức thi công 3 ca 4 kíp để bù lại tiến độ; kiên quyết xử lý các nhà thầu chậm tiến độ; hoàn thành công tác giải ngân các dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Vật liệu cấp phối đá dăm thiếu do mỏ hết hạn khai thác

Không chỉ gặp khó về cát, các dự án giao thông trọng điểm ở ĐBSCL cũng đang vướng mắc về đá khi tổng nhu cầu của các dự án khoảng 7,64 triệu m3. Nguồn đá có trữ lượng lớn cũng như có điều kiện vận chuyển thuận lợi nhất là nguồn đá tại mỏ Antraco, thuộc tỉnh An Giang, công suất khai thác hàng năm khoảng 1,5 triệu m3. Tuy nhiên, giấy phép khai thác mỏ đã hết hạn từ tháng 6.2024.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.