3 tiêu chí xét tuyển vào lớp 6

08/05/2015 06:16 GMT+7

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa đưa ra hình dung sơ bộ về tiêu chí xét tuyển vào lớp 6 của một số trường được xem là đặc thù, trong đó có trường Hà Nội - Amsterdam.

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa đưa ra hình dung sơ bộ về tiêu chí xét tuyển vào lớp 6 của một số trường được xem là đặc thù, trong đó có trường Hà Nội - Amsterdam.

Cuối tháng 5 sẽ có thông tin chính thức về tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng
Sở GD-ĐT Hà Nội không chấp nhận phương án có buổi phỏng vấn của Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh để tuyển sinh vào lớp 6
Sáng 7.5, UBND TP.Hà Nội họp với lãnh đạo Sở GD-ĐT và UBND các quận - huyện về công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2015 - 2016. Vấn đề nóng nhất tại cuộc họp vẫn là việc tuyển sinh vào lớp 6 của một số trường đặc thù trên địa bàn.
Không đồng ý tổ chức thêm vòng phỏng vấn
Trao đổi với PV Thanh Niên bên lề cuộc họp về tiêu chí xét tuyển của một số trường đặc thù, trong đó có Hà Nội -
Amsterdam, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết dự kiến sẽ có những tiêu chí cơ bản để xét tuyển với những trường có số lượng dự tuyển cao: Xét năng lực học tập của học sinh (HS) từ lớp 1 đến lớp 5 thông qua học bạ. Tiêu chí thứ hai, căn cứ vào kết quả của HS qua các cuộc thi tất cả các mặt, từ văn hóa đến năng khiếu, thể dục thể thao… do ngành GD-ĐT cùng với các cơ quan khác phối hợp tổ chức. Tiêu chí thứ ba, con em các gia đình chính sách nếu có nguyện vọng xét tuyển vào các trường này cũng sẽ được ưu tiên. 3 tiêu chí lớn này sẽ tổng hợp bằng các tiêu chí nhỏ và quy chi tiết ra điểm. Từ đó, đưa ra một thang điểm, lấy từ cao xuống thấp để việc tuyển sinh được thực hiện một cách công bằng, minh bạch, công khai.
Xung quanh việc Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh dự kiến tiến hành phỏng vấn thêm HS để tuyển sinh, ông Đại cho biết Sở GD-ĐT không đồng tình với cách làm này, vì nếu trường tiến hành thêm cuộc phỏng vấn thì vô hình trung sẽ tạo ra một áp lực mới cho HS. “Việc phỏng vấn thêm sẽ khó tránh khỏi tình huống phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người phỏng vấn, khiến dư luận có thể hiểu khác đi về tính minh bạch của việc tuyển sinh. Lãnh đạo trường cũng đã chấp thuận sẽ không tiến hành phỏng vấn thêm và tính điểm một cách chi tiết từng tiêu chí để có thể tiếp nhận HS công bằng, khách quan”, ông Đại cho biết.
Với Trường THCS Cầu Giấy, bà Bùi Thị Vân Anh, Phó chủ tịch UBND Q.Cầu Giấy, cho biết quận đã trình phương án xét tuyển lên Ban thường vụ Quận ủy và chờ Sở GD-ĐT phê duyệt chính thức. Trong đó, hình thức xét tuyển cũng dựa trên điểm học bạ, giải thưởng từ các cuộc thi và cuối cùng sẽ là ưu tiên dựa vào hộ khẩu. Nếu cùng mức điểm, HS Q.Cầu Giấy sẽ được ưu tiên so với HS các nơi khác.
Xung quanh vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó bí thư Thành ủy, Phó chủ tịch UBND TP, yêu cầu các phương án dù được đưa lên nhưng trong quá trình đó vẫn phải lắng nghe ý kiến phụ huynh và dư luận xã hội. Dù chỉ có một ý kiến trái chiều và có góp ý nhưng xác đáng thì vẫn phải tiếp thu. “Nếu 500 hồ sơ điểm bằng nhau nhưng trường chỉ có thể tuyển được 300 em thì làm thế nào? Liệu bốc thăm có được không?”, bà Ngọc nêu vấn đề.
Kỷ luật nghiêm nếu sửa học bạ bất thường
Theo bà Ngọc, không còn tổ chức thi, việc xét tuyển chắc chắn sẽ khiến dư luận lo lắng liệu có xảy ra tình trạng “làm đẹp” hồ sơ để xét tuyển lớp 6 hay không? “Muốn để người dân tin tưởng thì việc kiểm tra cuối năm học của các trường tiểu học tới đây phải hết sức nghiêm túc”, bà Ngọc cho biết.
Bà Ngọc đề nghị: “Nếu phát hiện hồ sơ lớp 5 nào sửa chữa trong thời gian này, đặc biệt là sửa theo hướng tăng điểm, đánh giá tốt lên thì nhà trường phải giải trình và nếu có tiêu cực thì phải kỷ luật giáo viên, hiệu trưởng đồng thời lãnh đạo phòng GD-ĐT các quận huyện cũng sẽ phải chịu trách nhiệm. Bản thân tôi nếu nhận được phản ánh nơi nào có hiện tượng này, kiểm tra giám sát thấy đúng tôi cũng sẽ cương quyết đề nghị kỷ luật những người chịu trách nhiệm ở nơi đó”.
Liên quan tới vấn đề này, bà Dương Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hoàn Kiếm, cho biết việc đánh giá HS lớp 5 năm học này ở quận được chỉ đạo đổi mới so với các năm trước. “Chúng tôi yêu cầu các trường THCS phải tham gia phối hợp trong quá trình này để có sự chuyển giao, giám sát chất lượng HS từ lớp 5 lên lớp 6, đảm bảo việc đánh giá đó là công bằng và đáp ứng được nhu cầu chuyển cấp HS hoàn thành chương trình tiểu học”, bà Huyền nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Đại khẳng định: “Đây là vấn đề chúng tôi đã quan tâm ngay từ đầu năm học khi có kế hoạch tuyển sinh đầu cấp. Vì vậy, chúng tôi đã yêu cầu các trường quản lý nghiêm túc các kết quả học học tập của HS thông qua sổ điểm và nhận xét của giáo viên. Sở cũng sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát đột xuất hồ sơ, học bạ của HS lớp 5 ở các trường”.
Ngày 13.5 là thời hạn cuối cùng các quận huyện gửi phương án tuyển sinh. Ngày 30.5, cách thức, tiêu chí tuyển sinh đầu cấp cụ thể của từng quận huyện và các trường đặc thù sẽ được công bố công khai để người dân nắm rõ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.